VKSND Tối cao vừa có thông báo rút kinh nghiệm việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại cho ông Huỳnh Chiếm Phái (ngụ tỉnh Khánh Hòa). Ông Phái đã được xác định bị oan từ tháng 9-1984 nhưng 40 năm sau gia đình ông mới được nhận tiền bồi thường oan.
Theo VKSND Tối cao, tòa án đã có vi phạm trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường có khởi kiện dân sự trong việc xác định thiệt hại để bồi thường vụ án oan từ 43 năm trước ở Khánh Hòa. Cụ thể:
Bản án số 6 ngày 10-3-2022 của TAND tỉnh Khánh Hòa đã buộc VKSND tỉnh Khánh Hòa bồi thường cho người người thừa kế của ông Phái với các khoản như thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút, thiệt hại về tinh thần và các chi phí bồi thường khác.
Trong đó, đối với thiệt hại về tinh thần, ông Phái đã mất năm 2015 nên thiệt hại về tinh thần phải được xác định là 360 tháng lương cơ sở theo khoản 4 Điều 27 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017.
Tuy nhiên, TAND tỉnh Khánh Hòa không áp dụng theo khoản 4 mà áp dụng khoản 3 Điều 27 Luật TNBTCNN để quyết định bồi thường thiệt hại tinh thần cho ông Phái từ ngày khởi tố cho đến ngày ông nhận được quyết định đình chỉ điều tra.
Đối với thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết, Điều 25 quy định cụ thể “chi phí khám chữa bệnh, chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho người bị thiệt hại trước khi chết, chi phí cho người chăm sóc…”. Tuy nhiên, quá trình xét xử, TAND tỉnh Khánh Hòa không áp dụng Điều 25 để xem xét bồi thường các khoản thiệt hại cho ông Phái.
Bên cạnh đó, VKSND Tối cao cũng đề nghị VKSND các cấp rút kinh nghiệm trong việc quản lý, hướng dẫn, giải quyết bồi thường Nhà nước trong các trường hợp không cung cấp được tài liệu, văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường.
Về vấn đề thời hiệu, VKSND Tối cao đề nghị áp dụng điều luật để giải quyết trên tinh thần cầu thị và có lợi nhất cho người bị thiệt hại.
Tối 18-10-1981, tại xã Ninh Giang (nay là phường Ninh Giang, thuộc thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) xảy ra vụ chủ tịch UBND xã này bị bắn chết.
Ngày 17-12-1981, ông Huỳnh Chiếm Phái bị Công an tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa) khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội giết người.
Ngày 2-2-1983, ông Phái được tạm tha theo lệnh tạm tha của VKSND tỉnh Phú Khánh. Đến ngày 25-9-1984, VKSND tỉnh Phú Khánh ban hành quyết định đình chỉ điều tra đối với ông do không đủ cơ sở kết luận ông phạm tội giết người.
Tháng 9-2009, ông Phái có đơn yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, VKSND tỉnh Khánh Hòa cho rằng vụ việc đã hết thời hiệu giải quyết nên không xin lỗi, bồi thường.
Cục Bồi thường nhà nước - Bộ Tư pháp và một số cơ quan trung ương có nhiều công văn đề nghị VKSND Tối cao chỉ đạo VKS tỉnh giải quyết đơn khiếu nại của gia đình ông Phái.
Mãi đến tháng 8-2019, VKSND tỉnh Khánh Hòa mới cải chính, xin lỗi công khai ông Phái khi ông này đã qua đời gần bốn năm.
Sau đó, ông Huỳnh Chiếm Hoạnh, con trai ông Phái, đại diện cho người đồng thừa kế có đơn yêu cầu VKSND tỉnh bồi thường theo Luật TNBTNN. Do hai bên thương lượng không thành nên ông Hoạnh khởi kiện.
Tháng 3-2022, TAND tỉnh Khánh Hòa xử sơ thẩm, tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc VKSND tỉnh Khánh Hòa bồi thường cho những người đồng thừa kế của ông Phái hơn 1,6 tỉ đồng, gồm thiệt hại tinh thần và các chi phí khác.
Sau đó, VKSND tỉnh Khánh Hòa kháng cáo, không đồng ý bồi thường số tiền trên. Trong khi đó, ông Hoạnh cũng kháng cáo yêu cầu VKSND tỉnh Khánh Hòa bồi thường tổng cộng hơn 4,4 tỉ đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm hồi tháng 5-2022, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm, buộc VKSND tỉnh Khánh Hòa bồi thường hơn 1,6 tỉ đồng.
Đến tháng 3-2024, VKSND tỉnh Khánh Hòa bồi thường cho gia đình ông Phái hơn 1,6 tỉ đồng.