Vợ ngăn cản thăm con sau ly hôn, chồng phải làm sao?

Tôi và vợ trước có nhiều mâu thuẫn dẫn đến ly hôn. Sau khi ly hôn, tôi dọn ra sống riêng, con được giao cho vợ nuôi dưỡng. Từ khi tôi kết hôn vợ sau, mỗi lần tôi đến thăm con thì vợ trước của tôi lại không cho tôi gặp mặt con, đuổi tôi về. Xin hỏi, việc làm trên của người vợ trước là đúng hay sai? Tôi phải làm sao để được thăm con mình?

Bạn đọc Trần Văn Công (Quận 3, TP.HCM)

Luật sư Lê Dũng, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 83 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Theo thông tin anh Công cung cấp, người vợ trước của anh đã có những hành vi ngăn cản anh thăm nom, chăm sóc con. Hành vi này là trái với những quy định vừa nêu.

Những hành vi ngăn cản như vậy sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt quy định tại Điều 53 Nghị định 167/2013, cụ thể:

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với cá nhân có hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án.

Để được thăm nuôi con, anh Công có thể làm đơn gửi tòa án thụ lý đơn ly hôn của anh và vợ trước để yêu cầu tòa cho thi hành việc thăm, chăm sóc con theo bản án của tòa. Cơ quan thi hành án sẽ mời làm việc với hai bên và nêu rõ về việc bên trực tiếp nuôi con không được cản trở việc thăm nuôi con của bên không trực tiếp nuôi con.

Mặt khác, anh Công làm đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con gửi đến tòa án thụ lý đơn ly hôn của anh để được thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng con.

Theo Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ bảy tuổi trở lên.

Tuy nhiên, nếu vợ trước của anh không đồng ý thỏa thuận và có đủ điều kiện tiếp tục trông nom, chăm sóc, giáo dục con thì việc tòa án xem xét yêu cầu thay đổi người người trực tiếp nuôi con là rất khó khăn.

Do đó, anh nên có sự trao đổi nhẹ nhàng cùng vợ trước về quyền được thăm nuôi, chăm sóc con của anh, về tình cảm yêu thương của anh dành cho con dù đã ly hôn và việc ngăn cản anh thăm nuôi con là vi phạm pháp luật để người vợ trước hiểu và không còn hành vi cản trở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm