Vụ BS Lương: 'Các gia đình nạn nhân cần nhìn nhận khách quan'

Sau khi kết thúc phần xét hỏi, đại diện VKS đã trình bày bản luận tội đối với các bị cáo trong vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến chín người tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Hoàng Công Lương bị đề nghị từ 36-42 tháng tù về tội vô ý làm chết người. Ảnh: TP

Theo đó, cơ quan công tố đề nghị HĐXX tuyên phạt Hoàng Công Lương (cựu bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực) 36-42 tháng tù; Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) 4-5 năm tù cùng về tội vô ý làm chết người.

Các bị cáo Trương Quý Dương (cựu Giám đốc BV) 30-36 tháng tù, Hoàng Đình Khiếu (cựu Phó giám đốc BV) 36-42 tháng tù, Trần Văn Thắng (cựu Trưởng phòng Vật tư) 36-42 tháng tù, Trần Văn Sơn (cựu cán bộ Phòng Vật tư) 42-48 tháng tù và Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn) 36-42 tháng tù cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đáng chú ý, trong bản luận tội của mình, ngoài việc đề nghị mức án đối với các bị cáo, đại diện VKS cũng đưa ra rất nhiều vấn đề đáng quan tâm.

Theo cơ quan công tố, với vụ án này, các cơ quan truyền thông cần đưa thông tin đầy đủ, chính xác. Người đọc cũng cần sáng suốt lựa chọn thông tin, tránh tình trạng cổ súy những thông tin phiến diện, một chiều.

Đặc biệt, các gia đình nạn nhân trong sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng nói trên cũng cần có những góc nhìn khách quan, toàn diện.

Đại diện VKS khẳng định mỗi gia đình nạn nhân đều có quyền đưa ra quan điểm của mình về việc xử lý đối với các bị cáo trong vụ án. Tuy nhiên, việc cho rằng bị cáo “vô tội” trong khi các cơ quan tiến hành tố tụng đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử là nguy cơ dẫn đến các hành vi tương tự phát sinh; quyền được đảm bảo an toàn của những người bệnh khác bị xâm phạm.

Trước đó, trong phần xét hỏi, đại diện gia đình các nạn nhân ngoài việc yêu cầu mức bồi thường thiệt hại còn đề nghị HĐXX tuyên Hoàng Công Lương vô tội; giảm án cho ba bị cáo Bùi Mạnh Quốc, Trần Văn Sơn và Đỗ Anh Tuấn; xử lý nghiêm theo quy định đối với ba bị cáo còn lại là Trương Quý Dương, Hoàng Đình Khiếu và Trần Văn Thắng.

Đây không phải lần đầu tiên quan điểm cho rằng bị cáo Lương vô tội được đưa ra. Tại phiên sơ thẩm hồi tháng 5-2017 cũng như quá trình tố tụng sau đó, gia đình các nạn nhân nhiều lần khẳng định điều này. Họ cho rằng nguyên nhân dẫn tới cái chết của chín nạn nhân là do tồn dư hóa chất chứ không phải do việc điều trị của bác sĩ, tức không phải do bị cáo Lương gây ra.

Đại diện 18 gia đình nạn nhân (bao gồm cả những gia đình có người thân bị ảnh hưởng sức khỏe) còn cùng nhau ký tên trong lá đơn gửi tới các cơ quan chức năng để “xem xét trả tự do” cho Hoàng Công Lương.

Lẽ ra đã có cánh cửa ngăn chặn sự cố

Cũng theo đại diện VKS, quá trình điều tra xác định có đủ căn cứ cho thấy Bộ Y tế, Sở Y tế và BV đa khoa tỉnh Hòa Bình có sự buông lỏng trong quản lý nhà nước đối với hoạt động chữa bệnh bằng kỹ thuật thận nhân tạo, là một phần nguyên nhân dẫn tới sự cố y khoa. Tuy nhiên, cơ quan công tố cũng cho rằng thực tế không phải là hoàn toàn không có các quy định để thực hiện đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Các bị cáo bị truy tố trong vụ án này đều là những người trực tiếp thực hiện hoặc được giao thực hiện nhiệm vụ có ảnh hưởng đến sự an toàn của người bệnh. Nếu mỗi bị cáo đều thực hiện đúng, đầy đủ và triệt để trách nhiệm của mình, thực hiện đúng “lương y như từ mẫu”, đặt sự an toàn của người bệnh lên trên hết thì đều là một trong những cánh cửa để ngăn chặn sự cố y khoa xảy ra, hoặc ít nhất là trách nhiệm của các bị cáo cũng được loại trừ.

Để những sự cố y khoa nghiêm trọng tương tự không xảy ra, ngoài việc kiến nghị với các Bộ, ngành chủ quản liên quan, việc xử lý nghiêm minh, áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc, phù hợp với vai trò, vị trí của từng bị cáo trong vụ án cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm cảnh tỉnh, răn đe và phòng ngừa chung.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm