Ngày 22-1, phiên sơ thẩm xét xử vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến chín người tử vong tại Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục với phần tranh luận giữa đại diện VKS cùng các luật sư (LS) và bị cáo.
“Đừng đổ cho người nọ người kia”
Phiên tranh luận bắt đầu bằng trường hợp của bị cáo Trương Quý Dương, cựu giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Bào chữa cho ông Dương, LS Đỗ Quốc Quyền cho rằng VKS buộc tội thân chủ mình là khiên cưỡng, thiếu căn cứ. Bởi với vai trò, trách nhiệm người đứng đầu BV, bị cáo đã làm đúng, đủ, có trách nhiệm, dù có thừa nhận là chưa tốt. LS Quyền cho rằng đối với việc xây dựng và ban hành quy định về vận hành, bảo quản kỹ thuật sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO, BV không thể xây dựng được vì chưa được hướng dẫn của Bộ Y tế. Sau khi sự cố y khoa đau lòng xảy ra, ông Dương đã nhận trách nhiệm trước pháp luật. Việc cách chức giám đốc của ông đã là nặng nề, đủ sức răn đe…
Đáng chú ý, LS của cựu giám đốc BV cũng đề nghị phải xem xét trách nhiệm của ông Hoàng Công Tình, trưởng khoa Hồi sức tích cực, nhằm bảo đảm sự công bằng đối với các bị cáo khác.
Tự bào chữa cho mình, bị cáo Trương Quý Dương cơ bản đồng ý với ý kiến của các LS. Cựu giám đốc BV nói bản thân có trách nhiệm trong sự cố y khoa nên không khẳng định oan hay không oan, tội nặng hay nhẹ, “nếu phải nhận tội để cảnh tỉnh người khác thì sẵn sàng”.
Tuy nhiên, bị cáo nói “rất buồn, là anh em, đồng nghiệp nói với nhau như vậy là không được” (ý nói các bị cáo khác - PV). Ông Dương cho hay bản thân làm giám đốc từ năm 2009 cho đến khi bị cách chức chưa bao giờ nhận được quyết định nào giao thiết bị cho đích danh giám đốc mà chỉ phân cho BV, sau đó BV phân cho khoa... “Không có văn bản nào quy định ông là giám đốc quản lý nhưng phải làm bước 1, bước 2, bước 3. Quản lý là quản lý chung chứ không thể nói là làm bước 1, bước 2. Từng vị trí phải thấy trách nhiệm của mình, đừng đổ cho người nọ người kia…” - ông Dương nói.
Bị cáo cho rằng quy chế BV nói phải ban hành quy chế vận hành, sử dụng trang thiết bị nhưng không có nghĩa là với 100% trang thiết bị khi một BV có tới 5.000-6.000 trang thiết bị. “Bản luận tội của VKS là có cơ sở nhưng xin HĐXX và VKS hãy lấy tính đặc thù, đặc biệt của ngành y, cả thế giới mới có một vụ để soi xét vào đây…” - ông Dương kết thúc phần tự bào chữa.
Đối đáp lại, đại diện VKS khẳng định những cáo buộc của mình là có cơ sở. Trong đó việc ban hành quy chế vận hành, sử dụng có thể không đến từng trang thiết bị nhưng BV phải có hành lang pháp lý để cho nhân viên biết được đâu là điều kiện an toàn. Thực tế, hầu hết điều dưỡng viên của đơn nguyên thận nhân tạo không biết phải xét nghiệm nguồn nước trước khi vận hành sau sửa chữa hệ thống RO.
Bị cáo Trương Quý Dương (trái) và Hoàng Đình Khiếu tại tòa. Ảnh: TUYẾN PHAN
“Một người làm sai sẽ ảnh hưởng cả hệ thống”
Bào chữa cho bị cáo Hoàng Đình Khiếu (cựu phó giám đốc BV), LS Bùi Việt Anh cho rằng việc truy cứu trách nhiệm đối với thân chủ của mình là không có căn cứ. Bản luận tội chỉ dựa vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, không đánh giá khách quan và toàn diện, chỉ tập trung bằng việc phân tích, đánh giá những chứng cứ buộc tội đối với bị cáo.
“Bản luận tội hầu như sao chép từ cáo trạng, về nguyên tắc luận tội là phải căn cứ vào diễn biến phiên tòa, tôi rất mong muốn VKS sẽ có những đối đáp cụ thể, chi tiết đến cùng với những nội dung, luận cứ mà chúng tôi đưa ra tại phiên tòa hôm nay” - LS này nói.
Theo LS, kết quả công khai tại phiên tòa cho thấy bị cáo Khiếu hoàn toàn không biết nội dung sửa chữa hệ thống RO số 2. Đề xuất sửa chữa RO số 2 mà bị cáo Hoàng Đình Khiếu ký, phê duyệt cũng chỉ đề xuất chung chung rằng sửa chữa hệ thống RO số 2, không thể hiện chi tiết hạng mục cần sửa là gì.
Đối với cáo buộc không có kỹ thuật viên, LS cho rằng không đúng, bởi tại đơn nguyên thận nhân tạo đã có điều dưỡng được chuyển giao kỹ thuật lọc máu, làm công việc như kỹ thuật viên. Tại các phiên tòa cũng làm rõ trách nhiệm bàn giao hệ thống RO giữa phòng vật tư và đơn nguyên chưa được thực hiện, do vậy không thể nói đến việc phòng vật tư chuyển giao cho khoa Hồi sức tích cực…
Đến lượt mình, cựu phó giám đốc BV cho biết theo quy chế khoa Lọc máu thì trách nhiệm bảo đảm nguồn nước thuộc về trưởng khoa nhưng trên thực tế, đơn nguyên thận nhân tạo không phải là khoa mà chỉ nằm trong khoa Hồi sức tích cực. Do không phải là kỹ sư, bị cáo đã giao cán bộ của khoa theo dõi hằng ngày, nếu có hỏng hóc thì phải báo cáo để đảm bảo chạy thận cho người bệnh. Bị cáo cũng cử người đi học và được chuyển giao kỹ thuật tại BV Bạch Mai. Kể từ khi thành lập đơn nguyên đã bảy năm mới xảy ra sự cố, trước thời điểm này mọi hoạt động đều theo chuyển giao của BV Bạch Mai và chưa xảy ra sự cố gì.
“Ngày 29-5-2017 là sự cố y khoa hy hữu, chỉ cần một người làm không đúng là sẽ ảnh hưởng tới cả hệ thống, vì vậy mong HĐXX xem xét một cách toàn diện” - bị cáo Khiếu nói.
“Gia đình nạn nhân cần nhìn nhận khách quan” Trong bản luận tội của mình, ngoài việc đề nghị mức án đối với các bị cáo, đại diện VKS cũng đưa ra rất nhiều vấn đề đáng quan tâm. Theo cơ quan công tố, với vụ án này, các cơ quan truyền thông cần đưa thông tin đầy đủ, chính xác. Người đọc cũng cần sáng suốt lựa chọn thông tin, tránh tình trạng cổ súy những thông tin phiến diện, một chiều. “Đặc biệt, các gia đình nạn nhân trong sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng nói trên cũng cần có những góc nhìn khách quan, toàn diện” - đại diện VKS nói. Đại diện VKS khẳng định mỗi gia đình nạn nhân đều có quyền đưa ra quan điểm của mình về việc xử lý đối với các bị cáo trong vụ án. Tuy nhiên, việc cho rằng bị cáo vô tội trong khi các cơ quan tiến hành tố tụng đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử là nguy cơ dẫn đến các hành vi tương tự phát sinh; quyền được đảm bảo an toàn của những người bệnh khác bị xâm phạm. |