VKS tỉnh bị rút kinh nghiệm vì bỏ lọt tội vụ giả mạo trong công tác

(PLO)- Sau khi VKSND Tối cao phát hiện việc bỏ lọt hành vi phạm tội và có văn bản yêu cầu, các cơ quan tiến hành tố tụng mới khởi tố bổ sung.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VKSND Tối cao vừa ra thông báo rút kinh nghiệm về việc bỏ lọt hành vi phạm tội trong vụ án hình sự giả mạo trong công tác.

Trong thời gian năm 2015-2019, Đặng Thị Hoài Thương (kế toán phòng y tế huyện Tân Phước, Tiền Giang), Huỳnh Thị Bé Phúc và Lê Thị Thủy (công chức và kế toán liên đoàn lao động huyện Tân Phước) đã làm giả các tài liệu để lập hồ sơ vay vốn tại các ngân hàng.

VKSND Tối cao rút kinh nghiệp cấp dưới vì bỏ lọt hành vi phạm tội. Hình minh họa

VKSND Tối cao rút kinh nghiệp cấp dưới vì bỏ lọt hành vi phạm tội. Hình minh họa

Tổng cộng, Thương, Phúc, Thủy đã làm 83 tài liệu giả của phòng y tế và liên đoàn lao động huyện. Sau đó, ba người này đã dùng các tài liệu giả làm 23 bộ hồ sơ vay tín chấp giả để vay tiền tại các ngân hàng, tổng cộng 2,76 tỉ đồng. Từ đó, chiếm đoạt hơn 470 triệu đồng.

Thương, Phúc, Thùy sau đó bị khởi tố, truy tố về tội giả mạo trong công tác theo Điều 359 Bộ luật Hình sự.

Qua công tác kiểm tra cáo trạng, VKSND Tối cao (Vụ 5) phát hiện có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội nên đã có văn bản đề nghị VKSND tỉnh Tiền Giang kiểm tra, đánh giá lại hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của của các bị can.

VKSND tỉnh Tiền Giang đã rút hồ sơ vụ án và ra quyết định trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung.

Cơ quan điều tra Công an tỉnh Tiền Giang sau đó đã ra quyết định khởi tố bổ sung đối với Thương, Phúc, Thùy về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đến tháng 9, TAND tỉnh Tiền Giang xử sơ thẩm, tuyên phạt Thương 23 năm tù, Phúc 21 năm tù, Thùy 19 năm tù.

Theo VKSND Tối cao, vụ án này, sau khi thực hiện hành vi giả mạo trong công tác, Thương, Phúc, Thùy đã sử dụng các tài liệu giả để vay vốn và chiếm đoạt hơn 470 triệu đồng của các ngân hàng.

Như vậy, các bị cáo đã thực hiện hành vi gian dối, sử dụng tài liệu giả để chiếm đoạt tiền vay tại các ngân hàng. Hành vi này độc lập với hành vi giả mạo trong công tác và đủ yếu tố cấu thành của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Do không đánh giá đúng từng hành vi phạm tội của các bị cáo nên cơ quan điều tra và VKSND tỉnh đã bỏ lọt hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau khi VKSND Tối cao có văn bản yêu cầu, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Tiền Giang mới thực hiện khởi tố bổ sung vụ án, khởi tố bổ sung bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm