VKSND Tối cao giải đáp quy định về xử phạt hành chính

(PLO)- Nếu người bị xử phạt không thi hành quyết định xử phạt hành chính vì nguyên nhân khách quan, không trốn tránh, trì hoãn và cơ quan ra quyết định xử phạt không theo dõi, đôn đốc,…thì không thuộc trường hợp cố tình trốn tránh, trì hoãn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, VKSND Tối cao đã ban hành Văn bản 4962/VKSTC-V14 về giải đáp khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, VKS các cấp qua sơ kết, giao ban công tác 9 tháng đầu năm 2023.

Trong đó, VKSND Tối cao đã giải đáp một số vướng mắc liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính (VPHC).

vi-pham-hanh-chinh.jpg
Ảnh minh hoạ. Ảnh: PHI HÙNG

Cụ thể, một số ý kiến đề nghị VKSND Tối cao hướng dẫn về xác định thời hạn được coi là chưa bị xử phạt VPHC đối với trường hợp người bị xử phạt VPHC mà không thi hành quyết định xử phạt (không thuộc trường hợp "cố tình trốn tránh, trì hoãn", việc không thi hành quyết định xử phạt VPHC là do lỗi của cơ quan ra quyết định xử phạt VPHC không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt)?

Trả lời, VKSND Tối cao cho rằng khoản 1 Điều 7 Luật Xử lý VPHC quy định cá nhân, tổ chức bị xử phạt VPHC, nếu trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 1 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thì hành quyết định xử phạt VPHC mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt VPHC.

Điều 74 Luật Xử lý VPHC quy định thời hiệu thi hành quyết định xử phạt VPHC là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa... Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

Từ đó, VKSND Tối cao cho rằng đối với trường hợp người bị xử phạt VPHC không thi hành quyết định xử phạt VPHC (không thuộc trường hợp "cố tình trốn tránh, trì hoãn", việc không thi hành quyết định xử phạt VPHC là do lỗi của cơ quan ra quyết định xử phạt VPHC không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt) mà hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt VPHC, thì xác định người đó được coi là chưa bị xử phạt VPHC nếu trong thời hạn 1 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt VPHC người đó không tái phạm.

Một ý kiến khác đề nghị hướng dẫn về xác định thời hạn được coi là chưa bị xử phạt VPHC đối với trường hợp người bị xử phạt VPHC mới thi hành một phần quyết định xử phạt VPHC, không thi hành tiếp phần còn lại (không thuộc trường hợp "cố tình trốn tránh, trì hoãn" việc thi hành phần quyết định xử phạt VPHC còn lại và cơ quan ra quyết định xử phạt cũng không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành phần còn lại)?

Theo VKSND Tối cao, căn cứ Điều 74 Luật Xử lý VPHC, nếu người bị xử phạt VPHC đã thi hành được một phần quyết định, không thi hành tiếp phần còn lại (không thuộc trường hợp "cố tình trốn tránh, trì hoãn" việc thi hành phần quyết định xử phạt VPHC còn lại và cơ quan ra quyết định xử phạt cũng không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành phần còn lại) thì xác định người đó được coi là chưa bị xử phạt VPHC nếu trong thời hạn 1 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt VPHC người đó không tái phạm.

Xác định trường hợp cố tình trốn tránh, trì hoãn

VKSND Tối cao cũng nhận được câu hỏi: Trường hợp người bị xử phạt đã bị cơ quan ra quyết định xử phạt VPHC triệu tập lên làm việc, lập biên bản về việc chưa nộp phạt do hoàn cảnh khó khăn và cơ quan ra quyết định xử phạt VPHC không có biện pháp gì khác thì có xác định người bị xử phạt “cố tình trốn tránh, trì hoãn” không?

VKSND Tối cao cho rằng theo khoản 1 Điều 7, khoản 8a Điều 12 và Điều 74 Luật Xử lý VPHC, nếu người bị xử phạt không thi hành quyết định xử phạt VPHC là vì nguyên nhân khách quan và không cố tình trốn tránh, trì hoãn; đồng thời, cơ quan ra quyết xử phạt VPHC cũng không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt theo quy định thì không thuộc trường hợp người bị xử phạt "cố tình trốn tránh, trì hoãn".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm