Vừa qua, VKSND Tối cao ban hành thông báo rút kinh nghiệm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố 6 tháng đầu năm 2024.
Bắt oan 63 người
Đánh giá về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam, VKSND Tối cao nêu ưu điểm là việc bắt, tạm giữ, tạm giam của CQĐT và VKS về cơ bản bảo đảm có căn cứ, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Số người bị bắt, tạm giữ chuyển xử lý hình sự đạt tỉ lệ cao (số người bị bắt chuyển xử lý hình sự đạt 99,90%; số người bị tạm giữ chuyển xử lý hình sự đạt 99,88%).
Trên toàn quốc, chưa phát sinh trường hợp nào phải bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước do bắt, tạm giữ, tạm giam, oan sai. Một số đơn vị đã làm tốt công tác này: An Giang, Khánh Hòa, Bình Định, Đồng Tháp, Đắk Lắk, Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An...
VKSND các cấp đã tăng cường công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam. Trong kỳ, các đơn vị đã không phê chuẩn 9 trường hợp bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, 10 trường hợp gia hạn tạm giữ, 73 trường hợp bắt tạm giam, tạm giam. Đồng thời, yêu cầu CQĐT bắt tạm giam, tạm giam đối với 9 bị can; ban hành nhiều kiến nghị lồng ghép yêu cầu CQĐT khắc phục vi phạm, trong đó có việc bắt, tạm giữ, tạm giam.
Tuy nhiên, theo VKSND Tối cao vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như CQĐT đã bắt, tạm giữ 62 người nhưng sau đó phải trả tự do, không xử lý hình sự (Lâm Đồng: 11; Đắk Nông: 7; Phú Thọ: 4; Bình Phước: 4...). Trong số 62 người bị CQĐT bắt, tạm giữ nêu trên, VKS đã phê chuẩn 28/62 trường hợp (Đắk Nông: 6, Yên Bái: 3, Bình Phước: 3, Cà Mau: 3...).
Trong kỳ có 1 bị can bị tạm giam, sau đó phải đình chỉ điều tra do hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm (Đắk Nông).
Nguyên nhân và biện pháp khắc phục
VKSND Tối cao chỉ ra nguyên nhân là do quy định của pháp luật về giám định trọng lượng và chất ma túy, định giá tài sản chưa quy định cụ thể về thời hạn. Do đó, nhiều trường hợp thời hạn giám định, định giá tài sản còn kéo dài, dẫn đến việc các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, gia hạn tạm giữ chờ kết quả để làm căn cứ xử lý đối với các vụ việc liên quan đến các tội phạm về ma túy, tài sản.
Cạnh đó, tình hình tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi, số lượng đối tượng tham gia trong các vụ việc đông, có nơi cư trú tại nhiều địa phương...Việc phân loại, đánh giá chứng cứ ban đầu của CQĐT trong một số vụ, việc chưa kịp thời, đầy đủ (bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang), cũng như việc CQĐT đề nghị gia hạn tạm giữ, tạm giam, bắt tạm giam (các vụ án tàng trữ ma túy, trộm cắp tài sản, gây thương tích...), không bảo đảm đủ căn cứ theo quy định của BLTTHS nên VKS đã không phê chuẩn.
VKS chưa cương quyết trong việc thực hiện thẩm quyền hủy bỏ quyết định tố tụng thiếu căn cứ của CQĐT; KSV được phân công giải quyết vụ việc còn chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ, tài liệu, thiếu kinh nghiệm trong việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật. Công tác phối hợp giữa CQĐT và VKS; giữa điều tra viên và kiểm sát viên chưa kịp thời, hiệu quả...
Để khắc phục, VKSND Tối cao yêu cầu Viện trưởng VKSND 2 cấp (tỉnh, huyện) thực hiện tốt một số nội dung.
Trong đó, lãnh đạo VKS các cấp cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố; thường xuyên kiểm tra, giám sát, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm đối với khâu công tác này.
Kiểm sát viên cần nâng cao ý thức trách nhiệm, kỹ năng nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp, thực hiện nghiêm các quy định của ngành...Tăng cường công tác phối hợp giữa CQĐT với VKS, giữa điều tra viên với kiểm sát viên...