VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng rút kinh nghiệm một vụ án vi phạm tập quán quốc tế

(PLO)- Theo tập quán thương mại quốc tế InCoterm 2010, khi hàng được thông quan nhập khẩu, người mua đã thanh toán 100% giá trị lô hàng... thì mọi tổn thất sau khi thông quan do người mua chịu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-1, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng ra thông báo rút kinh nghiệm vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” giữa nguyên đơn là Công ty S với bị đơn là Công ty P.

Theo hồ sơ, Công ty P và Công ty S ký kết các hợp đồng mua bán cá ngừ vây vàng đông lạnh. Căn cứ thỏa thuận, Công ty P đã giao 4 chuyến hàng. Mặc dù theo thỏa thuận, Công ty S sẽ thanh toán trước 50% giá trị hợp đồng, 50% còn lại sẽ được thanh toán sau khi hàng hóa vượt qua kiểm tra tại Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ. Song Công ty S vẫn thanh toán trước và đầy đủ cho Công ty P 3 chuyến hàng đầu.

Sau khi nhận hàng và lấy mẫu đi kiểm tra thì Công ty S phát hiện chất lượng hàng hóa không đạt. Công ty S đã liên lạc với Công ty P. Sau nhiều lần trao đổi, Công ty P đã mở thư tín dụng cho một chuyến hàng để Công ty S trả hàng và Công ty P hoàn tiền. Tuy nhiên, các chuyến hàng còn lại, mặc dù Công ty S yêu cầu Công ty P mở tiếp thư tín dụng nhưng Công ty P đã không trả lời và không thanh toán cho Công ty S thêm bất kỳ khoản tiền nào.

Vì vậy, Công ty S khởi kiện yêu cầu hủy các hợp đồng mua bán, buộc Công ty P hoàn trả tiền mua hàng, thanh toán chi phí nhập hàng, trả hàng, lưu kho với tổng số tiền hơn 421.000 USD.

Xử sơ thẩm, TAND tỉnh KH chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Công ty S, hủy các hợp đồng mua bán hàng hóa, buộc Công ty P thanh toán cho Công ty S hơn 421.000 USD.

Công ty P kháng cáo. Xử phúc thẩm hồi tháng 10-2023, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận kháng cáo của Công ty P, sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty S.

Những vấn đề rút kinh nghiệm

Theo VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, quá trình chế biến hàng cho Công ty S có sự giám sát của nhân viên công ty này. Hàng hoá trước khi đóng gói xuất khẩu đã được các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam kiểm nghiệm đạt chất lượng. Hàng đã được vận chuyển đến cảng bên mua và được thông quan nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Người mua đã thanh toán 100% giá trị lô hàng, phù hợp với hợp đồng. Theo tập quán thương mại quốc tế InCoterm 2010 thì lúc này người bán đã hoàn thành nghĩa vụ, mọi tổn thất sau khi thông quan do người mua chịu.

Theo vi bằng Thừa phát lại lập xác định từ tháng 11-2019 đến tháng 3-2020, FDA Hoa Kỳ đã không cho nhập vào Hoa Kỳ có rất nhiều lô hàng của các doanh nghiệp Việt Nam nhưng không có lô nào của Công ty P.

Về Báo cáo xác định hàng của Công ty P không đạt chất lượng, mẫu hàng đem đi kiểm nghiệm do Công ty S tự lấy và đem đến phòng thí nghiệm (không đúng quy định của FDA). Mẫu được bảo quản không đúng quy định hợp đồng và chưa có căn cứ xác định mẫu đem đi kiểm nghiệm là hàng của Công ty P. Kết quả kiểm nghiệm chỉ phục vụ cho Công ty S. Công ty kiểm nghiệm không gửi kết quả này cho FDA Hoa Kỳ để xem xét và xử lý theo thẩm quyền (trả lại hàng cho bên bán, tiêu huỷ, buộc tái xuất...).

Vì vậy, việc toà án cấp sơ thẩm nhận định Công ty P không tuân thủ đầy đủ các điều kiện về chất lượng hàng hoá theo tiêu chuẩn của FDA Hoa Kỳ, dẫn đến hậu quả các lô hàng không đảm bảo là đã vi phạm hợp đồng. Từ đó, cấp sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không xem xét, đánh giá đầy đủ các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, vi phạm trong việc áp dụng tập quán thương mại quốc tế (Incoterm 2010), gây thiệt hại đến quyền và lợi ích chính đáng của Công ty P...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm