Hôm qua, tỉnh Vĩnh Long vừa khánh thành một khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong quần thể di tích, bia Nam Kỳ khởi nghĩa và những phong trào cách mạng khác của địa phương.
Từ TP Vĩnh Long, xuôi theo quốc lộ 53 về hướng Trà Vinh khoảng 30 km, ngay ngã ba Vũng Liêm là Công viên tượng đài Đốc binh Lê Cẩn - Nguyễn Giao, với chiến công diệt chủ tỉnh Vĩnh Long Alixsalicette cùng bọn tùy tùng vào tháng 2-1872. Cạnh đó, trên gò cao là bia Nam Kỳ khởi nghĩa 1940. Và liền đó là Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt bao gồm những hạng mục: nhà trưng bày, nhà làm việc, khu thờ, sân vườn thoáng đãng, kết hợp hài hòa giữa tính chất trang trọng, sâu lắng, thân thiện của một nơi sinh hoạt văn hóa.
Công viên văn hóa mở
Cụm Công viên tượng đài Võ Văn Kiệt được thiết kế độc đáo, hài hòa với hình ảnh chiếc cầu, ao cá bên những cây dừa cao ngút, những bụi tre, khóm trúc gần gũi theo kiểu Nam Bộ. Cây sa kê ông vốn rất thích, được mang về trồng từ nhiều năm qua, giờ nó sum sê sai quả. Đây một công trình văn hóa mở, cảnh quan phát triển theo hướng phân tầng, chia thành nhiều lớp như lọc dần sự ồn ào, huyên náo bên ngoài dẫn mọi người vào không gian tưởng niệm lắng đọng, trang trọng của khu nhà nghỉ, nhà tưởng niệm. Khu tưởng niệm như thể hiện tấm lòng, tính cách của cố thủ tướng: đơn giản, thiết thực, gần gũi. “Khu tưởng niệm có một không gian mở, dung dị, gần gũi, phần nào thể hiện được tâm nguyện của ba tôi” - chị Võ Hiếu Dân, con gái chú Sáu, bộc bạch vậy. Ý tưởng và đường nét, phối cảnh của công trình thể hiện tính chất trang trọng, thành kính, sâu lắng và không gian rộng mở, thân thiện của một tụ điểm văn hóa cộng đồng này được đúc kết từ những người từng có quá trình làm việc gắn bó, những người cộng sự thân thiết với chú Sáu như GS Tương Lai, KTS Nguyễn Tấn Vạn, KTS Nguyễn Văn Tất…
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một chuyến khảo sát vườn bưởi Năm Roi.
Sống trong lòng dân, giờ quay về với đất, ông vẫn như hòa quyện trong dân. Cái chữ “dân” như vẫn còn sâu đậm trong lời nói của chú ngày nào: “Quê hương đòi hỏi anh sống cho ra sống!... Sống là chia sẻ ngọt bùi với dân…”. Sinh thời ông vẫn còn một ước nguyện đó là xây dựng một bảo tàng nông nghiệp. Nơi đó có đường làng, rặng dừa, hàng cau… có dân làng sống, canh tác lúa nước qua các thời kỳ. Nơi sẽ tái hiện lại cảnh cấy lúa, cày trâu, gieo mạ… ước nguyện đó đã theo ông vào cõi vĩnh hằng.
Khu tưởng niệm trong lòng dân
Khu tưởng niệm này là công trình vật thể để nhớ về ông là đáng quý nhưng cũng đáng quý không kém là những “khu tưởng niệm phi vật thể” trú ngụ trong nhiều thế hệ, tầng lớp người dân, ngưỡng mộ, quý trọng “ông Sáu Dân sống vì dân”. Nhớ lại hôm chú ra đi, trời Vĩnh Long mưa nhưng đoàn người từ các tỉnh ĐBSCL vẫn lũ lượt về UBND tỉnh để thắp nén nhang cho ông. Chị Nguyễn Kim Thủy ở huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) khóc nức nở như tiễn đưa chính người thân trong gia đình. “Từ lâu tôi vô cùng ngưỡng mộ chú Võ Văn Kiệt, một người lo cho dân, cho nước, lo khuyến học, khuyến tài. Cứ mỗi lần lên Sài Gòn thăm con học đại học là tôi vào hiệu sách tìm mua cho được sách viết về chú Sáu. Tôi mừng húm vì vừa mua được hai quyển sách viết về chú nhưng niềm vui chưa trọn...” - chị nhắc trong buồn tủi. Ông Tư Thạch, chủ doanh nghiệp làm gốm gạch ở Mỹ Phước (Mang Thít, Vĩnh Long), xúc động đến không nói nên lời khi nhắc những kỷ niệm mấy lần chú Sáu đến cơ sở gốm gạch của ông để tìm hiểu, thăm hỏi. Ông cứ tấm tắc, một vị nguyên thủ quốc gia mà nói chuyện sao nghe giản dị, gần gũi, lo cho dân, nói chuyện như cha dạy con. Chú lúc nào cũng lo cho dân, cho nước.
Ông Nguyễn Văn Lượng, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Long, tâm sự rằng lúc gần gũi chú Sáu, chính những câu chuyện về dân, về doanh nghiệp của chú Sáu làm anh có nhận thức, có cái nhìn khác hơn. Anh kể, lần nọ khi đã về hưu, chú Sáu tâm sự với lãnh đạo tỉnh rằng sẽ dốc hết sức lực còn lại để cống hiến cho quê hương. Chú Sáu đi một mạch khảo sát dân nghèo cả bảy huyện, thị. Đến với từng hộ dân hỏi han, xem xét cụ thể để tìm nguyên nhân vì sao họ nghèo. Nếu thiếu vốn thì có giải pháp về vốn, thiếu tư liệu sản xuất thì có giải pháp về tư liệu sản xuất, thiếu kiến thức năng lực thì giúp về kiến thức năng lực… Với chú Sáu, hổng có cái nghèo nào giống cái nghèo nào nên không có nói chung chung được, tùy từng trường hợp mà xử lý để dân có cuộc sống bền vững.
Xuống dân rồi về xã, đọc nghị quyết của từng xã, chú Sáu đúc kết: “Sao nghị quyết, kế hoạch của cấp trên và cấp dưới na ná nhau quá, chưa thể hiện tính đặc thù và thế mạnh của từng nơi để phát huy! Còn về giải pháp thì “chưa cụ thể lắm!””.
Khánh thành Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt Sáng qua, 23-11, Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã đến Vĩnh Long dự và cắt băng khánh thành bia Nam Kỳ khởi nghĩa và Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long). Đến dự còn có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân; đại diện bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành và đông đảo người dân địa phương. Bia tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Quần thể khu tưởng niệm này rộng 17.300 m2 gồm bia Nam Kỳ khởi nghĩa, Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và tượng đài Lê Cẩn - Nguyễn Giao, di tích hồ Vũng Linh - nơi ghi dấu tội ác thực dân Pháp đã sát hại dã man 500 người dân Vũng Liêm vô tội vào năm 1872; tượng đài Ngôi sao… Nhân lễ kỷ niệm này, GS-TSKH Phan Lương Cầm, phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trao tặng 144 suất học bổng (mỗi suất từ 800.000 đến 1,5 triệu đồng) cho những học sinh, sinh viên quê Vĩnh Long nghèo vượt khó học giỏi. |
NGUYÊN VẸN