Nhắc đến hồ thủy lợi Tân Minh (xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn), người dân nơi đây rất đỗi tự hào bởi nhiều năm qua, nhờ vào nguồn nước này bà con mới có nước để sản xuất, sinh hoạt.
18 phát súng báo động không cứu được 13 TNXP
Ông Tống Văn Minh, nguyên Bí thư Đoàn thanh niên xã Thanh Vận thời kỳ các thanh niên xung phong (TNXP), là người đã tham gia xây đập thủy lợi Tân Minh năm xưa.
Lấy trong túi nylon cũ kỹ ra trang giấy ghi danh sách 13 liệt sĩ, ông Minh kể: Năm 1967, Nhà nước cho xây dựng hồ chứa nước loại trung thủy nông. Huyện Bạch Thông quyết định thành lập đội thủy lợi 202 ở xã Thanh Vận gồm 83 người để tập trung xây dựng hồ chứa nước nhằm tưới tiêu cho hàng ngàn hecta ruộng một vụ trở thành hai vụ.
Ngày 10-10-1967, công trường chính thức khởi công, đào, vận chuyển đất, đắp đập. Thi công liên tục được vài tháng thì công trường nghỉ tết Nguyên đán. Ngày 4-1-1968, công trường thi công trở lại nhưng do công việc còn quá nhiều mà nhân lực ít nên khó hoàn thành đập theo dự kiến.
Tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên) cho điều Đại đội TNXP chống Mỹ cứu nước Bắc Thái 933 - N91 - 92 do ông Lộc Văn Trường làm đại đội trưởng sang hỗ trợ đội 202 của xã Thanh Vận làm tiếp phần việc như thân đập, lải tràn. Khi đó, trên công trường có gần 200 lao động thi công. Từ tháng 1 đến tháng 6-1968, công trình sắp hoàn thành trước kế hoạch được giao.
Đến ngày 9-8-1968, do mưa nhiều, lượng nước từ các nơi dồn về, nước trong hồ dâng cao rất nhanh lại không có đường thoát, lải tràn đang đào chưa đạt được độ sâu theo thiết kế, cống không tiêu kịp dẫn tới vỡ đập.
“Tôi còn nhớ khi đi kiểm tra đập, tôi vẫn có thể lội nước nhưng lúc về tôi phải bơi và suýt bị nước cuốn. Chúng tôi liền chạy về nhà, dùng súng bắn 18 phát để báo động vỡ đập. Nhưng do nước chảy quá xiết và bất ngờ, 13 TNXP đóng quân ở nhà dân và nhà kho dưới chân đập đang giúp dân di chuyển tài sản đã thình lình bị nước cuốn trôi và hy sinh” - ông Minh kể.
Đọc danh sách từng người, ông Minh nhớ lại: Khi biết các thanh niên hy sinh, người thân họ tìm đến, không ai nói gì, cứ nhìn nhau là nước mắt trào ra. “Và rồi anh em phân công nhau quyết tìm ra 13 thi thể để vơi bớt nỗi đau cho các gia đình”.
Ông Tống Văn Minh là người duy nhất đã vẽ và lưu giữ sơ đồ vị trí chôn cất 12 liệt sĩ thanh niên xung phong. Ảnh: VIẾT LONG
Sơ đồ được ông Tống Văn Minh vẽ khá chi tiết về phần mộ 12 liệt sĩ thanh niên xung phong. Ảnh: VIẾT LONG
Người duy nhất cầm bút vẽ vị trí mộ
Sau hai ngày tìm kiếm, đến ngày 11-8-1968, người dân phát hiện 12 thi thể cách đập 4-5 km. Còn thi thể cuối cùng mất bốn ngày mới tìm ra. Sau đó chính quyền địa phương và nhân dân làm lễ truy điệu.
Trong 13 liệt sĩ có anh Hà Văn Kinh (ngụ xã Thanh Mai) được gia đình đưa về mai táng. Còn lại 12 liệt sĩ được chôn cất tại khu đồi Nà Cóc thuộc thôn Quan Làng, xã Thanh Vận.
“Lúc đó, dù điều kiện khó khăn nhưng chúng tôi đã khâm liệm các liệt sĩ rất chu đáo. Liệt sĩ nào cũng được sắm quan tài. Đặc biệt, trên mỗi nấm mồ chúng tôi khắc tên từng người rất cẩn thận” - ông Minh cho hay. Ông lấy trong túi nylon ra tiếp một tờ giấy và chỉ lên từng ô vuông: “Đây là vị trí 12 nấm mồ liệt sĩ chúng tôi chôn cất…”.
Tờ giấy ông Minh vừa nói chính là sơ đồ các ngôi mộ. “Tôi nhớ khi công tác chôn cất hoàn thành, mọi người ra về hết, còn tôi ở lại cầm bút vẽ vị trí mộ của 12 người. Khi đó tôi đã nghĩ nếu sau này những bảng tên bằng gỗ bị mục nát khiến cho người sau không biết được vị trí mộ của từng liệt sĩ nữa thì sơ đồ sẽ giúp ích” - ông Minh kể.
Nghi 10 ngôi mộ chưa được đào đến cốt
Mới đây, nắm thông tin từ các thân nhân liệt sĩ, ông Minh lên tận nơi chôn cất 12 liệt sĩ. Tại đây, ông nhận ra địa chất và quang cảnh không thay đổi nhiều. Nhìn vào vị trí các ngôi mộ thì ông thấy có hai ngôi được bốc đi với độ sâu hơn 1 m và 10 ngôi mộ được bốc với độ sâu khoảng 35 cm.
Hỏi ra ông mới biết 2/12 ngôi mộ đó đã được thân nhân bốc cốt về quê thờ cúng. Khi lấy cốt, họ đào rất sâu và cốt rất đẹp. Còn 10 ngôi mộ khác đào rất nông và không biết đã lấy cốt chưa.
“Tôi còn nhớ năm xưa các huyệt mộ đều được đào sâu hơn 1 m. Nếu như vậy, hai ngôi mộ được người thân quy tập lấy được cốt là phù hợp. Ở đây, tôi nghi ngờ có thể những người quy tập 10 ngôi mộ còn lại chưa đào đến vị trí có cốt. Vì vậy, trong buổi làm việc với tỉnh Bắc Kạn, tôi có đề nghị cho khai quật lại vị trí chôn cất ban đầu để xác định lại nguyên nhân mất cốt của liệt sĩ” - ông Minh nói.
Ông Minh cũng tỏ ra rất thất vọng vì những gì ông và nhiều cán bộ xưa đã quên ăn, quên ngủ tìm kiếm thi thể, khắc tên từng liệt sĩ lên bia mộ và cẩn thận vẽ sơ đồ nhưng quá trình quy tập lại để xảy ra sai sót nghiêm trọng như thế.
“Tôi đã chứng kiến những giọt nước mắt của gia đình liệt sĩ khi con họ mất và quyết tâm tìm thi thể của con. Giờ lại chứng kiến những thân nhân là cháu, con của họ rơi nước mắt vì không biết các liệt sĩ đang ở đâu. Điều này chẳng khác gì chúng ta làm cho họ đau khổ thêm lần nữa. Tôi nghĩ cơ quan chức năng phải giải đáp và trừng trị những con người và việc làm thiếu trách nhiệm đó” - ông Minh nhấn mạnh.
Vật chứng quan trọng được bảo quản cẩn thận Vốn là người rất cẩn thận nên tấm sơ đồ được ông Minh cất giữ kỹ trong ngăn tủ cá nhân của mình. Bởi vậy đến hôm nay, nét chữ trong sơ đồ vẫn rất rõ ràng, chi tiết về một kỷ niệm buồn của xã khi chứng kiến sự ra đi của 13 TNXP năm ấy. 12 thanh niên hy sinh ở tuổi còn rất trẻ Để có được hồ thủy lợi, 13 TNXP đã ngã xuống, trong đó có 10 nữ và ba nam. Trong số họ, chỉ có một người đã lập gia đình. Họ ra đi ở tuổi còn rất trẻ, khi bao nhiêu ước mơ, dự định cho bản thân và gia đình mới chớm bắt đầu. Ông TỐNG VĂN MINH, nguyên Bí thư Đoàn thanh niên xã Thanh Vận |