Vụ cháy ở Hà Nội làm 14 người chết: Quá đau thương!

(PLO)- Vụ cháy kinh hoàng khiến 14 người chết, sáu người khác bị thương; Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu sớm tìm ra nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Rạng sáng 24-5, vụ cháy nhà dân nghiêm trọng xảy ra tại số 1 ngõ 43/98/31, phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đã khiến 14 người chết và nhiều người bị thương. Sau vụ cháy ở phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân hồi đầu năm khiến 56 người tử vong, vụ cháy tại phố Trung Kính một lần nữa gây chấn động dư luận với con số thương vong không nhỏ.

P23-chuyende-anhchinh-viethoa.jpg
Lực lượng chức năng giải cứu nạn nhân ra khỏi hiện trường. Ảnh: PHI HÙNG

Tang thương trùm ngõ nhỏ

Sáng 24-5, khi lửa được khống chế, ông Q (chủ nhà) lấm lem khói bụi, thất thần cho biết gia đình ông có bốn thế hệ với bảy người sống trong ngôi nhà này. Trong đó có mẹ ông Q đã 86 tuổi, vợ chồng ông Q, vợ chồng con trai và hai cháu nhỏ.

Cả nhà đang ngủ thì nghe tiếng hô hoán liền vùng dậy, phá cửa để thoát thân. Những người hàng xóm cũng nhanh chóng cầm búa, dây thang đến hỗ trợ. Trong cuộc thoát thân khủng khiếp đó, năm người trong gia đình ông Q được cứu thoát. Con trai và vợ ông Q đã vĩnh viễn ra đi. Mẹ ông Q cùng hai người khác được đưa đi cấp cứu khẩn cấp trong tình trạng nặng…

Ngôi nhà của gia đình ông Q có ba tầng, được chia theo kiểu chung cư mini, cùng với gia đình ông thì tổng cộng có 24 người cùng sinh sống. Trong ngày xảy ra sự cố đau lòng, bốn người vắng mặt. Trong 20 người có 14 người tử vong, sáu người được đưa đi cấp cứu.

Trưa 24-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện về vụ cháy nhà dân tại phố Trung Kính và chỉ đạo cơ quan chức năng sớm điều tra nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm.

Từ sáng sớm, anh Trung, đồng nghiệp của nạn nhân nam tên T (37 tuổi, quê Bắc Kạn), đã cùng các đồng nghiệp đến các nhà tang lễ nhận diện đồng nghiệp xấu số. Anh Trung cho biết sáng 24-5, không thấy đồng nghiệp đến cơ quan. Gọi điện thoại cho đồng nghiệp thì có đổ chuông nhưng không có ai nghe máy. Khi nghe thông tin về vụ cháy, anh Trung lập tức đến hiện trường nhưng bị chặn lại do hiện trường đang được phong tỏa.

Anh Trung cho biết anh T sống một mình ở dãy nhà ba tầng khoảng năm năm nay, vợ và con trai (ba tuổi) của anh T sống ở quê. Khi nghe hung tin, gia đình của nạn đang từ Bắc Kạn đến Hà Nội để nhận thi thể người thân.

Quốc hội chia buồn với gia đình 14 nạn nhân tử vong

Sáng 24-5, trước phiên làm việc tiếp theo của kỳ họp thứ bảy, QH, Ủy ban Thường vụ QH gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định đề nghị Bộ Công an, UBND TP Hà Nội và các lực lượng liên quan chỉ đạo, nhanh chóng khắc phục hậu quả vụ việc đau lòng nêu trên.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị các cơ quan chức năng dành mọi ưu tiên, kịp thời giúp đỡ người bị nạn sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời đề nghị Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo tăng cường công tác PCCC, hướng dẫn, thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nâng cao cảnh giác, ứng phó kịp thời, không để xảy ra những vụ việc tương tự.

Cũng trong sáng 24-5, Ủy ban Thường vụ QH đã tổ chức đoàn công tác do Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương dẫn đầu đến hiện trường và bệnh viện để động viên các gia đình người bị nạn trong vụ cháy.

Tại Nhà tang lễ quận Cầu Giấy, nơi tổ chức hậu sự cho các nạn nhân vụ cháy khiến 14 người chết, an ninh được thắt chặt. Nhiều người đau đớn, khóc ngất khi nhận tin dữ người thân không qua khỏi trong vụ hỏa hoạn.

Tại cổng nhà tang lễ, một người đàn ông đi xe máy biển số tỉnh Yên Bái đứng đợi người thân trong tâm trạng lo lắng. Một lúc sau, người phụ nữ từ trong nhà tang lễ vừa đi vừa khóc, chạy ra ôm lấy người đàn ông này nói rằng một người thân đã tử vong trong vụ cháy.

Trong 14 nạn nhân xấu số có vợ chồng trẻ quê Hải Dương và Bắc Ninh mới cưới được hai tháng. Nhận tin dữ, gia đình hai nạn nhân không tin vào mắt mình cho đến khi em gái nạn nhân vào nhận diện. Khi thông tin đã được xác nhận, cả gia đình đau đớn, gào khóc bên thi thể hai nạn nhân. “Các cháu yêu nhau, hẹn thề sống chết có nhau nên giờ tôi cũng muốn để các cháu được ở cạnh nhau” - ông ngoại của nạn nhân nói khi làm thủ tục đưa thi thể hai vợ chồng về Hải Dương an táng…

Sớm điều tra nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm

Trưa 24-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện về vụ cháy nhà dân tại phố Trung Kính và chỉ đạo cơ quan chức năng sớm điều tra nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm. Trong công điện, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn. Đồng thời phân công Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà xuống hiện trường, trực tiếp chỉ đạo vụ việc.

Thủ tướng giao UBND TP Hà Nội chỉ đạo tổ chức thăm hỏi chu đáo, kịp thời động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần cho các gia đình người bị nạn; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung khắc phục hậu quả. Đặc biệt cần khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng cũng giao bộ trưởng Bộ Công an, bộ trưởng và các trưởng ngành liên quan, chủ tịch UBND các tỉnh,TP tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các văn bản của Quốc hội (QH), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác PCCC.

Đặc biệt là Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Chỉ thị số 01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới... Rà soát các quy định của pháp luật và điều kiện về PCCC liên quan đến việc kinh doanh, cho thuê trọ.

Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trực tiếp đến hiện trường vụ cháy. Phó thủ tướng đã chia sẻ những mất mát, đau thương, gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn. Phó thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành khẩn trương khắc phục hậu quả, dành mọi ưu tiên cứu chữa người bị thương, động viên, hỗ trợ kịp thời về vật chất, tinh thần cho gia đình người bị nạn, sớm ổn định tình hình, bảo đảm cuộc sống cho người dân.

Ngay khi xảy ra vụ cháy, cơ quan chức năng đã có mặt dập lửa, giải cứu các nạn nhân bị mắc kẹt và đưa thi thể các nạn nhân ra ngoài. Sau đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, chủ tịch UBND TP Hà Nội đã đến hiện trường, trực tiếp chỉ đạo Công an TP phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân vụ cháy.

Đồng thời chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với UBND quận Cầu Giấy tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân, khắc phục hậu quả sau vụ cháy, hỗ trợ 55 triệu đồng/người đối với người tử vong, 33 triệu đồng/người đối với người bị thương, thực hiện ngay trong sáng 24-5.

Ngoài ra, quận đã hỗ trợ thân nhân người tử vong với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/người và hỗ trợ người bị thương đang điều trị tại các cơ sở y tế 5 triệu đồng/người từ nguồn vận động các tổ chức, cá nhân…

Sáu nạn nhân trong vụ cháy được cấp cứu tại BV Giao thông vận tải và hiện tất cả đã qua cơn nguy kịch. Trong đó, nạn nhân cao tuổi nhất là 86 tuổi, trẻ tuổi nhất là 11 tuổi.•

Đại biểu Quốc hội lên tiếng

P23-chuyende-PhamVanHoa.jpg

Đại biểu Quốc hội PHẠM VĂN HÒA (đoàn Đồng Tháp):

Trách nhiệm nhiều bên

Nhiều năm nay liên tục xảy ra nhiều vụ cháy ở thủ đô liên quan đến nhà trọ, khách sạn, chung cư mini... Một trong những nguyên nhân là do không đảm bảo an toàn PCCC.

Để xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư. Tuy nhiên, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của đơn vị PCCC cũng rất lớn. Đặc biệt trong công tác kiểm tra, đánh giá PCCC, đưa ra cảnh báo để người dân nắm được tình hình và phòng tránh cháy nổ.

Nếu cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, đánh giá thì sẽ biết được để có cảnh báo, còn không đảm bảo an toàn PCCC thì tước giấy phép hành nghề, không cho hoạt động. Tôi cho rằng cần có sự cương quyết như thế thì tất cả nhà trọ, khách sạn, chung cư mini... ở Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và khắp cả nước sẽ không dám lơ là công tác PCCC. Vì thực tế rất nhiều vụ cháy xảy ra mà khi kiểm tra đều không có cửa thoát hiểm, thang thoát nạn, hệ thống chữa cháy yếu, hệ thống điện không đảm bảo an toàn...

...............................

Đại biểu Quốc hội NGUYỄN THỊ VIỆT NGA (đoàn Hải Dương):

Quan tâm nhiều hơn tới nhà ở xã hội cho thuê

P23-chuyende-NguyenThiVietNga.jpg

Để rà soát một cách triệt để công tác PCCC trên địa bàn TP Hà Nội sẽ rất khó khăn. Bởi lẽ số lượng chung cư mini, khu nhà trọ ở thủ đô rất lớn. Nếu xử lý theo hướng tất cả không đảm bảo tiêu chuẩn PCCC thì không được hoạt động nữa sẽ dẫn đến hai hệ lụy.

Thứ nhất, với chủ đầu tư, họ đang có nguồn thu nhập thì phải dừng. Thứ hai, nếu dừng thì những người lao động có thu nhập thấp đang sinh sống trong khu trọ ấy sẽ đi đâu, về đâu. Tôi tin là con số đó không hề nhỏ. Nếu làm theo phương án trên thì tác động xã hội vô cùng lớn. Dù vậy, cũng không thể không làm, quan trọng là cách làm như thế nào.

Theo tôi, các quy định PCCC đã có, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành cũng đã có, điều quan trọng bây giờ là phải rà soát, có phương án với từng loại hình chứ không thể áp dụng theo một công thức chung.

Chẳng hạn, loại hình nhà cho thuê trọ chật hẹp, nhiều tầng, ở trong ngõ sâu… chúng ta không thể mở đường cho xe chữa cháy đủ vào được. Thay vào đó, có thể kiểm tra kết cấu, vì phần lớn nhà bị cháy khiến nhiều người tử vong là do không có lối thoát hiểm. Do đó, phải yêu cầu chủ đầu tư đảm bảo được lối thoát hiểm, khi có sự cố xảy ra thì người trong nhà sẽ nhanh chóng thoát hiểm được.

Một vấn đề khác là công tác tập huấn về PCCC và kỹ năng ứng phó khi có sự cố cũng rất cần thiết. Tôi có cảm giác chúng ta chỉ làm rốt ráo mỗi khi có vụ cháy thương tâm nào đó xảy ra nhưng sau đó vấn đề lại bị trôi đi.

Tiếp đó là ý thức của con người. Nhiều khi người ta không nghĩ hành vi của mình là bất cẩn, dẫn đến hậu quả. Vì thế, chủ nhà hay người thuê trọ đều phải hết sức cẩn trọng với hành vi của mình. Theo thống kê, nhiều vụ cháy xảy ra do hành vi chủ quan, tắc trách của con người (kinh doanh dễ cháy nổ chung với thuê trọ, sử dụng thiết bị điện không đúng quy chuẩn…).

Vì vậy, cần quan tâm hơn nữa tới phân khúc nhà ở xã hội cho thuê. Hiện loại hình này đã được nhiều ưu đãi nhưng giá vẫn khá cao so với thu nhập của người lao động có thu nhập trung bình và thấp. Chẳng hạn, ở Hải Dương, giá nhà ở xã hội dao động 11-14 triệu đồng/m2. Như vậy, với một căn khoảng 50 m2 thì người lao động phải bỏ ra số tiền lớn để thuê và như vậy sẽ vượt khả năng chi trả.

Nguyện vọng của rất đông người lao động ở đô thị là mong được sở hữu một căn nhà ở xã hội nhưng dưới dạng cho thuê, trả tiền hằng tháng chứ không phải mua đứt. Khi ở những nơi như vậy, chắc chắn hạ tầng PCCC sẽ đảm bảo hơn.

....................................

Ông TRẦN QUANG PHƯƠNG, Phó Chủ tịch Quốc hội:

Quy định chặt chẽ hơn trong Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ

P23-chuyende-TranQuangPhuong.jpg

Sắp tới, khi Quốc hội xem xét, thông qua Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ cần phải quy định chặt chẽ hơn điều kiện kinh doanh trong các ki-ốt, các tiệm sửa xe; những nơi vừa là nhà ở vừa kinh doanh… Bởi kết quả nhiều cuộc khảo sát, giám sát của Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho thấy hầu như tại TP Hà Nội và các TP lớn, tình trạng tương tự không ít.

Có thể thấy những khu vực tương tự như nơi vừa xảy ra vụ cháy sẽ rất khó giải tỏa, vì người dân đã sinh sống lâu đời, nhà rất cũ, xây dựng từ rất lâu. Bây giờ chỉ có phát triển các khu đô thị mới và từng bước đưa các khu đó thành đô thị cổ để tham quan…, còn ở thì không an toàn. Khi có tình huống xảy ra thì không chữa được. Đây là câu chuyện “làng lên phố” và sự bất cập của quy hoạch. Chúng ta chia buồn sâu sắc với bà con.

P23-chuyende-baiphu-TrinhXuanAn-viethoa.jpg
Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh
của Quốc hội. Ảnh: QH

3 giải pháp khắc phục nguy cơ cháy nổ nhà trọ, chung cư mini

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội vào ngày 24-5, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đồng thời là ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chia sẻ: Trước hết, đây là một sự việc hết sức bi thảm, số người chết rất lớn (14 người và một người đang nguy kịch), hậu quả rất thảm khốc.

Không cẩn trọng, hậu quả sẽ rất thương tâm

“Sáng nay Quốc hội đã chia sẻ, đặc biệt có nhắc nhở và phản ứng của các cấp chính quyền, nhất là của Hà Nội, của các cơ quan Chính phủ, của lực lượng chức trách Bộ Công an cũng rất nhanh. Tại kỳ họp này, chúng ta đang xem xét sửa Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Khi chúng tôi thẩm tra cách đây vài tuần thôi, cá nhân tôi cũng đã đề cập đến câu chuyện phải rà soát quy định về phòng cháy đối với nhà ở, nhất là nhà ở kết hợp với kinh doanh” - ông Trịnh Xuân An nói.

Ông An cũng nhìn nhận nguy cơ cháy với nhà ở, nhất là đối với nhà dân, nhà trọ cho thuê có thể xảy ra bất cứ khi nào, nếu chúng ta không cẩn trọng thì hậu quả rất thương tâm. Sau vụ cháy xảy ra ở quận Thanh Xuân hồi đầu năm, TP Hà Nội đã cùng các lực lượng chức năng rà soát và có cảnh báo cụ thể. Tuy nhiên, chúng ta đang chấp nhận một thực trạng rủi ro đó hằng ngày và hằng giờ.

Nguyên nhân là do nhu cầu của người dân, người lao động khi sinh sống, làm việc ở các TP đều muốn thuê nhà để có nơi trú ngụ, làm việc, học hành. “Đây là nhu cầu hết sức bình thường” - ông An nói và khẳng định người dân có nhà cho thuê cũng là hoạt động bình thường để họ có thêm thu nhập.

Bên cạnh đó, ông An cho rằng cơ sở hạ tầng đặc thù ở các khu vực như phố Trung Kính, quận Thanh Xuân… là nhà trong ngõ, trong hẻm. Điều này cũng phần nào gây khó khăn cho công tác chữa cháy nếu không may xảy ra cháy.

Theo ông An, tính đồng bộ trong quản lý dân cư, cơ sở hạ tầng còn liên quan đến các dự án mà lâu nay chúng ta nói. Cụ thể là phải đầu tư thêm vào nhà ở xã hội, nhà cho thuê cho người có thu nhập thấp, chúng ta đưa ra giải pháp nhưng giải pháp đó mới chỉ là ý tưởng chứ chưa triển khai được trên thực tế.

Ba giải pháp khắc phục

Từ thực tiễn đó, ông An đã chỉ ra ba giải pháp để khắc phục tình trạng này. Trong đó, khâu “phòng” phải quan tâm trước tiên bởi người dân thường có tâm lý chủ quan nên phải tăng cường ý thức về phòng, chống cháy nổ, không để xảy ra rủi ro.

Ngoài ra, vai trò của phường, các đoàn thể cơ sở phải sát sao hơn nữa để vận động, tuyên truyền mọi người nâng cao cảnh giác.

Thứ ba, tất cả khu vực hiện nay ở TP Hà Nội, TP.HCM hay những TP lớn khác đều là những nơi tập trung đông người lao động, công nhân. Do đó, cơ quan có thẩm quyền phải có sự rà soát chặt chẽ, kỹ lưỡng tất cả cơ sở, nhà ở theo dạng này. Đặc biệt phải trang bị cho các khu vực đó bình cứu hỏa, sắp xếp, bố trí cầu thang, nơi thoát hiểm…

“Lâu nay chúng ta đã rà soát nhưng tôi cho rằng mới chỉ đang nhắc nhở thôi mà chưa có hành động cụ thể” - ông An nói và cho rằng trường hợp cháy tại phố Trung Kính là một ví dụ.

Trong sự việc này, cơ quan chức năng phải yêu cầu khu vực ở trên mái nhà không quây tôn kín như vậy, mở trống ra. Còn ở đây, mái tôn ở sân lại bị bịt kín trong khi ở dưới tầng 1 kinh doanh xe. “Như vậy phải yêu cầu mở đường đi, bỏ mái tôn ra” - ông An nói thêm và nhìn nhận cần chú ý những chi tiết nhỏ như vậy trong quá trình thực thi.

Nói thêm, ông An cho rằng PCCC không phải nằm ở những tiêu chuẩn, quy chuẩn, vì điều đó áp dụng cho công trình, dự án lớn. Còn với đối tượng đặc thù như nhà ở, nhà cho thuê, nhà trọ, nhà kết hợp với cơ sở sản xuất, kinh doanh thì việc PCCC đi vào các chi tiết nhỏ. Tưởng chừng như thừa nhưng lại thực sự hữu ích khi sự việc xảy ra.

Ông An khẳng định: “Phòng” sẽ giải quyết được nhiều hơn “chữa”. “Trong trường hợp vụ cháy rạng sáng 24-5 để chữa là hết sức khó khăn trong bối cảnh như tôi vừa nói. Việc phòng liên quan trực tiếp đến người dân, chính quyền cấp cơ sở. Những ngõ, hẻm như vậy thì không chỉ ở phố Trung Kính mà có ở rất nhiều khu vực khác…” - ông An nhấn mạnh.

Về giải pháp dài hạn, ông An cho rằng cần có hệ thống đồng bộ trong quy hoạch đô thị, đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp để giảm dần tình trạng thuê trọ, ở trọ tự phát như hiện nay. Theo ông An, ở TP Hà Nội đang còn rất nhiều quỹ đất có thể tận dụng để xây nhà cho người có thu nhập thấp thuê. Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cũng đã có cơ chế nhưng phải làm sao để có thể đi vào thực tế, nếu không, những vụ cháy như ở phố Trung Kính sẽ còn tiếp diễn.•

NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm