Hôm 23-7, con đập thủy điện Xe Pian-Xe Nammoy bị vỡ đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng: 26 người chết, 131 người mất tích, 6.600 người dân sống trong khu vực lân cận bị đẩy vào tình cảnh khốn cùng.
Một công trình đập thủy điện trên sông Mekong. Ảnh: Mekong eye
Ngoài những tổn thất về con người và tiền của trước mắt, sự cố vỡ đập Xe Pian-Xe Namnoy một lần nữa khiến nhiều người lo ngại về tác động lâu dài của việc mở rộng khai thác thủy điện khổng lồ trong lưu vực sông Mekong, Lowyinstitute đưa tin.
Tham vọng trở thành "viên pin Đông Nam Á"
TS Milton Osborne, chuyên gia về châu Á trong lĩnh vực sông Mekong, nhận định khi dư luận quốc tế chỉ tập trung chú ý đến những con đập lớn nằm trên dòng chính của sông Mekong từ Trung Quốc đến Lào, thì ít có ai quan tâm đến việc Lào đang lên kế hoạch xây dựng khoảng 120 con đập khác nằm trên các nhánh của sông, tương tự trường hợp con đập nhánh vừa bị vỡ ở tỉnh Attapeu.
Mặc dù những đập này có kích thước nhỏ hơn nhưng không phải vì vậy mà nó không gây ảnh hưởng đến các khu vực lân cận. Chẳng hạn như đập Hạ Sê San 2 ở Tây Bắc Campuchia, đang hoạt động, có công suất 400 MW và chắc chắn có ảnh hưởng đến ngành nuôi trồng thủy sản trong tương lai.
“Tính đến nay có 47 đập thủy điện đang hoặc sắp được xây dựng và tất cả dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2020 và 2021. Khi đó, chúng tôi có tổng cộng 100 nhà máy thủy điện, tổng công suất 13.062 MW, có thể sản xuất 66.944 triệu kWh điện hằng năm và 85% trong số này sẽ được xuất khẩu” - tờ Vientiane Times dẫn lời ông Khammany Inthirath, Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào, trong một tuyên bố hồi cuối tháng 3.
Dự án thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy trong quá trình thi công. Ảnh: CMvietnam
Trước tham vọng trở thành "Viên pin Đông Nam Á", Lào đang không ngừng khai thác đập thủy điện trên sông Mekong, trong đó lên kế hoạch mở rộng khai thác ở các nhánh sông trong vòng 20 năm tới. Hiện tại, nước này chuẩn bị hoàn thành và đưa vào sử dụng các đập dòng chính ở Xayaburi và Don Sahong.
"Nếu tất cả nguồn năng lượng có thể được phát triển, Lào có thể trở thành viên pin của Đông Nam Á. Chúng tôi có thể bán năng lượng của mình cho các nước láng giềng. Lào có thể trở nên giàu có" - CS Monitor từng dẫn lời Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Lào Nam Viyaketh.
Từ trước đến nay, Lào đã xuất khẩu 2/3 lượng điện sản sinh từ các hệ thống thủy điện trong nước, đóng góp gần 30% trong tổng số hàng hóa xuất khẩu của nước này.
Hội đồng Ủy ban sông Mekong từng đưa ra lời cảnh báo
Hội đồng Ủy ban sông Mekong từng đưa ra lời cảnh báo về việc lạm dụng khai thác thủy điện trên con sông này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng lâu dài về sau. Trong một báo cáo dài 3.600 trang vừa được cơ quan này công bố hồi tháng 4 đã vẽ ra một cái nhìn đáng chú ý về tương lai của sông Mekong nếu tiếp tục bị khai thác như hiện nay.
Một số điểm chính trong báo cáo bao gồm việc dự báo đến năm 2040 sẽ có sự suy giảm lớn về trữ lượng cá của các quốc gia trong đánh bắt riêng lẻ, ví dụ như Thái Lan sẽ sụt giảm 55%; Lào 50%; Campuchia 35%; và Việt Nam 30%.
Sự cố vỡ đập thủy điện Lào hôm 23-7 là lời cảnh báo đầu tiên về những hiểm họa khôn lường cho những quốc gia sống gần lưu vực sông Mekong. Ảnh: Reuters
Mặc dù báo cáo cũng cho thấy sẽ có một số lợi ích ngắn hạn trong lĩnh vực nông nghiệp từ việc kiểm soát dòng chảy của sông nhưng so với những thay đổi dài hạn đối với hệ sinh thái sông Mekong như giảm độ phì của đất do hậu quả của việc giảm lưu lượng trầm tích xuống sông thì đây là vấn đề đáng quan ngại. Ngoài ra, việc ảnh hưởng này kéo theo sự sụt giảm chỉ số tăng trưởng GDP của các nước.
Mặc dù những cảnh báo này từng được đưa ra thảo luận rất nhiều trước đây nhưng dường như chưa thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy chính phủ các nước nằm trên lưu vực sông Mekong có những động thái hữu hiệu để ngăn chặn những mối đe dọa có thể ảnh hưởng đến môi trường cũng như cuộc sống của người dân.