Vụ bà Nguyễn Phương Hằng: VKS đối đáp việc vụ án không có ai là bị hại

(PLO)- Luật sư nêu vấn đề vụ án Nguyễn Phương Hằng không có tổ chức, cá nhân nào là bị hại thì có thỏa mãn cấu thành tội phạm, đại diện VKS cho rằng có những tội danh sẽ không có bị hại cụ thể...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 4-4, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm.

Vụ án này, bị cáo Đặng Anh Quân (tiến sĩ luật), Nguyễn Thị Mai Nhi (trợ lý của bà Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty CP Đại Nam), Huỳnh Công Tân (trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam) kháng cáo, bà Nguyễn Phương Hằng không kháng cáo, hiện đang chấp hành bản án sơ thẩm.

nguyễn phương hằng
Bà Nguyễn Phương Hằng tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: TẤN LỰC

Tại tòa, đối đáp lại quan điểm của các luật sư, đại diện VKS cho rằng các bị cáo đã có hàng chục buổi livestream (hơn hai lần) với các chủ đề được chuẩn bị từ trước, từng bị cáo Quân, Nhi, Hà, Tân có những vai trò nhất định trong các buổi livestream.

Do đó, đây là hành vi phạm tội thuộc trường hợp có tổ chức vì có sự liên kết chặt chẽ với nhau, có hàng triệu người xem và theo dõi trên môi trường mạng, gây ảnh hưởng xấu đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.

“Các luật sư nói các bị cáo thuộc trường hợp đồng phạm giản đơn là không hợp lý”, đại diện VKS nêu quan điểm.

VKS khẳng định các bị cáo phạm tội nhiều lần, vì vậy, theo Nghị quyết 02/2018 của TAND Tối cao (về hướng dẫn áp dụng án treo) thì các bị cáo không đủ điều kiện để áp dụng án treo.

VKS cũng nhấn mạnh việc bị cáo Quân biết rõ động cơ, mục đích các buổi livestream của bà Hằng là xúc phạm người khác nhưng bị cáo vẫn nhiều lần tham gia với bà Hằng. Do đó, bị cáo Quân là đồng phạm giúp sức cho bà Hằng.

Luật sư của bà Đinh Thị Lan (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án) cho rằng trong ba tội theo các Điều 331 BLHS (tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân), Điều 155 BLHS (tội làm nhục người khác), Điều 156 BLHS (tội vu khống) thì tội danh theo Điều 331 BLHS không phải là tội nặng hơn như quan điểm của cấp sơ thẩm.

Do đó, việc xử lý bà Hằng và đồng phạm theo tội danh của Điều 331 BLHS là không thỏa đáng, có dấu hiệu vi phạm tố tụng, không đúng với hướng dẫn của TAND Tối cao.

“Trong vụ án này, không có tổ chức hay cá nhân nào là bị hại vậy thì có thỏa mãn cấu thành tội phạm, hành vi của các bị cáo có phải là tội phạm?”, LS của bà Lan đặt vấn đề.

Theo VKS, lý do để xử lý các bị cáo Điều 331 BLHS vì tội danh này trong cấu thành tội phạm có khách thể quan trọng cần phải bảo vệ.

Nếu xử lý theo tội danh Điều 156 BLHS thì các bị cáo phải phạm vào khoản 3 của Điều này mới nặng hơn Điều 331 BLHS. Tuy nhiên, các bị cáo chỉ phạm vào khoản 2 nên áp dụng Điều 331 BLHS là phù hợp.

Còn áp dụng khoản 2 Điều 155 BLHS thì rõ ràng tội danh này nhẹ hơn Điều 331 BLHS.

Theo đại diện VKS, có những tội danh sẽ không có bị hại cụ thể.

Sau phần tranh luận, các bị cáo có kháng cáo đã nói lời sau cùng, trình bày những khó khăn của bản thân và gia đình... mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm