VFF hoan nghênh việc lãnh đội V. Ninh Bình tố giác tiêu cực và hợp tác tích cực với cơ quan điều tra. Đấy là một động thái nhận được sự ủng hộ và trân trọng của bất kỳ người hâm mộ nào. Thế nhưng VFF lẫn Công ty Tổ chức bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã không làm đúng phương châm của bóng đá chuyên nghiệp mà chỉ thiên về cảm tính. Họ chiều theo lãnh đạo V. Ninh Bình hơn là dùng luật chơi để xử lý đúng trong việc chấp nhận cho CLB này bỏ giải.
Mọi chuyện trở nên rối rắm khi VFF và VPF đang lẫn lộn trong cách xử lý. V. Ninh Bình dính tiêu cực (đã có bằng chứng hẳn hoi) ở AFC Cup với chín cầu thủ làm độ thì lẽ ra VFF phải có nhiệm vụ báo cáo tình hình cụ thể và liên tục lên AFC. Phán quyết của AFC (theo thông cáo AFC đã gửi cho báo chí) về việc V. Ninh Bình không có quyền chọn và bỏ giải nào. Điều này có nghĩa là vụ tiêu cực xảy ra ở AFC Cup nhưng lãnh đạo CLB lại chọn tiếp tục chơi ở giải đấu này nhưng lại bỏ V-League (chưa phát hiện V. Ninh Bình tiêu cực) là hành động rất vô tổ chức và thiếu chuyên nghiệp.
Cầu thủ V. Ninh Bình bỗng dưng… ra đường có thể kiện đòi quyền lợi cho mình. Ảnh: XUÂN HUY
Đáng nói là VFF và VPF lại chấp nhận dễ dàng việc bỏ giải của V. Ninh Bình và vội vàng thay đổi lịch đấu V-League rồi cân nhắc cách xử phạt theo hướng nhẹ hơn lần XMXT Sài Gòn bỏ giải theo trường hợp bất khả kháng. Một tổ chức của bóng đá chuyên nghiệp thì không thể đứng ngoài quy chế và điều lệ giải để phán quyết mà ngược lại còn chấp nhận theo ý muốn của lãnh đạo V. Ninh Bình.
Thêm vào đó, việc V. Ninh Bình rút khỏi V-League đã khiến hàng loạt cầu thủ thất nghiệp. Đây là một hình thức vi phạm hợp đồng lao động và theo quy chế FIFA thì khi cầu thủ bị tước quyền lao động chính đáng thì họ có thể kiện lên AFC, FIFA và thậm chí CAS để những tổ chức này đứng ra phân xử.
Trong Bộ Quy tắc cầu thủ của AFC nêu rất rõ: “Cầu thủ có quyền hành nghề hợp pháp và được nhận lợi ích từ CLB một cách chính đáng theo thỏa thuận. Nếu quyền lao động hợp pháp bị tước một cách bất hợp pháp thì cầu thủ có thể tìm những yếu tố pháp lý để bảo vệ mình và quyền lợi của mình…”.
Cho đến thời điểm này, có nhiều trận đấu của V. Ninh Bình ở V-League bị nghi bán độ nhưng nó thuộc một giải đấu và phạm trù khác. V. Ninh Bình không thể dựa vào việc cầu thủ tiêu cực ở AFC Cup để rút khỏi V-League. Nó dẫn đến hệ quả là những kết quả của các CLB khác đã đấu với V. Ninh Bình bị hủy bỏ, làm tiêu tốn tiền bạc lẫn thay đổi nhiều thứ về lịch đấu. Thậm chí, có đại diện CLB còn bức xúc nếu VFF cứ xử lý nhẹ nhàng như vụ V. Ninh Bình, chẳng may từ nay đến cuối giải có thêm 2-3 đội khác bỏ giải thì sao? Mới nhất là An Giang vừa dọa dừng cuộc chơi vì không phục với nhiều phán quyết phi lý của VFF.
Từ vụ việc của V. Ninh Bình cho thấy hàng loạt cách ứng xử rất nghiệp dư, theo kiểu chữa cháy và xé luật của các tổ chức bóng đá Việt Nam.
TẤN PHƯỚC
Điều chỉnh lịch đấu V-League và phương án xuống hạng Hôm qua (17-4), Ban tổ chức V-League đã họp với đại diện của 10/12 đội tham dự V-League thống nhất về việc xếp lịch thi đấu lượt về sau khi chấp thuận cho V. Ninh Bình dừng cuộc chơi. Theo đó, không có đội nào thi đấu sân nhà hoặc sân khách ba trận liên tiếp. Ở bốn vòng cuối, tất cả các đội đều thi đấu hai trận sân nhà, hai trận sân khách. Đáng chú ý 10 đại diện CLB đã biểu quyết V-League vẫn có đội xuống hạng theo cách đội cuối bảng sẽ chơi trận play-off với đội xếp thứ 3 giải hạng Nhất. |