Báo cáo của nền tảng theo dõi dữ liệu Tracxn vừa công bố, cho thấy trong nửa đầu năm 2023 đã chứng kiến sự sụt giảm rất mạnh về tổng nguồn tài trợ cho các dự án Fintech tại Việt Nam. Cụ thể, tổng nguồn vốn tài trợ giảm 67% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn 6,2 triệu USD từ mức 17,9 triệu USD/năm như trước.
Theo Tracxn, nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm về nguồn vốn trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam chủ yếu đến từ sự bất ổn kinh tế vĩ mô toàn cầu hiện nay. Bên cạnh đó, việc thiếu các vòng cấp vốn ở giai đoạn cuối cũng ảnh hưởng đến việc thiếu hụt nguồn vốn của lĩnh vực Fintech.
“Nguồn tài trợ giai đoạn cuối trong suốt năm 2022 và nửa đầu năm 2023 cho thị trường Fintech ở Việt Nam gần như bằng 0. Trong số các vòng cấp vốn đã thực hiện, các khoản đầu tư ở giai đoạn đầu chiếm đa số, đóng góp 5,1 triệu USD vào tổng nguồn vốn trong nửa đầu năm 2023, giảm tới 97% so với số tiền huy động được lên tới 195 triệu USD trong nửa đầu năm ngoái.
Nguồn tài trợ ở giai đoạn hạt giống cũng giảm đáng kể, chỉ còn 1,1 triệu USD trong 6 tháng đầu năm nay giảm 82% so với số tiền 6 triệu USD huy động được trong cùng kỳ năm 2022”- Tracxn cho biết.
Lĩnh vực Fintech tại Việt Nam chỉ trải qua một vòng cấp vốn duy nhất vượt quá 100 triệu USD trong nửa đầu năm 2022. Kể từ đó, chưa có vòng cấp vốn nào vượt qua được cột mốc này.
Hơn nữa, lĩnh vực này chưa tạo ra bất kỳ kỳ lân nào, cũng như không chứng kiến bất kỳ thương vụ mua lại hoặc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) nào trong vòng hai năm qua. Hà Nội là thành phố duy nhất đảm bảo được nguồn tài trợ cho lĩnh vực Fintech trong nửa đầu năm 2023 tại Việt Nam.
Các nhà đầu tư chính đóng vai trò then chốt trong việc định hình thị trường Fintech tại Việt Nam trong hai năm trở lại đây gồm CIE IIITH, Y Combinator, WeFounder Circle, Integra Partners và Genting Ventures.
Đáng chú ý, CIE IIITH, Y Combinator và WeFounder Circle là những nhà đầu tư quan trọng trong giai đoạn hạt giống. Trong khi đó, Integra Partners và Genting Ventures đã nổi lên như những nhà đầu tư tiềm năng trong các vòng cấp vốn giai đoạn đầu.
Mặc dù thị trường Fintech đang đối mặt với nhiều thách thức nhưng nhìn thực tế cho thấy số lượng các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam luôn tăng trưởng đều hàng năm.
Theo Báo cáo thị trường Fintech Việt Nam 2021, số lượng công ty Fintech đã tăng lên 4 lần, từ 39 công ty vào cuối năm 2015 lên đến hơn 154 công ty vào cuối năm 2021. Trong số các công ty Fintech tại Việt Nam, có khoảng 70% là công ty khởi nghiệp.
Trong đó, dịch vụ thanh toán vẫn là phân khúc lớn nhất, chiếm trên 30% số lượng các công ty khởi nghiệp Fintech; tiếp đến là P2P lending, blockchain, POS, quản lý tài sản…
Nhu cầu tài chính cá nhân ở Việt Nam được cho là sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước, đến năm 2025, tín dụng cá nhân sẽ chiếm khoảng 24% thị trường ứng dụng công nghệ trong dịch vụ tài chính. Điều này cho thấy, thị trường Việt Nam có tiềm năng phát triển cao, có thể trở thành một thị trường có sức hấp dẫn rất lớn đối với các sản phẩm Fintech.