Chiều 23-1, phiên tòa phúc thẩm vụ ông Trần Hùng kêu oan tiếp tục với phần tranh luận. Sau khi luật sư và ông Trần Hùng bào chữa, VKS đã đối đáp.
Ý kiến luật sư cho rằng cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, trong 7 bản cung do CQĐT khởi tố lấy lời khai có lần không có sự tham gia của các luật sư, việc cấp giấy chứng nhận bào chữa muộn.
Đáp lại, VKS nói ông Trần Hùng phạm vào tội với khung hình phạt từ 7-15 năm tù nên không nhất thiết các bản cung đều phải có sự tham gia của luật sư.
Đối với việc luật sư nêu một số văn bản của Mobifone không có trong hồ sơ là không đúng. Các văn bản này đã được thu thập trong hồ sơ vụ án.
Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Trần Hùng và luật sư của bị cáo đã cung cấp thêm một bản khai của phạm nhân nhưng không có chứng nhận của trại giam. Đại diện VKS xác định đây không phải nguồn chứng cứ đề nghị HĐXX không xem xét văn bản này.
Luật sư cho rằng, quá trình điều tra có bỏ lọt tội phạm và trích dẫn bản cung của các bị cáo nhưng VKS thấy quá trình điều tra không có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của những người này nên không có căn cứ để xử lý là đúng quy định. Nếu các luật sư có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng này thì luật sư có quyền kiến nghị.
Tiếp theo, luật sư cho rằng ông Trần Hùng không có chức năng, quyền hạn trong quá trình cùng Đội QLTT số 17 kiểm tra Công ty của bị cáo Thuận.
Tuy nhiên, VKS nhận thấy ông Trần Hùng là tổ trưởng tổ 304, có nhiệm vụ đại diện Tổng cục trưởng thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Ông Hùng là người tiếp nhận nguồn tin báo từ NXB Giáo dục, có bút phê rồi chuyển cho ông Kiên, cục trưởng Cục QLTT Hà Nội. Sau khi kiểm tra, ông Trần Hùng có viết tay gửi ông Kiều Nghiệp, nói rõ việc kiểm tra Công ty của bị cáo Cao Thị Minh Thuận là trong kế hoạch chỉ đạo của Tổ 304 phối hợp cùng Cục QLTT Hà Nội, phân công ông Nghiệp phối hợp với Đội QLTT số 17 làm rõ thủ đoạn của các đối tượng. Nếu đủ căn cứ khởi tố hình sự thì chuyển ngay cho CQĐT.
Do đó, VKS xác định bị cáo có chức vụ quyền hạn trong việc tiếp nhận thông tin phối hợp cùng kiểm tra Công ty của Thuận. Mặc dù Tổ 304 không có tên nhưng thực tế khi kiểm tra, lấy mẫu giám định đều có sự tham gia Tổ 304.
Ngoài ra, vai trò của ông Hùng có thể hiện ở cuộc điện thoại ngày 30-7-2020 của Nguyễn Duy Hải cho Trần Hùng. Hải nói với Hùng, Thuận vừa có văn bản trả lời của NXB báo đó là sách giả và có thể bị chuyển sang CQĐT thì có cách nào gỡ được không.
Do đó, VKS cho rằng có đủ cơ sở để xác định Trần Hùng có tiếp nhận yêu cầu và thông qua Hải nhận 300 triệu đồng để hướng dẫn bị cáo Thuận thay đổi lời khai.
Theo VKS, tài liệu điều tra xác định khoảng 11h, trước khi ăn trưa, Hải đến làm việc của Hùng, trong phòng làm việc có Kiều Nghiệp, Nguyễn Văn Kim. Hải mang theo túi nilon màu đen bên trong có 300 triệu đồng và để lên bàn uống nước và nói “biếu tổ công tác 400, đưa trước 300 còn 100 sẽ cảm ơn sau”. Trần Hùng nói Hải để tiền xuống dưới.
Sau đó Hải gọi điện cho Thuận vào lúc 11h39 phút, Hùng nói chuyện với Thuận bảo làm việc với Phương, “cứ thế mà làm”.
Về dữ liệu cột sóng, theo VKS dữ liệu điện tử cơ quan điều tra đưa ra lúc 11h44, vợ Trần Hùng gọi cho bị cáo ở Ba Đình; lúc 12h59 phút vị trí cột sóng nằm ở phố Sơn Tây, quận Ba Đình, Hà Nội. Tin nhắn lúc 12h42 và 14h2 vị trí cột sóng ở phố Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình; 14h13 vị trí cột sóng ở quận Hoàn Kiếm… Đây là dữ liệu cột sóng, không có đủ căn cứ xác định ông Trần Hùng ở quận Ba Đình.
Do đó, VKS cho rằng không đủ căn cứ hủy án, không đủ căn cứ xác định ông Trần Hùng vô tội.
Trước đó, luật sư của ông Trần Hùng đưa ra chứng cứ định vị cột sóng điện thoại của ông Hùng cho thấy ông Hùng không có ở cơ quan (ở quận Hoàn Kiếm) vào thời điểm bị cáo buộc là đưa - nhận tiền hối lộ.