Lấy fintech làm bệ phóng cho mua bán nhà đất

(PLO)- Fintech trong lĩnh vực bất động sản vẫn còn là một khái niệm mới mẻ tại thị trường Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Fintech (Financial technology - công nghệ tài chính) được dự báo sẽ giúp việc mua bán bất động sản (BĐS) trở nên hiệu quả hơn so với phương thức truyền thống, giúp việc mua bán BĐS dễ dàng như một món đồ trên sàn thương mại điện tử.

Dù còn mới mẻ nhưng đây là xu hướng được dự báo mở ra nhiều cơ hội cho các bên trong thị trường tương lai.

Giao dịch bất động sản về cơ bản vẫn đòi hỏi một quá trình xem xét, trao đổi trực tiếp.

Giao dịch bất động sản về cơ bản vẫn đòi hỏi một quá trình xem xét, trao đổi trực tiếp.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều người sử dụng các ứng dụng bất động sản hiện đại để tiết kiệm thời gian. Ảnh: HUY VŨ

Tuy nhiên, ngày càng nhiều người sử dụng các ứng dụng bất động sản hiện đại để tiết kiệm thời gian. Ảnh: HUY VŨ

Thời của công nghệ bất động sản

“Từ năm 2020, các trải nghiệm mua nhà tại Việt Nam (VN) bắt đầu được số hóa. Dịch COVID-19 xảy ra một lần nữa thúc đẩy hành trình số hóa tại doanh nghiệp BĐS, mà đầu tàu là các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Đất Xanh, Cen Land…” - đại diện Hội Môi giới BĐS VN cho biết trong báo cáo mới nhất của mình.

Theo Hội Môi giới BĐS VN, BĐS với quy mô của một ngành công nghiệp, từ trước đến nay thường chậm chạp trong việc áp dụng công nghệ mới nhưng không vì thế mà thiếu khát vọng cải tiến và phát triển.

Lĩnh vực này phụ thuộc vào các ngành truyền thống khác như ngân hàng và luật, cùng với đó là một hệ sinh thái các nhà cung cấp vây quanh. Trong khi đó, việc chuyển đổi một BĐS thành hàng hóa thương phẩm (commodity) là rất khó khăn, nếu có cũng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn với loại hình BĐS nhà ở sơ cấp.

“Giao dịch BĐS vì thế về cơ bản vẫn đòi hỏi một quá trình xem xét trực tiếp và tìm kiếm giá cả (price discovery) chiếm nhiều thời gian. Mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số trong giao dịch BĐS là rút ngắn thời gian và chi phí giao dịch, tăng thanh khoản tài sản BĐS” - Hội Môi giới BĐS VN nhận định.

“Tôi cho rằng công nghệ trong BĐS hay cả fintech trong BĐS đang là phong trào, nhất là ở một số công ty công nghệ khởi nghiệp. Nhiều công ty, kể cả trong nước và nước ngoài đang vào VN cũng nhảy vào lĩnh vực này” - chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM.

Theo ông Hiển, năm 2020-2021 có rất nhiều thông tin về những công ty fintech được rót vốn khủng và hoạt động rầm rộ. “Fintech có hai dạng là gọi vốn cộng đồng - mua chung và dùng công nghệ định giá - tìm kiếm - thanh toán BĐS. Rủi ro hay không, ít hay nhiều còn tùy thuộc vào từng mô hình hoạt động” - ông Hiển nói.

Mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số trong giao dịch BĐS là rút ngắn thời gian và chi phí giao dịch, tăng thanh khoản tài sản BĐS.

Fintech tạo ra bước đột phá

Về dạng fintech thứ nhất, huy động vốn cộng đồng để đầu tư vào BĐS hoặc góp phần tạo hệ sinh thái BĐS. Đây được xem là bước đột phá trong lĩnh vực đầu tư BĐS.

Từ đầu năm 2020, hình thức đầu tư BĐS chia nhỏ trên nền tảng công nghệ blockchain hay đầu tư BĐS thông qua NFT (Non-Fungible Token) - một dạng tiền điện tử đã chính thức thâm nhập thị trường.

Có thể kể đến các công ty có hình thức mua chung BĐS và đưa công nghệ blockchain vào như sàn Realcoin, nền tảng công nghệ đầu tư chung BĐS Revex hay Moonka… Ví dụ, một căn nhà có giá 1 tỉ đồng sẽ được chia nhỏ khoảng 1.000 phần, gắn mã số blockchain để chào bán, khách hàng có thể mua một hoặc nhiều phần của BĐS tiền tỉ.

Sàn Realcoin còn giải thích rõ hơn khi đưa ra ba ưu điểm. Thứ nhất, về pháp lý minh bạch, thông tin nhà đầu tư sẽ được xác nhận bởi Realcoin, dự án đã qua kiểm duyệt; thứ hai, giải pháp đầu tư tối ưu khi khoản đầu tư được chia nhỏ; thứ ba, công nghệ blockchain hiện đại, kết nối cộng đồng đầu tư, thủ tục đơn giản và bảo mật.

Với dạng fintech thứ hai, ứng dụng như công nghệ tài chính - thanh toán, theo các chuyên gia, xu thế tới đây các lĩnh vực có giá trị thanh toán cao như BĐS, ô tô… đều có thể giao dịch thông qua đồng tiền kỹ thuật số ứng dụng công nghệ fintech.

Fintech trong BĐS là việc các chủ đầu tư sử dụng những ứng dụng công nghệ (blockchain) trong thanh toán, đầu tư BĐS. Có thể hiểu một cách đơn giản hơn, đây là ứng dụng thanh toán, đầu tư tài chính tích hợp trong công nghệ.

Fintech trong BĐS còn bao gồm các ứng dụng thanh toán phí dịch vụ, tiền nhà tự động tại các ứng dụng thanh toán trực tuyến một lần; hoặc nhập thông tin vào ứng dụng của chủ đầu tư một lần và tự động thanh toán các loại chi phí. Qua đó, tạo sự thuận tiện hơn trong những hoạt động giao dịch.

“Việc ứng dụng công nghệ vào giao dịch BĐS là cần thiết, giúp tối giản thủ tục, giảm thiểu thời gian, cắt giảm chi phí cho người mua và cả bên bán” - ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) - một đơn vị phát triển và phân phối BĐS, nhận định.

Theo ông Việt, khi thanh toán bằng công nghệ, quan trọng là đảm bảo tính an toàn của giao dịch. Trước đây, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn tồn tại, ý tưởng giao dịch trực tuyến này đã và đang được hưởng ứng mạnh mẽ và fintech vì thế rất được ưa chuộng.

Ứng dụng Zillow tại Mỹ cung cấp thông tin rất chi tiết về bất động sản. Ảnh: Zillow

Ứng dụng Zillow tại Mỹ cung cấp thông tin rất chi tiết về bất động sản.
Ảnh: Zillow

Một trong những xu hướng đang trở nên thịnh hành hơn ở cả ba quốc gia lớn trên thế giới là Anh, Mỹ và Canada chính là việc sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh cho hoạt động mua bán BĐS. Có hàng chục ứng dụng khác nhau tại mỗi quốc gia, mỗi ứng dụng lại đem đến những tiện ích và cách sử dụng khác nhau.

Theo Tập đoàn công nghệ Artelogic, có khoảng 26,2% số người dùng điện thoại thông minh tại Mỹ thường xuyên sử dụng các ứng dụng buôn bán BĐS. Lý do chính cho sự phổ biến của các ứng dụng này là vì chúng giúp cho sự tương tác giữa người bán và khách hàng ở Mỹ dễ dàng hơn. Các ứng dụng như vậy tại Mỹ có thể bao gồm bản đồ tích hợp sẵn và khả năng tham quan BĐS 3D cùng các chức năng khác. Một số ứng dụng có thể kể đến như Zillow, Trulia, BombBomb, Zumper, Spacio…

Tại Anh, sự bùng nổ của các ứng dụng mua bán BĐS miễn phí cũng đang tạo nhiều sự thuận lợi cho người dùng. Tại đây, các ứng dụng miễn phí cung cấp tất cả thông tin và tính năng cần thiết để giúp con người mua nhà mới, bán nhà cũ hay xem xét cải tạo lại nơi ở hiện tại một cách dễ dàng. Một số ứng dụng còn cung cấp danh sách BĐS một cách chi tiết và cả lời khuyên không thua gì chuyên gia. Một số ứng dụng phổ biến là Zoopla Property, Rightmove UK, Nestoria, Hoffr…

Trong khi đó, theo Hiệp hội BĐS Canada, thị trường nước này ứng dụng công nghệ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2020. Có khoảng 2/3 số người mua BĐS trong những năm gần đây ở Canada qua ứng dụng. 2/3 trong số này cho biết họ rất hài lòng với quy trình xử lý dữ liệu của các ứng dụng. Người dân Canada ưa chuộng các ứng dụng như Real Estate Dictionary, Realtor.ca, Zoocasa, Zolo.ca, Canadian Mortgage App, AroundMe…

KHÔI CHƯƠNG

Cần bắt kịp xu hướng thế giới

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Sunshine Tech (thương hiệu phát triển công nghệ của Sunshine Group), cho rằng tương lai của thế giới nằm trong tay fintech, nếu không bắt kịp thì chúng ta sẽ bị tụt hậu.

“Tại VN, không chỉ các ngân hàng, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin mà một số ông lớn BĐS có tầm nhìn tốt, định hướng chiến lược đã bắt đầu chuyển hướng phát triển ứng dụng fintech trong quản lý, bán hàng và thậm chí cung cấp dịch vụ cho cư dân” - ông Minh cho biết.

Hiện nay, các công ty fintech của VN vẫn chưa phong phú về dịch vụ. “Khi nghĩ đến fintech, đa số mọi người đều cho rằng đó là những công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán hoặc ví điện tử. Thực chất, fintech còn bao trùm một số phân khúc khác như cho vay ngang hàng, blockchain/tiền mã hóa, quản lý tài sản, ngân hàng số, điểm bán hàng (POS), công nghệ bảo hiểm, kênh đầu tư cho các nhà đầu tư…” - vị đại diện về công nghệ của Sunshine Tech nói.

Theo Sunshine Tech, nếu như năm 2016 VN chỉ có 40 công ty fintech thì đến năm 2020 con số này đã là hơn 100 công ty. Tuy vậy, so với các nước trong khu vực thì con số này vẫn còn khá khiêm tốn khi Singapore có đến 490 công ty, Indonesia có 262 công ty, Malaysia có 196 công ty…

“Về fintech trong BĐS, chúng ta cần tính toán góc độ rủi ro và tính hiệu quả. Như trong thanh toán hoặc tìm kiếm BĐS, việc tìm kiếm - định giá BĐS nào đó cần tính chính xác. Tất nhiên, khi thanh toán có các ứng dụng ngân hàng hỗ trợ sẽ hạn chế được rủi ro tốt hơn” - ông Đinh Thế Hiển phân tích thêm.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Việt, việc mua chung, huy động vốn BĐS bản chất không phải là mua BĐS, không sở hữu, không có quyền sử dụng và không nắm giữ bất kỳ hồ sơ pháp lý nào của BĐS ấy. Vì vậy, hình thức này tiềm ẩn rủi ro cao.

“Tôi nghĩ nên khuyến khích các chủ đầu tư sử dụng công nghệ để tối giản thủ tục, tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách hàng. Còn việc mua chung, đồng sở hữu thì dù mua theo cách truyền thống hay áp dụng công nghệ vẫn cần lưu ý bởi tiềm ẩn các rủi ro trong việc sở hữu và sử dụng BĐS này” - ông Việt đánh giá.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm