Vụ bệnh viện Thủ Đức: Cơ quan CSĐT Bộ Công an kiến nghị về 'kiểm soát quyền lực' người đứng đầu

(PLO)- Sau vụ án cựu giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức và 7 đồng phạm vi phạm đấu thầu, Bộ Công an đưa ra nhiều kiến nghị ''kiểm soát quyền lực'' đối với người đứng đầu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như PLO đã thông tin, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án vi phạm đấu thầu xảy ra tại BV TP Thủ Đức (TP.HCM), đề nghị truy tố tám bị can về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo Kết luận điều tra, cựu Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức Nguyễn Minh Quân đã thành lập 3 công ty sân sau, giao cho Nguyễn Văn Lợi đứng tên rồi tham gia đấu thầu các gói thầu mua sắm trang thiết bị để thông thầu.

Kết quả nhóm công ty này đã trúng 27 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế vào Bệnh viện TP Thủ Đức.

Cựu Giám đốc BV TP Thủ Đức Nguyễn Minh Quân (trái) và Nguyễn Văn Lợi

Cựu Giám đốc BV TP Thủ Đức Nguyễn Minh Quân (trái) và Nguyễn Văn Lợi

Bị can Nguyễn Minh Quân được xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu, thực hiện hành vi với động cơ vụ lợi. Bị can được hưởng lợi hơn 103 tỉ đồng từ việc sử dụng nhóm công ty “sân sau” trúng thầu.

CQĐT Bộ Công an xác định sai phạm tại Bệnh viện Thủ Đức xuất phát hoàn toàn từ hành vi của các cá nhân tại bệnh viện và nhà thầu, không có hành vi thông đồng, bao che từ các cơ quan quản lý.

Theo đánh giá của CQĐT Bộ Công an, tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến đấu thầu mua sắm các thiết bị y tế diễn ra rất phức tạp, nhất là các vụ xảy ra tại các bệnh viện lớn đã được phát hiện, khởi tố và điều tra. Bộ Công an nhận thấy, nguyên nhân chính là do các bị can đã lợi dụng chủ trương tự chủ tài chính, thâu tóm, lũng đoạn hoạt động đấu thầu trong bệnh viện…

Ngoài ra, Luật Đấu thầu đã có hướng dẫn với các thông tư, nghị định nhưng còn mang tính chung chung, chưa có hướng dẫn chi tiết cho từng hạng mục cụ thể. Thiết bị y tế được xem là “mặt hàng đặc thù” nhưng đang quy định đấu thầu như hàng hóa thông thường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp câu kết với bệnh viện lợi dụng để nâng giá, hưởng lợi bất hợp pháp.

Một số vấn đề trong hoạt động đấu thầu như trang thiết bị y tế chỉ phân nhóm, chưa chỉ rõ nhà sản xuất và giá đi kèm trên cơ sở công khai giá nhập khẩu; các yêu cầu cấu hình, phần cứng, phần mềm, thời gian bảo dưỡng, bảo trì, thời điểm mua sắm… đều có tác động đến giá sản phẩm. Điều này có thể tạo ra những kẽ hở để trục lợi, lách luật, đẩy giá trang thiết bị, vật tư y tế lên cao.

Từ những nguyên nhân trên, CQĐT Bộ Công an kiến nghị tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống các bệnh viện trong hoạt động đấu thầu.

Đặc biệt là các bệnh viện đang áp dụng hình thức tự chủ về tài chính, nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn sai phạm, tránh tình trạng vi phạm mới bị phát hiện, xử lý.

Kết luận điều tra nhấn mạnh cơ quan có thẩm quyền cần nâng cao năng lực “kiểm soát quyền lực” của người đứng đầu. Đồng thời, nghiên cứu đưa một số mặt hàng trang thiết bị y tế vào mặt hàng bình ổn và quản lý giá, không để các doanh nghiệp câu kết, nâng giá các sản phẩm.

Bộ Y tế cần tổng hợp dữ liệu về trang thiết bị trong toàn quốc, công khai giá trần, giá sàn chi tiết của các trang thiết bị. Điều này vừa ngăn chặn các công ty thổi giá, vừa chặn đứng ý định móc nối, bắt tay nhau giữa các cá nhân để trục lợi, tránh sai sót trong công tác mua sắm trang thiết bị y tế và bảo vệ nhân sự của ngành y trong trường hợp không cố ý làm sai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm