VKSND Tối cao rút kinh nghiệm một số vụ án bị tòa trả hồ sơ vì 'lọt người, lọt tội'

(PLO)- Trong khi chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền thì VKS các cấp cần phối hợp chặt chẽ với CQĐT trước khi kết thúc điều tra, truy tố; trao đổi tham khảo quan điểm của tòa án cùng cấp...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua (ngày 20-5), VKSND Tối cao ban hành Thông báo số 99 rút kinh nghiệm thông qua một số vụ án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để khởi tố thêm tội mới hoặc người phạm tội mới.

Theo thông báo, số liệu thống kê thể hiện tỉ lệ số vụ án bị trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để khởi tố thêm tội phạm, người phạm tội mới chiếm tỉ lệ khoảng 15% trên tổng số vụ án tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung được VKS chấp nhận. Trong đó có nhiều vụ án liên quan đến tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 255 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Vì vậy, VKSND Tối cao (Vụ 4) đã chọn một số vụ án điển hình để rút kinh nghiệm chung.

vksnd-Toi-cao.jpg
Ảnh minh họa: Một phiên tòa hình sự tại TAND quận 11, TP.HCM. Ảnh: TRẦN LINH

3 vụ án điển hình cần rút kinh nghiệm

Vụ thứ nhất: ngày 20-12-2022, C rủ N và 2 người nữa góp tiền mua ma túy để sử dụng. Sau đó, cả nhóm thống nhất mỗi người góp 900.000 đồng, N ứng trước 2 triệu đồng, C ứng trước 1,6 triệu đồng, còn 2 người kia nói khi nào có tiền sẽ trả lại cho N và C. Sau khi nhận ma túy, cả nhóm cùng nhau sử dụng ma túy rồi bắt quả tang...

VKSND truy tố 4 bị can về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Tòa trả hồ sơ, yêu cầu khởi tố thêm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo điểm b khoản 2 Điều 255 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Nhận xét, VKSND Tối cao cho rằng việc không xem xét xử lý 4 bị can về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là thiếu sót. Bởi lẽ, hành vi khách quan của họ thể hiện rõ ràng qua những hành động cụ thể nhằm đạt được mục đích có chủ định và mong muốn là sử dụng trái phép chất ma túy, đưa ma túy vào cơ thể của người khác như: thống nhất ý chỉ góp tiền mua ma túy để cùng sử dụng, chuẩn bị công cụ phương tiện để phục vụ cho việc sử dụng trái phép chất ma túy. Dấu hiệu này đã thỏa mãn cấu thành của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy...

Vụ thứ hai: Chiều 22-10-2023, B rủ T mỗi người góp 200.000 đồng để mua ma túy sử dụng. T ứng tiền mua ma túy trước, B sẽ trả lại tiền cho T sau. Sau đó, T đi mua ma túy và dụng cụ sử dụng ma túy với giá 400.000 đồng, rồi mang về nhà cất giấu.

Đến tối cùng ngày, B đến nhà T, đi vào phòng ngủ và cùng T sử dụng ma túy, sau đó bị bắt quả tang.

VKS truy tố T và B về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Tòa trả hồ sơ, yêu cầu khởi tố T thêm tội tàng trữ trái trái phép chất ma túy...

VKSND Tối cao cho rằng việc không xem xét xử lý T về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy là thiếu sót. Bởi lẽ, ngoài số ma túy đã được các đối tượng sử dụng thì vẫn còn 1,3 g ma túy được T cất giữ nhằm mục đích sử dụng tiếp. Khối lượng ma túy này đủ định lượng cấu thành tội tàng trữ trái phép chất ma túy...

Vụ thứ 3: Tối 11-6-2023, B rủ 5 đối tượng khác đi hát karaoke. Trong quá trình hát thì có P và N vào phòng hát gặp, trao đổi và bán cho B 2 túi ma túy. Sau đó, B cùng cả nhóm sử dụng số ma túy này. Tại quán, có S (nhân viên quán) đã bố trí phòng và giúp "xào" ma túy để cả nhóm sử dụng...

VKS truy tố B và S về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo điểm b khoản 2 Điều 255 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tòa trả hồ sơ yêu cầu khởi tố thêm P và N về tội mua bán trái phép chất ma túy...

Theo VKSND Tối cao, trong vụ án thể hiện ngoài hành vi các đối tượng rủ nhau góp tiền mua ma túy cùng sử dụng thì còn có hành vi mua bán trái phép chất ma túy của P và N cho các đối tượng sử dụng. Tuy nhiên, điều tra viên, kiểm sát viên đã không chú ý đấu tranh làm rõ hành vi này để xử lý, dẫn đến bỏ lọt người thực hiện hành vi phạm tội bị tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung khởi tố thêm người phạm tội.

Vấn đề cần rút kinh nghiệm

Theo VKSND Tối cao, những thiếu sót trong quá trình điều tra, truy tố để tòa phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung trong các vụ án nêu trên trách nhiệm thuộc về điều tra viên, kiểm sát viên, lãnh đạo cơ quan điều tra và lãnh đạo VKS được phân công trực tiếp thụ lý giải quyết vụ án.

VKSND Tối cao cho rằng nguyên nhân trước hết do lỗi chủ quan của điều tra viên, kiểm sát viên đã không đánh giá đầy đủ tài liệu, chứng cứ trong vụ án; những yếu tố cấu thành tội phạm dẫn đến đã để lọt tội phạm, người phạm tội trong vụ án. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khách quan hiện nay cơ quan có thẩm quyền đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo nên chưa ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng một số quy định các tội phạm về ma tuý của BLHS 2015.

Để hạn chế thấp nhất các vụ án hình sự phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra sung nói chung, các vụ án về ma túy nói riêng, nhất là trường hợp tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì lý do có hành vi phạm tội, người phạm tội chưa được khởi tố, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, VKSND Tối cao (Vụ 4) đề nghị:

- Viện trưởng VKSND cấp tỉnh tiếp tục quán triệt, chỉ đạo tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra và kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực liên quan đến tội phạm ma túy. Thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố và kiểm sát xét xử tội phạm về ma túy phải được tiến hành kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật...

- Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự giữa CQĐT, VKS và tòa án chưa có sự thống nhất về đường lối xử lý do còn có những cách hiểu khác nhau. Trong khi cơ quan có thẩm quyền chưa có văn bản giải thích hoặc hướng dẫn thì VKS các cấp cần phối hợp chặt chẽ với CQĐT cùng cấp trước khi kết thúc điều tra, truy tố cần có biện pháp trên cơ sở các quy định của pháp luật, trao đổi tham khảo quan điểm của tòa án cùng cấp để thống nhất về nhận thức áp dụng pháp luật, đánh giá chứng cứ xử lý vụ án khách quan, toàn diện, triệt để.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm