Vợ chồng ve chai lượm được “kho báu”: Nhà nước hưởng phân nửa?

Như đã thông tin, vợ chồng chị Huỳnh Thị Ánh Hồng - anh Trịnh Minh Vương (hẻm trên đường Trần Văn Quang, phường 10, Tân Bình, TP.HCM) làm nghề buôn bán ve chai. Chiều 21-3, trong khi tháo dỡ  chiếc thùng loa (loại của Nhật) mua được từ trước tết Nguyên đán, hai vợ chồng anh Vương thấy một hộp gỗ nhỏ chứa hơn 5 triệu yen Nhật (khoảng trên 1 tỷ đồng). Sau đó, vợ chồng anh đã giao nộp số tiền trên cho công an phường 10, quận Tân Bình.

 Chị Hồng bên điểm thu mua ve chai của mình. Ảnh: Ái Nhân

 Anh Vương: “Chúng tôi bất ngờ vì phát hiện nhiều tiền trong đống đồng nát”. Ảnh: ÁI NHÂN 

Vấn đề đặt ra là trong trường hợp không tìm được chủ sở hữu của số tiền đó thì vợ chồng anh Vương, chị Hồng có được nhận lại hoặc chia phần số tiền vô tình tìm được đó hay không.

Trả lời trên báo, luật sư cho rằng vợ chồng anh Vương có thể được hưởng toàn bộ số tiền trên nếu như sau một năm đã thông báo mà không có chủ sở hữu đến nhận. Luật sư cho biết căn cứ vào quy định tại Điều 239 Bộ luật Dân sự 2005 về “xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu”, với trường hợp tài sản là động sản (tiền) thì người nhặt được phải giao nộp cho UBND xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan công an gần nhất. Việc giao nộp phải được lập thành biên bản. UBND hoặc công an quản lý tài sản đó phải thông báo công khai để chủ sở hữu biết mà nhận lại. Nếu sau một năm kể từ ngày thông báo mà không ai nhận thì tài sản đó sẽ thuộc người phát hiện.

Cùng quan điểm này, gửi bình luận về bài báo, bạn đọc ký tên Luật sư Trần Viết Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng vợ chồng anh Vương đã chủ động thông báo, giao nộp cho công an phường để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Việc giao nộp đã được Công an phường lập biên bản đúng theo quy định của pháp luật. Do đó, căn cứ quy định tại Điều 239 Bộ luật
dân sự thì sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu 
thì động sản đó thuộc sở hữu của người phát hiện. Như vậy, “vợ chồng anh Vương chỉ có thể được hưởng toàn bộ số tiền, nếu sau 1 năm không có chủ sở hữ đến nhận”- bạn đọc này bình luận.

Tuy nhiên, một số bạn đọc khi gửi bình luận về bài báo lại có ý kiến khác. Bạn đọc ký tên Ls Nguyễn Đức Chánh cho rằng với trường hợp này thì căn cứ pháp lý ở đây là Điều 241 Bộ luật Dân sự. Đây là vật do người khác bỏ quên, chứ không phải là vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu theo Điều 239 Bộ luật Dân sự. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 241 BLDS thì: "Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được; nếu vật có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước".

***

Rõ ràng xác định số tiền hơn 5 triệu yen Nhật nằm trong hộp gỗ nhỏ trong loa thùng là vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu hay là vật do người khác đánh rơi, bỏ quên sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý rất khác nhau. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến vụ việc và thông tin đến bạn đọc.

 

Điều 239 BLDS. Xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu

1. Vật vô chủ là vật mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với vật đó.

Người đã phát hiện vật vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó theo quy định của pháp luật; nếu vật được phát hiện là bất động sản thì thuộc Nhà nước.

2. Người phát hiện vật không xác định được ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Việc giao nộp phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người giao nộp, người nhận, tình trạng, số lượng, khối lượng tài sản giao nộp.

Uỷ ban nhân dân hoặc công an cơ sở đã nhận vật phải thông báo cho người phát hiện về kết quả xác định chủ sở hữu.

Trong trường hợp vật không xác định được ai là chủ sở hữu là động sản thì sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai, mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu thì động sản đó thuộc sở hữu của người phát hiện theo quy định của pháp luật; nếu vật là bất động sản thì sau năm năm, kể từ ngày thông báo công khai vẫn chưa xác định được ai là chủ sở hữu thì bất động sản đó thuộc Nhà nước; người phát hiện được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

 

Điều 241 BLDS. Xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên

1. Người nhặt được vật do người khác đánh rơi hoặc bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại vật cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Uỷ ban nhân dân hoặc công an cơ sở đã nhận vật phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.

2. Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được; nếu vật có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.

3. Vật bị đánh rơi, bị bỏ quên là di tích lịch sử, văn hoá mà sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai, không xác định được chủ sở hữu hoặc không có người đến nhận thì vật đó thuộc Nhà nước; người nhặt được vật đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm