Vụ án Trần Hùng và nguyên tắc suy đoán vô tội

(PLO)- Trong vụ án Trần Hùng có cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội; nếu chỉ chấp nhận chứng cứ buộc tội và bác bỏ chứng cứ gỡ tội thì liệu nguyên tắc suy đoán vô tội có được đảm bảo?!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vụ án sách giả vừa tạm khép lại bằng bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên y án chín năm tù đối với bị cáo Trần Hùng về tội nhận hối lộ. Bản án này có hiệu lực pháp luật ngay, song dư âm của vụ án thì vẫn còn, không chỉ trong giới luật học, nhất là khi soi rọi nó dưới nguyên tắc suy đoán vô tội.

tran-hung-1.jpg
Ông Trần Hùng tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: PHI HÙNG

Nguyên tắc hiến định và luật định

Lần đầu tiên nguyên tắc suy đoán vô tội được TS luật học Cesare Beccaria phân tích trong cuốn sách in bằng tiếng Ý vào năm 1764 với tựa đề Về tội phạm và hình phạt (Dei Delitti e delle Pene). Nội dung của nguyên tắc được thể hiện như sau: “Không ai có thể bị coi là kẻ phạm tội khi còn chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật”. Cuốn sách này tuy chỉ khoảng 100 trang nhưng chứa đựng rất nhiều nguyên tắc quan trọng, làm nền tảng cho chính sách hình sự nhân đạo trong tương lai.

Hơn 20 năm sau, vào năm 1789, Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của nước Pháp tại Điều 9 cũng một lần nữa khẳng định nguyên tắc này: “Một người được coi là vô tội khi anh ta còn chưa bị tuyên là có tội bởi tòa án”.

Đến năm 1948, tức gần 200 năm sau, Tuyên ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc đã chính thức ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội. Theo đó, Điều 11 Tuyên ngôn nhân quyền ghi nhận: “Bất kỳ người nào bị cáo buộc thực hiện một hành vi phạm tội đều được xem là vô tội đến khi tội của người đó được chứng minh theo thủ tục luật định trong một phiên tòa công khai với sự bảo đảm cho người đó tất cả khả năng cần thiết cho việc bào chữa”.

Trên bình diện quốc tế, bắt đầu từ năm 1948, nguyên tắc suy đoán vô tội được thừa nhận rộng rãi với các nội dung cốt yếu: i) người bị buộc tội được coi là không có tội cho tới khi bị kết tội bởi một bản án có hiệu lực pháp luật; ii) cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không được đối xử với người bị buộc tội như người phạm tội, không được định kiến, thiên lệch khi giải quyết vụ án; iii) việc chứng minh tội phạm phải được thực hiện theo một thủ tục nghiêm ngặt do luật tố tụng hình sự quy định; iv) việc kết tội một người phải dựa trên những chứng cứ xác thực đã được kiểm tra, xác minh công khai tại phiên tòa và không còn bất cứ sự nghi ngờ nào; v) trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về bên buộc tội, người bị buộc tội có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh, mọi sự nghi ngờ không chứng minh được theo thủ tục luật định phải được xử lý theo hướng có lợi cho người bị buộc tội; vi) khi không đủ căn cứ chứng minh tội phạm theo thủ tục luật định thì phải kết luận người bị buộc tội không có tội, các quyền và lợi ích hợp pháp của họ phải được khôi phục theo quy định của pháp luật.

Ở bình diện quốc gia, nguyên tắc này được thể hiện tại khoản 1 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 và Điều 13 BLTTHS năm 2015.

Thủ tục phá án

Bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Tuy nhiên, theo quy định tại Chương XXV và Chương XXVI BLTTHS năm 2015, bản án này nếu bị Chánh án TAND Tối cao hoặc Viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án thì sẽ được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

Trường hợp bản án phúc thẩm nêu trên bị Viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị theo thủ tục tái thẩm vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án mà tòa án không biết được khi ra bản án thì sẽ được xem xét lại theo thủ tục tái thẩm.

LS TRẦN VĂN GIỚI, Đoàn LS TP.HCM

vụ án trần hùng
Ông Trần Hùng luôn kêu oan. Ảnh: PHI HÙNG

Chứng cứ kết tội chưa vững chắc

Trở lại vụ án Trần Hùng, tối 23-1-2024, sau hai ngày xét hỏi và tranh tụng, HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên y án chín năm tù đối với ông Trần Hùng (cựu cục phó Cục Quản lý thị trường, cựu tổ trưởng tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường) về tội nhận hối lộ. Trước đó, trong phiên xét xử sơ thẩm, ông Trần Hùng đã bị tòa án tuyên phạt chín năm tù với cáo buộc nhận hối lộ 300 triệu đồng nhằm “bảo kê” cho đường dây sách giáo khoa giả do bà Cao Thị Minh Thuận cầm đầu.

Những người được xác định là nhân chứng đều thừa nhận không chứng kiến việc Nguyễn Duy Hải cầm tiền đưa ông Trần Hùng, không thấy ông Trần Hùng nhận; họ chỉ xác nhận thấy Hải cầm một bọc nylon, chứ không nhìn thấy chính xác đó là tiền.

Đáng chú ý, luật sư (LS) viện dẫn dữ liệu từ cột sóng điện thoại cho thấy trong khoảng thời gian từ 13 giờ 10 đến 13 giờ 15 ngày 15-7-2020, điện thoại của ông Hùng nổi sóng ở khu vực nhà riêng tại quận Ba Đình, Hà Nội. Theo logic thông thường, điện thoại cầm tay ở đâu thì chủ nhân sẽ ở đó nên LS khẳng định ông Trần Hùng ở quận Ba Đình, Hà Nội. Điều này đồng nghĩa ông Hùng có chứng cứ ngoại phạm, không hề có mặt tại phòng làm việc ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trong khoảng thời gian từ 13 giờ 10 đến 13 giờ 15 để nhận 300 triệu đồng như cáo buộc.

Đặc biệt, trong quá trình điều tra, Nguyễn Duy Hải có gần 10 lần khai về thời gian đưa tiền cho ông Hùng, các lời khai liên tục thay đổi và mâu thuẫn với nhau.

Trái ngược với lập luận của LS, VKS bảo lưu quan điểm và cho rằng “cột sóng điện thoại ở đó không có nghĩa là người cũng ở đó”. Thế nhưng việc chứng minh ông Trần Hùng có để điện thoại một nơi và đến nơi khác để gặp Hải (và nhận tiền) đã không được thực hiện. Một điều đáng quan tâm là dữ liệu cột sóng điện thoại của ông Hải và ông Hùng được VKS dùng để xác định thời điểm, địa điểm đưa nhận tiền nhưng khi dữ liệu cột sóng được LS sử dụng để gỡ tội cho ông Hùng thì VKS lại xác định không đủ căn cứ xác định con người (tức ông Hùng) ở đó.

Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực và buộc phải nghiêm chỉnh tuân thủ. Thế nhưng, với những lý lẽ mà LS đã đưa ra, rất khó để chứng minh rằng ông Trần Hùng đã nhận 300 triệu đồng.

Chứng cứ gỡ tội và nguyên tắc suy đoán vô tội

Điều 2 BLTTHS năm 2015 quy định nhiệm vụ của tố tụng hình sự là phải bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Hòa cùng xu thế dân chủ hóa, quyền con người, quyền công dân ngày càng được xem trọng thì BLTTHS đã đề cao nguyên tắc “không bỏ lọt tội phạm”, đồng thời “không làm oan người vô tội”. Đây là những mục đích mang tính lý tưởng mà cơ quan tiến hành tố tụng luôn hướng đến, nếu chỉ thiên về nguyên tắc này thì nguyên tắc kia dễ có khả năng không đảm bảo.

Trong vụ án Trần Hùng, với phán quyết của hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm (phạt ông Hùng 9 năm tù về tội nhận hối lộ), rõ ràng nguyên tắc “không bỏ lọt tội phạm” đã được thực thi. Tuy nhiên, liệu rằng kết quả ấy có đảm bảo nguyên tắc “không làm oan người vô tội” khi mà chứng cứ buộc tội vẫn còn gây nhiều tranh cãi?!

Ngoài ra, với việc không chấp nhận các chứng cứ gỡ tội hay không chứng minh để bác bỏ các luận điểm bào chữa của LS, dư luận cũng khó có thể cho rằng nguyên tắc suy đoán vô tội đã được đề cao trong vụ án này.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay sau khi tòa tuyên án và nó luôn được tôn trọng. Song trong nhiều trường hợp, để đảm bảo công lý, cơ quan tố tụng cấp trên vẫn tiến hành thủ tục giám đốc thẩm để vụ án được xem xét một cách khách quan, toàn diện.

Tình tiết mới tại phiên phúc thẩm chưa được làm rõ

Tại phiên tòa phúc thẩm còn xuất hiện một tình tiết mới, đó là văn bản xác nhận của người từng bị giam chung phòng với bị cáo Trần Hùng. Người này xác nhận Nguyễn Văn Hải có kể việc Hải đưa tiền nhưng ông Hùng không nhận và đuổi ra ngoài, Hải buộc phải khai bất lợi cho Trần Hùng vì một số lý do...

VKS và tòa án không sử dụng tình tiết này làm chứng cứ vì cho rằng hình thức không hợp pháp.

Căn cứ Điều 353 BLTTHS năm 2015 thì tất cả chứng cứ, tài liệu, đồ vật cũ và mới đều phải được xem xét tại phiên tòa phúc thẩm và bản án phúc thẩm phải căn cứ vào cả chứng cứ cũ và chứng cứ mới.

Văn bản xác nhận của người giam chung phòng với ông Hùng rõ ràng không phải là nguồn chứng cứ hợp pháp. Theo Điều 104 BLTTHS, văn bản này cũng không phải là tài liệu khác trong vụ án. Do đó, tòa án không sử dụng tình tiết nêu trên để giải quyết vụ án là hoàn toàn có căn cứ và đúng quy định.

Tuy nhiên, tòa án hoàn toàn có thể vận dụng Điều 352 BLTTHS để hoãn phiên tòa phúc thẩm nhằm triệu tập người giam chung phòng với ông Hùng, triệu tập Hải đến phiên tòa để thẩm tra tình tiết mới hoặc để có thời gian xác minh, thu thập lại lời trình bày của người này tại cơ sở giam giữ, có thể cho đối chất với Hải nếu cần thiết, căn cứ kết quả thẩm tra sẽ có hướng giải quyết phù hợp. Lúc đó, phán quyết về vụ án có lẽ sẽ thuyết phục hơn.

LS PHẠM VIẾT DŨNG, nguyên điều tra viên trung cấp, Đoàn LS tỉnh Bình Thuận

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm