Vụ án oan ông Nén: Thủ phạm giết người bị 20 năm tù

Phiên tòa dự kiến khai mạc vào lúc 7 giờ 30 nhưng hai nhân chứng quan trọng là anh Nguyễn Phúc Thành và ông Trần Văn Sáng không có mặt do chưa nhận được giấy mời. Sau khi liên lạc qua điện thoại, HĐXX đã điều khẩn cấp phương tiện và lực lượng cảnh sát đến xã Tân Minh (Hàm Tân, cách TP Phan Thiết khoảng 60 km) để đưa hai nhân chứng này đến tòa. Đến 10 giờ 5 phút, phiên tòa mới khai mạc.

Hung thủ luôn bị ám ảnh bởi tội ác

Theo cáo trạng, ngày 23-4-1998, Thọ cùng Hồ Thanh Việt đột nhập vào nhà bà Bông ở xã Tân Minh định trộm tài sản thì bị bà Bông phát hiện. Do quen mặt nên cả hai đã dùng dây siết cổ bà Bông đến chết rồi lột chiếc nhẫn một chỉ vàng trong tay nạn nhân. Sau đó, cả hai về kể lại cho bạn là anh Nguyễn Phúc Thành nghe và Thọ nhờ anh Thành gọi xe ôm chở sang huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) bán vàng rồi bỏ trốn.

Hơn 20 ngày sau khi vụ án xảy ra, CQĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nén vì cho rằng ông Nén là hung thủ. Mãi đến năm 2000, nghe tin ông Nén có thể bị kết án tử hình, anh Nguyễn Phúc Thành (lúc này đang thụ án tại trạm giam Sông Cái, Ninh Thuận về tội cố ý gây thương tích) đã làm đơn tố cáo Thọ và Việt mới chính là hung thủ. Tuy nhiên, CQĐT đã bỏ qua, không xác minh.

Sau đó, Việt bị chết vì bệnh nan y, riêng Thọ bỏ trốn đi nhiều nơi, thay tên đổi họ, lấy vợ sinh con, thậm chí còn gây án và bị phạt tù về tội cố ý gây thương tích. Ngày 20-10-2015, Thọ bất ngờ đầu thú sau khi bị CSGT huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) mời về trụ sở làm việc vì đi xe máy không có giấy tờ.

Tại phiên tòa, Thọ kể vanh vách, mô tả lại hành vi của mình và Việt khi đột nhập vào nhà, ra tay sát hại bà Bông cướp vàng và hành trình bỏ trốn giống như cáo trạng đã nêu. Trong lúc chủ tọa phiên tòa tập trung thẩm vấn về hai sợi dây, hai con dao tại hiện trường và hành vi của từng người khi sát hại nạn nhân, con gái bà Bông đã bức xúc, òa khóc định lao vào bị cáo nhưng lực lượng cảnh sát bảo vệ đã kịp thời ngăn cản.

Bị cáo Nguyễn Thọ đang bị dẫn giải. Ảnh: P.NAM

Trong phần tranh tụng, luật sư của gia đình bà Bông đã thẩm vấn Thọ, xoáy vào các chi tiết về cách thức gây án của Thọ và Việt. Thọ trả lời khá rõ ràng giống như trước đó đã trả lời HĐXX. Khi luật sư hỏi trong thời gian lẩn trốn có nghe chuyện ông Huỳnh Văn Nén bị kết án oan trong vụ án bà Bông mà Thọ và Việt thực hiện hay không, Thọ nói mình hoàn toàn không biết. Luật sư truy vì sao lại đầu thú khi bị Công an huyện Hồng Ngự bắt khi đi xe máy không có giấy tờ, Thọ nói tội ác mà mình gây ra quá lớn, luôn bị ám ảnh nên muốn đầu thú để nhẹ lòng. Thọ cho biết đã viết thư gửi về cho vợ và cha mẹ, mong muốn mọi người đến gia đình bà Bông để xin lỗi giúp Thọ.

Về phần bồi thường dân sự, Thọ cho rằng Việt cùng mình gây ra tội ác nên trách nhiệm phải chia đều cho nhau.

Tranh cãi về tình tiết giảm nhẹ

Theo đại diện VKSND tỉnh Bình Thuận, trong vụ án, Thọ khai còn có Việt tham gia nhưng Việt đã chết từ năm 2011 nên không có cơ sở, căn cứ để xử lý. Hành vi phạm tội của Thọ là mất nhân tính nhưng Thọ có nhiều tình tiết giảm nhẹ như đầu thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Từ đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX phạt Thọ 20 năm tù về tội giết người; 3-4 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt chung là 20 năm tù.

Không đồng tình, luật sư của gia đình bà Bông cho rằng Thọ không có tình tiết nào giảm nhẹ. Cụ thể, việc các cơ quan tố tụng cho rằng Thọ đầu thú tại Công an huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) là chưa đúng bởi Thọ không tự nguyện đến cơ quan công an mà bị mời về trụ sở do đi xe máy không giấy tờ. Cạnh đó, việc Thọ khai khi bỏ trốn không hề biết ông Nén bị kết án oan là ngụy biện bởi vụ án oan của ông Nén là vụ việc được báo chí trong cả nước liên tục thông tin, Thọ phải khai tên đổi họ để lẩn trốn. Vì vậy, luật sư đề nghị HĐXX xem xét tăng mức hình phạt đối với Thọ.

Đáp lại, đại diện VKS cho rằng việc Thọ bị CSGT huyện Hồng Ngự kiểm tra, mời về làm việc vì không xuất trình được giấy tờ xe chỉ là hành vi vi phạm hành chính. Tuy nhiên, vì muốn trở lại tên Nguyễn Thọ thay vì dưới cái tên vỏ bọc nhiều năm Phạm Văn Khanh, hơn nữa biết tội ác của mình gây ra sớm muộn gì cũng bị phát hiện nên Thọ đã chủ động đầu thú. Đây là tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật.

Khi HĐXX vào nghị án, nhân chứng Nguyễn Phúc Thành đã chủ động đến vỗ vai Thọ, khuyên người bạn cũ nên cố gắng cải tạo để sớm trở về với gia đình. Theo anh Thành, Thọ hoàn toàn không trách móc gì anh khi biết anh làm đơn tố giác Thọ. “Tội ác ai làm nấy chịu chứ không thể để người khác chịu tội thay như ông Nén” - anh Thành nói. Cũng theo anh Thành, trước đây trong những lần được CQĐT mời ra đối chất, anh đều gửi tiền mỗi lần vài ba trăm ngàn cho Thọ vì dù sao Thọ cũng là bạn bè cũ và đã biết ăn năn hối hận về tội ác của mình.

Cuối cùng, HĐXX đã tuyên phạt Thọ 20 năm tù về tội giết người theo điểm e khoản 1 Điều 101 BLHS 1985 (giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội nghiêm trọng khác), ba năm tù về tội cướp tài sản theo khoản 1 Điều 151 BLHS 1985. Tổng hợp hình phạt chung mà Thọ phải chấp hành là 20 năm tù (BLHS 1985 quy định mức tổng hợp hình phạt tù có thời hạn tối đa chỉ là 20 năm tù). Ngoài ra, Thọ còn có trách nhiệm bồi thường cho gia đình bà Bông hơn 170 triệu đồng.

Ông Nén bị ám ảnh bởi cái vành móng ngựa


Ông Huỳnh Văn Nén phải bỏ ra ngoài phòng xử vì bị ám ảnh. Ảnh: P.NAM

Sáng qua, dù không được tòa mời nhưng ông Huỳnh Văn Nén vẫn vượt hơn 60 km từ nơi sinh sống đến theo dõi phiên tòa trong tâm trạng khá vui vẻ. Tuy nhiên, vào phòng xử ngồi chưa nóng chỗ, ông Nén đã phải bỏ ra ngoài. Ông cho biết mình bị ám ảnh bởi không khí phiên tòa cùng chiếc vành móng ngựa mà ông đã phải gần chục lần đối diện trong những năm tháng bị oan trước đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới