Vốn ngoại đổ vào chăn nuôi

Hơn 180 doanh nghiệp (DN) đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia tại Triển lãm chăn nuôi quốc tế (ILDEX 2014) từ ngày 19 đến 21-3-2014 tại TP.HCM. Đáng chú ý là sự tham gia của nhiều công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chăn nuôi từ Pháp, Hàn Quốc, Hà Lan, Trung Quốc… Các công ty cho biết họ đang có nhiều kế hoạch đầu tư các dự án ở Việt Nam.

Vẫn là miếng bánh ngon

Đại diện Cơ quan Thương mại vì sự phát triển quốc tế của các DN Pháp (UBIFRANCE) cho biết tham gia triển lãm quốc tế lần này có tới 17 DN Pháp sang Việt Nam để tìm cơ hội đầu tư hợp tác trong lĩnh vực máy móc, kinh nghiệm cùng kỹ thuật chăn nuôi. Các DN Pháp cho rằng khi Việt Nam tham gia TPP nhiều cơ hội thuận lợi sẽ mở ra, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi sẽ tăng lên nhanh chóng khi ngành chăn nuôi phát triển.

Một trong những DN chăn nuôi nước ngoài lớn đang đầu tư tại Việt Nam là Tập đoàn Japfa (Indonesia) đang đầu tư hơn 10 triệu USD vào xây dựng trại heo và con giống nhằm phục vụ cho kế hoạch tăng năng suất đàn heo của tập đoàn này. Ông Kuswanto Sukojo, Phó Chủ tịch cao cấp Japfa, cho hay sản lượng thịt heo toàn cầu dự kiến sẽ tăng thêm 14 triệu tấn trong vòng ba năm tới. Năm 2018, Japfa Việt Nam dự kiến sẽ xuất khẩu thịt heo và trở thành công ty cung cấp giống hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, hai tập đoàn CP (Thái Lan) và Emivest (Malaysia) đang xây dựng thêm nhà máy, trang trại giống và đặc biệt là tăng đàn bằng hình thức mở rộng mạng lưới gia công. Ngoài ra, nhiều DN chăn nuôi Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Đức… cũng đang tìm cách thâm nhập thị trường chăn nuôi Việt Nam như đầu tư nhà máy sản xuất máy móc, thiết bị, thuốc, thức ăn chăn nuôi.

 

Các DN chăn nuôi ngoại đang giới thiệu sản phẩm với khách hàng tại Triển lãm chăn nuôi quốc tế ILDEX 2014 tại TP.HCM. Ảnh: QH

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết đây thực sự là tín hiệu tốt cho ngành chăn nuôi. Ngành chăn nuôi vẫn còn nhiều dư địa cho các DN nước ngoài, họ vẫn nhìn thấy cơ hội để đầu tư phát triển. Ngành nông nghiệp nên tiếp tục có những chính sách ưu đãi cho DN ngoại đầu tư vào lĩnh vực con giống, vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để thay thế các sản phẩm nhập khẩu. “DN chăn nuôi nội chỉ chiếm 30%, chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ vì vậy nếu hút được vốn ngoại vào chăn nuôi là hết sức cần thiết. Đừng vội trách các DN ngoại chiếm lĩnh thị trường, chính nhờ những DN nước ngoài vào đầu tư mà ngành chăn nuôi Việt Nam thay đổi vượt bậc” - ông Vang chia sẻ.

Cơ hội liên kết

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, nhận định thêm dù vậy không phải lĩnh vực nào cũng cần DN ngoại đầu tư, bốn lĩnh vực mà ngành chăn nuôi cần kêu gọi đầu tư đó là công nghiệp chế biến, chăn nuôi bò, sản xuất giống, sản xuất trang thiết bị phục vụ chăn nuôi công nghiệp. Vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ cần tiền mà cần công nghệ, cần quy hoạch để từ đó nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản xuất mới là điều quan trọng.

Theo ông Vang, DN nội nên liên kết hợp tác với các nhà đầu tư ngoại, đây chính là cơ hội tăng sức cạnh tranh để chuẩn bị đối phó với thực phẩm ngoại giá rẻ. DN chăn nuôi nội có thể hợp tác với những DN chăn nuôi sang đầu tư đợt này để học hỏi, liên kết để khắc phục, từ đó sẽ giảm được chi phí, giảm được giá thành sản phẩm chăn nuôi.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, để đủ sức cạnh tranh trên sân nhà, ngành chăn nuôi trong nước chỉ nên chú trọng những sản phẩm chủ lực, có lợi thế. Gà, heo có thể nhường sân cho DN ngoại, DN nội chỉ còn tập trung và phân khúc thị trường nhỏ lẻ. “Riêng về liên kết thì DN Việt Nam cũng khó mà liên kết với DN ngoại cùng lắm chỉ là nuôi gia công, nếu muốn tồn tại DN phải sản xuất theo chuỗi, nghĩa là phải có đầu tư con giống, giết mổ hiện đại và liên kết với đầu ra như siêu thị, chợ. Hiện nay, những DN ngoại lớn đang liên kết với nhau nên DN trong nước cũng nên liên kết tạo thành những hợp tác xã chăn nuôi thì may ra đủ sức cạnh tranh, nếu không chỉ chờ chết hoặc đi làm thuê cho DN ngoại” - ông Bình có nhận định.

QUANG HUY

 

Đừng để chăn nuôi chết vì… thống kê

Ngành chăn nuôi mấy năm qua chết vì cung vượt cầu nhưng không chỉ do người nuôi ồ ạt mà chính do những số liệu thống kê không chính xác. Ví dụ về thức ăn chăn nuôi, thống kê của Cục Chăn nuôi cho biết sản xuất trong nước chỉ được 30% còn phải nhập nước ngoài 70% nhưng thực tế là ngược lại. Trong nước sản xuất được 60%, chỉ nhập 40%. Đấy là chưa nói đến thống kê số lượng đàn gà, heo, số liệu chỉ thống kê được heo ở các trang trại, DN, còn hộ nuôi nhỏ lẻ không tính. Con số sai thì làm sao biết hiện nay số lượng đàn gà đã vượt quá cầu, vì vậy mới dẫn đến tình trạng cung luôn vượt cầu, nuôi gà mấy năm nay kiểu gì cũng lỗ.

Ông NGUYỄN ĐĂNG VANG, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới