Mở cửa fintech trong bất động sản: Cần khung pháp lý

(PLO)-  Dù được đánh giá là tiềm năng nhưng fintech trong bất động sản còn thiếu hành lang pháp lý, sự ràng buộc trách nhiệm cũng như sự sẵn sàng của khách hàng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo nhiều chuyên gia, lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính) trong bất động sản (BĐS) còn thiếu hành lang pháp lý để có thể phát triển xứng tầm.

Về cơ bản, khi chưa có sự ràng buộc pháp lý, khách hàng cần phải tìm hiểu thật kỹ mô hình đầu tư, hình thức giao dịch như thế nào, có văn bản ghi nhận hay không, chủ đầu tư là đơn vị nào… để tránh các rủi ro không cần thiết.

Chưa có quy định nào liên quan trực tiếp

“Trong làn sóng 4.0 thì công nghệ fintech cũng đang phát triển mạnh mẽ, có sức ảnh hưởng trên toàn cầu, đặc biệt nó cũng đem lại nhiều thuận lợi khi áp dụng vào thị trường BĐS” - luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Cường, dù fintech ứng dụng trong BĐS khá nhiều hình thức như blockchain, thanh toán, đầu tư, mua chung… nhưng hành lang pháp lý cho lĩnh vực này phát triển vẫn còn hạn chế.

Nhiều nhà đầu tư bắt đầu quan tâm, tìm hiểu các nền tảng fintech trong lĩnh vực bất động sản. Ảnh: CTV

Nhiều nhà đầu tư bắt đầu quan tâm, tìm hiểu các nền tảng fintech trong lĩnh vực bất động sản. Ảnh: CTV

“Ví dụ như sự hợp tác của các ngân hàng để chia sẻ thông tin trong việc thanh toán, rủi ro và trách nhiệm các bên chưa được quy định cụ thể. Vì thế, mô hình công nghệ tài chính này cũng chưa được đón nhận ở diện rộng một phần do các yếu tố liên quan đến việc thanh toán” - ông Cường nói.

Luật sư Trần Minh Cường cho rằng trách nhiệm, hành lang pháp lý liên quan chưa được bảo hộ dù vừa qua đã có đề xuất và một số động thái tiến tới thành lập các hiệp hội về blockchain.

“Nhà nước và cơ quan chức năng đã có những động thái quan tâm để nghiên cứu hành lang pháp lý cho công nghệ tài chính nhưng đến nay chưa có gì cụ thể, rõ ràng” - ông Cường thông tin.

Đồng tình, chuyên gia pháp lý Nguyễn Tấn Đạt, Giám đốc Công ty Tư vấn NTD Law Việt Nam (VN), cho rằng hiện tại chưa có bất kỳ quy định pháp lý nào cho công tác gọi vốn cho các dự án BĐS bằng những ứng dụng công nghệ như chuỗi khối (blockchain) hay gọi vốn cộng đồng (crowd-funding).

“Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều công ty thực hiện gọi vốn và hoạt động theo các phương thức trên, xuất hiện ở nhiều TP lớn có sức nóng BĐS. Nhìn chung, các giao dịch gọi vốn vẫn diễn ra theo sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự và các luật chuyên ngành” - ông Đạt đánh giá.

Cần xây dựng hành lang pháp lý, hướng dẫn cụ thể

“Quyết định quyền sở hữu (như mua chung) thông qua công nghệ tài chính như fintech ở VN còn tương đối mới. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho vấn đề này, hướng dẫn thi hành cụ thể, trách nhiệm ràng buộc các bên để fintech có điều kiện phát triển” - ông Cường góp ý.

Một ứng dụng mua chung bất động sản bằng công nghệ blockchain thông báo kêu gọi vốn thành công. Ảnh: MINH LONG
Một ứng dụng mua chung bất động sản bằng công nghệ blockchain thông báo kêu gọi vốn thành công. Ảnh: MINH LONG

Bởi theo ông Cường, lâu nay với BĐS, nhu cầu nhìn tận mắt, cảm nhận thực tế vẫn luôn hiện hữu. Những cách thức mua bán BĐS thông qua ứng dụng, máy tính, điện thoại, công nghệ thanh toán… rất cần có hướng dẫn cụ thể, quy định ràng buộc để khách hàng tin cậy hơn, tiếp cận nhiều hơn.

Ở góc độ nhà phát triển công nghệ, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Sunshine Tech, cho rằng dù VN được đánh giá là miền đất hứa nhưng hiện tại vẫn còn nhiều lực cản đối với fintech. Fintech phát triển nhưng chưa xứng với tiềm năng của VN.

Theo ông Minh, không nằm ngoài guồng quay phát triển của fintech toàn cầu, VN những năm trở lại đây cũng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, sâu rộng của lĩnh vực fintech. Số lượng các công ty fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường VN đã tăng hơn hai lần, từ con số khoảng 40 công ty cuối năm 2016 lên gần 100 công ty ở thời điểm hiện tại, trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Đạt cho rằng sẽ có nhiều rủi ro nếu nhà đầu tư tham gia mà không tìm hiểu kỹ và lựa chọn đúng đắn.

“Khung pháp lý còn chưa hình thành nên cơ chế bảo vệ nhà đầu tư khi xảy ra tranh chấp chưa rõ ràng, chưa chặt chẽ và rất khó giải quyết. Cho đến nay, các tranh chấp về BĐS công nghệ chưa xảy ra, chưa có án lệ, chưa có quy định chi tiết nên các cơ quan có thẩm quyền bước đầu xử lý sẽ còn lúng túng” - ông Đạt lưu ý.

Các chủ đầu tư, công ty hoạt động sử dụng nhiều thuật ngữ thương mại khác nhau nhưng bản chất của giao dịch là một vấn đề cần có sự xác tín cụ thể. Nếu không tự quản lý được BĐS mình mua mà chỉ biết qua thông báo, qua app… thì sẽ có rủi ro.

Cần tìm hiểu thật kỹ mô hình đầu tư này qua các hội thảo fintech, tham khảo nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong và ngoài nước. Khi tham gia đầu tư cần phải xem các hình thức giao dịch như thế nào, có văn bản ghi nhận hay không, chủ đầu tư là ai? Đặc biệt phải nắm rõ các thông tin về pháp lý dự án để bảo vệ mình khi có tranh chấp xảy ra.

Ông NGUYỄN TẤN ĐẠT, Giám đốc Công ty Tư vấn NTD Law
Việt Nam

Về phía chủ đầu tư của các mô hình này cần phải nắm rõ cơ chế đầu tư như giá trị từng gói, lãi suất như thế nào, bồi thường thiệt hại ra sao khi xảy ra rủi ro. Làm rõ các vấn đề về quyền sở hữu khi gọi vốn và phải luôn tuân thủ pháp luật.

Fintech trong bức tranh chung chuyển đổi số

Về vai trò của ứng dụng công nghệ trong BĐS, đại diện Hội Môi giới BĐS VN cho biết ứng dụng dữ liệu trong lĩnh vực này đã bắt đầu nhen nhóm và trở thành công cụ hữu dụng của ngành ở tất cả công đoạn, trong đó có giao dịch.

“Dữ liệu là mỏ vàng của nền kinh tế nói chung, lĩnh vực BĐS nói riêng. Các thông tin hỗn độn và được cập nhật liên tục về khách hàng, dự án, tình trạng pháp lý, biến động giá... được các doanh nghiệp BĐS dùng để hỗ trợ lực lượng môi giới, người trực tiếp tìm kiếm và chăm sóc khách hàng” - đại diện Hội Môi giới BĐS VN chia sẻ thêm.

Theo hội, công nghệ giúp thị trường BĐS tốt hơn. Không chỉ giúp việc chào mời khách hàng hiệu quả, big data cùng công nghệ trí tuệ nhân tạo còn hỗ trợ lực lượng môi giới chăm sóc hậu mãi tốt hơn, giữ chữ tín cho cá nhân và doanh nghiệp. Đây là điểm mấu chốt giúp thị trường phát triển lành mạnh và bền vững.

Bên cạnh đó, một trở ngại được đặt ra đó là đối với nhiều chủ đầu tư hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã là việc không dễ dàng gì, chưa nói đến chuyện kết hợp với fintech. Vì vậy, để fintech phát triển, cần quan tâm đến câu chuyện chuyển đổi số đi kèm.

“Chuyển đổi số như quá trình dịch chuyển từ các quyết định tự phát của thị trường sang các quyết định dựa trên nền tảng dữ liệu, được mong đợi sẽ mang lại giải pháp dẫn dắt ngành công nghiệp BĐS này vượt qua những vấn đề nội tại” - Hội Môi giới BĐS VN nêu quan điểm.

Fintech không chỉ trong lĩnh vực bất động sản

Là viết tắt của từ financial technology, fintech được sử dụng chung cho tất cả công ty sử dụng Internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư.

Kể từ khi quốc gia đầu tiên trên thế giới là Vương quốc Anh (Cơ quan Giám sát tài chính Anh - FCA) ban hành Khuôn khổ thử nghiệm fintech (gọi tắt là Sandbox) vào tháng 11-2015, hiện đã có 28 quốc gia trên thế giới có cách tiếp cận tương tự.

Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia là bốn quốc gia đầu tiên ban hành “Regulatory Sandbox”, trong đó Singapore là quốc gia ban hành đầu tiên vào tháng 6-2016.

Lĩnh vực fintech tại VN đã và đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn như FPT, Viettel, VNPT tham gia thị trường… qua cả hai hình thức trực tiếp và gián tiếp như đầu tư hình thành các công ty fintech, thành lập các quỹ đầu tư, vườn ươm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp fintech…

Tính đến năm 2020, lĩnh vực thanh toán đóng vai trò chủ đạo của fintech với 26 công ty đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang hoạt động. Tiếp đó là lĩnh vực cho vay ngang hàng với sự góp mặt của khoảng 10 công ty trên thị trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm