Một nguồn tin cho biết VKSND Tối cao vừa có văn bản yêu cầu VKSND tỉnh Phú Yên, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3- VKSND Tối cao) kiểm tra lại vụ việc do báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 8-6 phản ánh trong bài “Cần minh oan cho người đã chết”. Kết quả kiểm tra phải báo cáo lãnh đạo VKSND Tối cao phụ trách, Văn phòng VKSND Tối cao.
Người thân chị Trần Thị Hải Yến đau đớn trước cái chết đột ngột của chị.Ảnh: TẤN LỘC
Công văn trên của VKSND Tối cao cũng tóm lược nội dung bài báo. Theo đó, ngày 13-11-2012, chị Trần Thị Hải Yến (sinh năm 1982, ngụ xã An Cư, huyện Tuy An, Phú Yên) bị Công an huyện Tuy An khởi tố tội cố ý gây thương tích. Mặc dù trong quá trình điều tra, chị Yến liên tục kêu oan nhưng ngày 19-3-2013 chị vẫn bị TAND huyện Tuy An xử phạt 30 tháng tù về tội danh trên.
Ngày 1-7-2013, TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm vụ án đã nhận định án sơ thẩm có nhiều sai sót, vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, chưa đủ căn cứ để buộc tội chị Yến nên đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Ngày 7-10-2013, sau khi hết hạn tạm giam chị vẫn tiếp tục bị Công an huyện ký lệnh gia hạn tạm giam. Chỉ ba tiếng đồng hồ sau khi nhận quyết định gia hạn tạm giam, chị Yến treo cổ tự sát.
Ngày 11-12-2013, Công an huyện Tuy An có quyết định đình chỉ điều tra vụ án và bị can đối với chị Yến theo khoản 7 Điều 107 BLTTHS. Từ đó đến nay gia đình chị Yến liên tục gửi đơn kêu oan, đề nghị các cơ quan pháp luật phải minh oan cho con em mình. Khi đoàn giám sát của Quốc hội làm việc tại tỉnh Phú Yên, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Phú Yên cho biết khi điều tra lại Công an tỉnh này xác định không có căn cứ kết tội chị Yến.
Ngày 6-2, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có công văn gửi bộ trưởng Bộ Công an, viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao yêu cầu kiểm tra, kết luận vụ việc này. Chủ tịch nước cũng yêu cầu liên ngành tư pháp trung ương kiểm tra, báo cáo nhưng đến nay chưa có cơ quan nào có kết luận chính thức về vụ việc này.