Liên quan đến thông tin 13/14 mộ liệt sĩ không có hài cốt mà chỉ toàn đất đá tại tỉnh Bắc Kạn, sáng 4-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đồng Phúc Hình, Phó Giám đốc thường trực Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Kạn, cho biết 13 mộ liệt sĩ là thanh niên xung phong (TNXP) thuộc đơn vị C933, N92. Trong khi tham gia chống bão lụt, cứu tài sản của Nhà nước, nhân dân, cứu vớt đồng đội vào năm 1968, 13 TNXP này đã hy sinh do chân đập ở hồ Tân Minh (xã Thanh Vận, Chợ Mới, Bắc Kạn) bất ngờ bị vỡ.
Thu thập thông tin, lùng tìm nhân chứng
Theo ông Hình, việc quy tập 13 mộ liệt sĩ được tiến hành nhiều lần: “Không phải khi hy sinh các liệt sĩ được đưa về ngay nghĩa trang mà chôn ở trên đồi. Sau đó trải qua hai lần di chuyển từ các nghĩa trang, cuối cùng 13 liệt sĩ mới được chôn cất tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn” - ông Hình nói.
Để tìm nguyên nhân 13 ngôi mộ liệt sĩ không có hài cốt, ông Hình cho biết đã chỉ đạo các đơn vị tìm kiếm các hồ sơ để có thông tin chính thức. “Hiện giờ các thông tin cũng chưa thống nhất được, bởi không có hồ sơ nên chúng tôi đang chỉ đạo kiểm tra để sớm có thông tin chính thống…” - ông nhấn mạnh. Ông Hình cũng cho biết do việc thu thập thông tin phức tạp nên lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH vừa ký văn bản xin gia hạn thời gian báo cáo bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.
Ông Dương Bằng Giang, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Kạn, cũng cho biết sở này đang tiến hành thu thập các thông tin. Về trách nhiệm quản lý hồ sơ liệt sĩ của sở, ông Giang từ chối trả lời.
Tuy nhiên, giải thích với báo chí trước đó, ông Giang cho biết do thời gian quy tập mộ diễn ra từ năm 1989, trước khi tách tỉnh Bắc Kạn (năm 1997, tỉnh Bắc Kạn được tách từ tỉnh Bắc Thái) nên trong quá trình chuyển giao, hồ sơ quy tập bị thất lạc.
“Hiện nay đơn vị chưa thể xác định được nguyên nhân tại sao trong các ngôi mộ lại không có cốt. Sở đã có kế hoạch đi tìm các nhân chứng trong các đợt quy tập trước đây là TNXP cùng thời, đồng thời tìm những người từng tham gia quy tập mộ để xác minh thông tin của họ nhằm lập lại hồ sơ…” - ông Giang thông tin.
Hiện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Kạn đang tiến hành thu thập thông tin. Trong ảnh: Người thân thắp hương lên mộ liệt sĩ ở Quảng Trị. Ảnh: THẢO TUẤN
Những bọc nylon toàn đất đá thay vì các tiểu sành đựng hài cốt bên dưới 13 ngôi mộ liệt sĩ. Ảnh: PV
“Có thể người quy tập đã làm theo tâm linh”
Trả lời báo chí, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, cho biết đã họp chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh gấp rút thu thập thông tin, sớm làm rõ nguyên nhân vụ việc và công bố công khai. Cũng theo lãnh đạo tỉnh này, do việc quy tập xảy ra đã lâu, qua ba lần quy tập mà hồ sơ quy tập thất lạc nên để bây giờ nói về nguyên nhân, lý do thì rất khó, cần phải lần tìm từng khâu một. “Tôi trao đổi với bên y tế thì được biết hài cốt của người trẻ 18-20 tuổi sau 20-30 năm cũng có thể mục hết. Vì thế cũng có khả năng qua những lần quy tập, khi thấy xương cốt không còn, người đi quy tập đã theo phong tục hay quan niệm tâm linh gì đó mà lấy đất đá ngay khu vực đó để thay xương cốt nên mới có việc vừa rồi bốc lên thì thấy đất đá” - phó chủ tịch tỉnh nhận định.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công, khẳng định đã nắm thông tin vụ việc và đang yêu cầu kiểm tra, xác minh. “Lúc nào có thông tin chính thức chúng tôi sẽ cung cấp” - ông Lợi nói. |
Như chúng tôi đã đưa tin, ngày 3-12, Bộ LĐ-TB&XH có văn bản gửi Cục Người có công, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Kạn về thông tin hàng loạt mộ liệt sĩ không có hài cốt mà chỉ toàn đất đá.
Do không xác định được danh tính 13 liệt sĩ, theo đề nghị của thân nhân các liệt sĩ, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành khai quật phần mộ của 13 TNXP để giám định ADN. Người thân của các liệt sĩ cũng được mời đến lấy mẫu để so sánh. Thế nhưng bên dưới 13 ngôi mộ không có hài cốt mà chỉ có những túi nylon đựng đất đá bên trong.
Ngay cả đến tiểu sành, một vật dụng tùy táng phải có khi quy tập hài cốt liệt sĩ ở dưới những ngôi mộ này cũng không có.
Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Cục Người có công phối hợp cùng Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Kạn kiểm tra và báo cáo sự việc trên về bộ trước 16 giờ ngày 4-12.
Thi thể bọc trong nylon sau 50 năm xương vẫn còn nhiều Phải tùy vào tình hình thực tế thì mới có thể xác định hài cốt người phân hủy như thế nào, theo môi trường tồn tại: Môi trường khô thì khác, môi trường ướt thì khác. Nếu thi thể chôn cất không bao nylon, không quan tài, không gì hết lại chôn ở vùng ẩm, ngập nước thì thời gian phân hủy sẽ nhanh hơn... Nếu thi thể chôn trong môi trường khô thì tồn tại lâu hơn. Thời tiết lạnh, đóng băng thi thể khó phân hủy. Với tầm thời gian 50 năm, da thịt có thể phân hủy, một số xương xốp như xương sườn có thể phân hủy nhưng khả năng cao một số xương rắn chắc như xương sọ, xương đùi vẫn còn. Nếu thi thể bọc trong bao nylon được bảo quản kỹ thì sau thời gian 50 năm xương vẫn còn lại nhiều. Một chuyên gia làm việc lâu năm trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự phía Nam NGUYỄN TRÀ |