Vụ chở xe máy cũ bị tội: Dấu hiệu xử oan 2 bị cáo

Ngày 17-2, TAND huyện Tân Biên (Tây Ninh) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên chấp nhận đề nghị đổi tội danh truy tố đối với các bị cáo Nguyễn Thanh Giàu, Nguyễn Lê Anh Quốc, Trịnh Văn Kiệt, Nguyễn Ngọc Gia Bảo, Huỳnh Công Đình Nghi từ tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191 BLHS 2015) sang tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 189 BLHS 2015).

HĐXX đã phạt Giàu hai năm tù; phạt tiền Quốc 200 triệu đồng theo khoản 2 Điều 189 BLHS; phạt tiền Kiệt 20 triệu đồng; phạt tiền Bảo 25 triệu đồng; phạt tiền Nghi 20 triệu đồng theo khoản 1 Điều 189 BLHS.

Theo chuyên gia, Bảo và Nghi tham gia vận chuyển khi hành vi vận chuyển
trái phép hàng hóa qua biên giới đã kết thúc nên Bảo và Nghi không phải
đồng phạm. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Tòa: “Bảo, Nghi phải có nghĩa vụ kiểm tra hàng hóa”

Trước khi phiên tòa diễn ra, Pháp Luật TP.HCM đã có bài “Dấu hiệu truy tố oan vì xe máy cũ không phải là hàng cấm” (số ra ngày 22-1). Bài báo dẫn ý kiến chuyên gia cho rằng hành vi của các bị cáo không phạm tội vận chuyển hàng cấm, mà có dấu hiệu của tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; riêng Bảo và Nghi không có dấu hiệu của bất kỳ tội danh nào.

Tại phiên tòa ngày 17-2, VKS đã chuyển đổi tội danh và HĐXX cũng đã chấp nhận. Tuy nhiên, tòa vẫn kết tội hai bị cáo Bảo, Nghi với vai trò đồng phạm, cùng tội danh vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

HĐXX nhận định các bị cáo Bảo, Nghi vận chuyển ba xe máy cũ trong nước. Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của Giàu, Quốc, Kiệt thì ba chiếc xe đó có nguồn gốc từ Campuchia về Việt Nam.

Các bị cáo hành nghề vận chuyển nên buộc phải kiểm tra đối với các loại hàng hóa; nếu là hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ hoặc hàng cấm thì phải từ chối vận chuyển.

Các bị cáo có thể nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra nên đã có lỗi cố ý gián tiếp.

Mặt khác, các xe máy được vận chuyển không thuộc hệ thống quản xe của các hãng xe và không được đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Do đó, hành vi của các bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Chuyên gia: “Bảo, Nghi không thể nào là đồng phạm”

Đối với nhận định của tòa, TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng: Hành vi chở ba xe máy cũ trái phép từ Campuchia về Việt Nam của các bị cáo Giàu, Quốc, Kiệt như kết luận điều tra và cáo trạng mô tả đã phạm phải tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo Điều 189 BLHS.

Tuy nhiên, muốn xử lý Bảo, Nghi đồng phạm với Giàu thì phải chứng minh hành vi của Bảo và Nghi thuộc một trong các trường hợp sau:

(1) Có sự thỏa thuận trước đó giữa Giàu với Bảo, Nghi về việc vận chuyển ba xe máy đã qua sử dụng.

(2) Hành vi của Bảo, Nghi tham gia khi tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới “chưa kết thúc”.

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như lời khai tại tòa:

Đối với trường hợp thứ nhất, trong vụ án này, kết luận điều tra và cáo trạng đều khẳng định không hề có sự thỏa thuận trước đó giữa Giàu với Bảo, Nghi về việc vận chuyển ba xe máy cũ.

Theo diễn biến của vụ án, ngày 27-9-2020, khi xe được mang đến khu vực xã Tân Lập (huyện Tân Biên) thì Giàu nhờ Quốc, Kiệt vận chuyển về nhà Giàu. Sau đó, ngày 28-9-2020 Giàu mới thuê Bảo chở xe về TP.HCM, rồi Bảo điều tài xế là Nghi lái ô tô từ TP.HCM đến nhà Giàu để nhận xe. Nghĩa là trước đó, không hề có sự thỏa thuận nào liên quan đến việc chuyển mô tô qua biên giới.

Nói cách khác, để có thể xử lý Bảo, Nghi là đồng phạm tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới phải chứng minh có sự thỏa thuận này. Tuy nhiên, kết luận điều tra và cáo trạng đều không chứng minh được.

Đối với trường hợp thứ hai, Bảo và Nghi đã thực hiện việc chở thuê ba xe máy cũ từ Tây Ninh về TP.HCM khi mà tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đã kết thúc (tội phạm do các bị cáo Giàu, Quốc, Kiệt thực hiện).

Các hành vi sau đó liên quan đến hành vi này không thể đồng phạm về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đồng phạm chỉ có thể xảy ra khi tội phạm chưa kết thúc, có nghĩa là đã thực sự chấm dứt trên thực tế.

Ngày 28-9-2020, Giàu mới thuê Bảo chở xe về TP.HCM. Do đó, Bảo và Nghi tham gia vận chuyển khi hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đã kết thúc rồi nên Bảo và Nghi không phải đồng phạm.

Lý do tòa chuyển tội danh

HĐXX nhận định việc cơ quan điều tra căn cứ Điều 5 Nghị định 69/2018 (quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương) để xác định mô tô đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng cấm, rồi từ đó VKS truy tố các bị cáo theo tội danh của Điều 191 BLHS là không chính xác.

Bởi lẽ theo Phụ lục I - Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu (kèm theo Nghị định 69/2018) thì hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu không phải hàng cấm theo Điều 191 BLHS.

Không có căn cứ pháp lý kết luận Bảo, Nghi đồng phạm

HĐXX lập luận rằng các bị cáo có nghĩa vụ tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ của những xe này; đây là lỗi cố ý gián tiếp. Trên cơ sở đó, xét xử Bảo, Nghi là đồng phạm với Giàu trong vụ vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Nhận định này của tòa là không ổn về lý luận đồng phạm. Bởi ngay cả trường hợp Bảo, Nghi biết đây là xe được vận chuyển trái phép qua biên giới thì cũng không thể là đồng phạm, bởi không hề có sự thỏa thuận trước với Giàu về vận chuyển xe khi xe mang qua biên giới; và tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đã kết thúc.

Do đó, lập luận nghĩa vụ của các bị cáo phải tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ của những chiếc xe cũ để kết luận Bảo, Nghi đồng phạm trong vụ án này là không có căn cứ pháp lý. Tóm lại, hành vi của Bảo, Nghi chở ba xe máy cũ trong lãnh thổ Việt Nam, không có dấu hiệu “qua biên giới”; và với các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì không đủ yếu tố kết án hai người này về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm