VKSND Tối cao vừa có công văn giải đáp vướng mắc một số vấn đề mới, quan trọng trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình.
Trong đó, có vấn đề về giải quyết tranh chấp yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng.
Quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng ông A, bà B. Ông A lập hợp đồng tặng cho con là anh K. Bà B không ký hợp đồng nhưng biết và không phản đối.
Sau đó, anh K phải thi hành án với số tiền hơn 6 tỉ đồng. Bà B sợ đất cho con sẽ bị kê biên để thi hành án nên khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho và hủy giấy chứng nhận của anh K. Anh K đồng ý toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà B.
Vụ việc cho thấy có dấu hiệu bà B khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và hủy giấy chứng nhận của anh K nhằm tẩu tán tài sản để không bị kê biên tài sản thi hành án.
Tuy nhiên, do hợp đồng tặng cho không có chữ ký của bà B nên tòa án đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Việc giải quyết của tòa là đúng hay sai?
Trường hợp này, VKSND Tối cao cho rằng nếu có tài liệu, chứng cứ chứng minh là bà B biết rõ việc ông A lập hợp đồng tặng cho mà không phản đối thì tòa án có thể công nhận hợp đồng theo Án lệ số 03/2016, tức là không chấp nhận yêu cầu của bà B.
Nếu có đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh bà B không biết việc ông A tặng cho quyền sử dụng đất cho anh K thì tòa xác định hợp đồng tặng cho vô hiệu đối với phần tài sản của bà B trong khối tài sản chung với ông A, tức là chấp nhận một phần yêu cầu của bà B.
Như vậy, tòa chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà B là không đúng, trái với ý chí của ông A định đoạt phần tài sản của mình.