Đã tròn sáu năm kể từ ngày bà Hứa Cẩm Tú (ngụ huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) bị cắt hết thận mà không biết. Và cũng hơn bốn năm bà khởi kiện BV đa khoa TP Cần Thơ yêu cầu đòi bồi thường do sức khỏe bị xâm hại. Vụ án đã được xét xử sơ thẩm nhưng phiên tòa phúc thẩm mới đây đã quyết định hoãn xử để bổ sung thêm chứng cứ…
Pháp Luật TP.HCMđã có cuộc trao đổi với luật sư (LS) Nguyễn Trường Thành, đại diện theo ủy quyền của BV tham gia vụ kiện, xung quanh các vấn đề quan điểm của BV trong vụ việc này.
Bệnh viện: Quy trình mổ là đúng
. Phóng viên: Quan điểm của phía BV tại tòa vẫn cho rằng đó là tai biến y khoa?
+ LS Nguyễn Trường Thành: Quan điểm BV cho là tai biến chủ yếu bởi hai lý do. Thứ nhất, về mặt y học, bệnh nhân có thận móng ngựa là một dị tật bẩm sinh, khi vào khám tại BV đa khoa TP Cần Thơ thì nếu đánh giá trên phim CT quả thận này đã bị hư. Cho nên về y học đã quyết định phải mổ. Việc một thận bị hư và phải mổ cắt bỏ thận ấy là không cần tranh cãi, về quy trình là đúng rồi.
Thứ hai có vấn đề còn tranh cãi, tức là chẩn đoán thận móng ngựa. Kết quả đánh giá của hội đồng chuyên môn có một nhận định là bác sĩ (BS) chẩn đoán hình ảnh và BS phẫu thuật chưa nhận định được đây là thận hình móng ngựa. Cho nên lỗi ở đây là lỗi nhận định về thận hình móng ngựa ngay từ giai đoạn BS chẩn đoán hình ảnh và sau đó đến BS phẫu thuật.
Lý do nào chưa chẩn đoán được thận móng ngựa? Thực chất là rất nhiều BS, trong đó có những BS chuyên gia đầu ngành xác định rằng thận móng ngựa là một dị tật bẩm sinh rất hiếm xảy ra. Đặc biệt trong 30 năm qua ngành y khoa Việt Nam chỉ có ba trường hợp. Trong đó, bà Tú là trường hợp đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long. Cho nên BS khó có thể chẩn đoán được thận hình móng ngựa. Như vậy, lỗi này của BS không hẳn thuộc về chuyên môn, mà khách quan là trường hợp này hiếm gặp.
Nó quá hiếm cho nên BS không nhận định được trong trường hợp này, từ đó dẫn đến tai biến về mặt chuyên môn.
. Ở đây cần xác định rõ vì BV không nhận ra hình ảnh của thận móng ngựa nên BV chỉ định cắt nhưng trường hợp BV nhận ra đó là thận móng ngựa?
+ Tôi hỏi BS Nguyên (Trần Văn Nguyên, nguyên Trưởng khoa Ngoại thận-Tiết niệu, BV đa khoa TP Cần Thơ, phẫu thuật viên chính - NV) thì BS Nguyên nói nếu ngay từ đầu chẩn đoán là thận móng ngựa thì vẫn cắt, có thể chỉ định cắt hoặc kéo dài thời hạn rồi cũng cắt. Kéo dài thời hạn thì đưa tới khả năng chi phí tốn kém hơn phải thay thận.
Luật sư của bà Tú trao đổi với ông Trí khi tòa phúc thẩm tạm dừng để hai bên nguyên, bị thỏa thuận vào ngày 22-11. Ảnh: NN
Đúng quy trình nên không bồi thường?
. Luật Khám bệnh, chữa bệnh có quy định về trách nhiệm bồi thường cả trong trường hợp tai biến, bất khả kháng. BV nói không bồi thường trong trường hợp của bà Tú nhưng điều luật dẫn chiếu thì thấy rằng có liên quan?
+ Hội đồng chuyên môn đã xác định ca phẫu thuật này đúng chuyên môn kỹ thuật trong quá trình khám bệnh và trị bệnh. Cho nên theo điểm a Điều 73 Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì BV không phải bồi thường.
. Áp một quy trình bình thường vào một việc chưa có quy trình và hậu quả đã xảy ra thì việc chịu trách nhiệm về hậu quả này như thế nào? Việc chia sẻ, xử lý như thế nào?
+ BV đã xử lý hậu quả. Cụ thể là tìm nguồn thận để ghép thận cho nạn nhân. Thứ hai, toàn bộ chi phí ghép thận, BV và ngành y tế bỏ ra với sự hỗ trợ của BV đa khoa Trung ương Huế, ước tính khoảng 1,7 tỉ đồng.
. Cụ thể BV đa khoa TP Cần Thơ đã bỏ ra bao nhiêu trong 1,7 tỉ đồng?
+ BV chi 482 triệu đồng gồm chi phí hỗ trợ trực tiếp 278 triệu, chi phí hỗ trợ gia đình 79 triệu, chi phí một phần ghép thận 125 triệu. BV Trung ương Huế chi phí 882 triệu. Ngoài ra còn thêm một số khoản khác, tài trợ bên ngoài, cho riêng.
BV chỉ có thể hỗ trợ một lần BV thống nhất theo pháp luật chỉ có thể hỗ trợ một lần, không thể trả tiền hằng tháng giống như tai nạn giao thông hay cố ý gây thương tích được. Quan điểm của tôi vẫn cố gắng tìm tiếng nói chung, vừa có lợi cho bệnh nhân vừa có lợi cho BV, cũng không muốn kéo dài ra. Tình trạng như BS Sang không nói, còn BS Nguyên, vụ việc chưa giải quyết xong thì chưa cầm dao mổ tiếp được, ngay cả việc giảng dạy cũng khó. Trước khi vào BV cấp cứu, thận của bà Tú đã bị ứ nước độ 3, 4, không phải như người bình thường nên buộc BV bồi thường toàn bộ tổn hại sức khỏe như đối với người bình thường về mặt đạo lý và pháp lý đều không đúng. Con số đưa ra thương lượng là con số mà tôi đưa ra trên cơ sở tham khảo ý kiến của tập thể lãnh đạo BV nhằm giúp gia đình bệnh nhân có vốn làm ăn, còn thực tế chính BV đã và đang theo dõi điều trị cho bệnh nhân miễn phí từ khi ghép thận thành công đến nay. |
Sợ tạo tiền lệ xấu nếu phải bồi thường 100%
. Tại sao ngay từ đầu BV không chọn cách hỗ trợ một lần cho bà Tú mà hỗ trợ hằng tháng và cũng không thống nhất, lúc đầu 6 triệu đồng/tháng, sau giảm xuống 3 triệu đồng/tháng rồi cuối cùng cắt luôn?
+ Cái này phải hiểu cho ngành y tế, có những khoản chi không hợp pháp nên không hạch toán được. Cho nên trong giai đoạn điều trị cho bà Hứa Cẩm Tú, ngành y có chỉ đạo hỗ trợ khắc phục bằng tất cả nguồn lực. Khi ổn định rồi thì về mặt pháp lý phải giải quyết đúng quy định.
Sau sự cố này, tôi khuyến cáo BV phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho BS. Luật quy định rõ trường hợp này có mua bảo hiểm thì bảo hiểm người ta bồi thường thôi, BV không phải bồi thường.
. Nhưng LS mới nói BV không có lỗi thì sao phải bồi thường?
+ Thì đâu phải bồi thường. Về mặt y học, nếu có bảo hiểm nghề nghiệp thì bảo hiểm bồi thường theo Luật Khám chữa bệnh.
. Vì sao để đến ra tòa sơ thẩm BV mới nói hỗ trợ 50 triệu và đến phiên phúc thẩm lại đưa ra các mức hỗ trợ là 150 triệu và 200 triệu. Nhìn vào thấy như BV đang trả giá với người bệnh?
+ Thỏa thuận về dân sự là chuyện bình thường. Thỏa thuận dân sự người ta không quy định về mức mà cái này trong phạm vi của BV, hồi đó 50 triệu khác 200 triệu bây giờ.
. Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện BV có nói về vấn đề đạo lý như BS Sang bệnh nặng, BS Nguyên chuyển công tác… là rất buồn. Nhưng ở phía bà Tú đã mất khả năng lao động, ba người con còn đi học. Cả gia đình sinh hoạt, ăn uống trông vào nghề đổ chậu kiểng của chồng bà Tú. Phía BV có suy nghĩ gì về vấn đề đó không?
+ BV là nơi cứu người. Người ta làm hết khả năng để cứu người rồi, giờ mình đổ hết trách nhiệm đó cho BV, cho BS theo tôi rất nguy hiểm cho xã hội.
Giờ bà Tú có khó khăn thì cộng đồng có thể giúp đỡ giống như trước đó cộng đồng đã giúp đỡ chứ quy tất cả trách nhiệm lên đầu BV thì… Cách xử lý như thế nào là cả vấn đề khó, chính tôi cũng rất day dứt. Nếu thực tế BV phải bồi thường 100% và phải nuôi con theo yêu cầu của phía bên kia tôi e sẽ tạo thành tiền lệ xấu cho BV.
Làm sao để xã hội nhìn nhận rằng giữa BS vô trách nhiệm và BS có thiếu sót nhưng không phải thiếu sót về mặt chuyên môn nó khác nhau. Người ta đã làm hết trách nhiệm nhưng vẫn có thiếu sót về mặt chuyên môn. Làm sao để mọi người hiểu được cái đấy để BS ngành y người ta yên tâm trị bệnh.
. Xin cám ơn ông.
Diễn tiến vụ việc Cuối năm 2011, bà Tú đau vùng bụng nên đến BV đa khoa TP Cần Thơ chụp CT. Kết quả thận phải tốt, thận trái bị ứ nước độ 3, 4, có sạn buộc phải mổ. BS Trần Văn Nguyên trực tiếp mổ đã thông báo ca mổ thành công nhưng sau đó bà Tú bị biến chứng nặng, khi siêu âm lại thì không còn quả thận nào (do thận móng ngựa dính vào nhau). Tháng 7-2012, bà Tú được BV đa khoa Trung ương Huế ghép thận miễn phí thành công. BV đa khoa TP Cần Thơ đã hỗ trợ gia đình bà Tú 6 triệu đồng/tháng, mức hỗ trợ sau đó giảm xuống còn 3 triệu đồng/tháng và sau tháng 5-2013 thì ngưng hẳn. Ngày 26-6-2013, bà Tú chính thức nộp đơn kiện BV đa khoa TP Cần Thơ đòi bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm. Đầu tháng 10-2013, tòa thụ lý đơn kiện của bà Tú. Ngày 19-4-2016, TAND quận Ninh Kiều lần đầu đưa vụ án ra xét xử nhưng sau đó hoãn theo đề nghị của VKS. Xử sơ thẩm vào ngày 29-6-2017, HĐXX TAND quận Ninh Kiều đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Tú, tuyên buộc BV đa khoa TP Cần Thơ phải bồi thường cho bà một lần là 302.400.000 đồng và bồi thường hằng tháng, mỗi tháng 5,8 triệu đồng cho đến hết đời. BV đa khoa TP Cần Thơ đã kháng cáo. |