Vụ cô giáo ở Nghệ An nhìn từ Quy chế chi tiêu nội bộ

(PLO)- Nếu hiểu như các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Hưng Nguyên, Nghệ An thì có khả năng người quản lý các đơn vị sự nghiệp có thu như các trường đại học… đều có thể bị xử lý hình sự.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ mà cô giáo Lê Thị Dung (cựu giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDTX) huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) bị phạt năm năm tù, các cơ quan tiến hành tố tụng đã nhắc nhiều về quy chế chi tiêu nội bộ của trung tâm này. Vậy giá trị pháp lý của nó ra sao?

Giá trị pháp lý của Quy chế chi tiêu nội bộ

Bản án sơ thẩm số 17/2023/HS-ST ngày 24-4-2023 của TAND huyện Hưng Nguyên ghi nhận, phúc đáp công văn của VKSND huyện Hưng Nguyên, ngày 18-11-2022 Sở Tài chính tỉnh Nghệ An có công văn trả lời nêu rõ:

“Về xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ: Tuy bản quy chế không gửi cơ quan quản lý cấp trên, không xin ý kiến của Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An nhưng bản quy chế đã được thông qua hội nghị công chức, viên chức; đã gửi cho cơ quan tài chính và kho bạc nhà nước cùng cấp để theo dõi, giám sát và kiểm soát chi. Các bản quy chế đó vẫn có hiệu lực thi hành trong phạm vi chịu trách nhiệm trước pháp luật của người đứng đầu đơn vị (được quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 43/2006/NĐ-CP)”.

Cô giáo Lê Thị Dung khi còn làm giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Ảnh: TL
Cô giáo Lê Thị Dung khi còn làm giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Ảnh: TL

Nhiều cá nhân trung tâm GDTX cùng hưởng lợi từ quy chế

Theo bản án sơ thẩm của TAND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), trong vụ án này, bị cáo Lê Thị Dung đã hưởng lợi gần 45 triệu đồng.

Ngoài ra, bản án cũng ghi nhận quá trình thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ, từ năm 2012 đến 2017, bị cáo Dung cũng đã duyệt chi cho các cán bộ, giáo viên khác của Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên thanh toán tiền thừa giờ (nói nôm na là số tiền hưởng lợi) tổng cộng hơn 175 triệu đồng.

Như vậy, Sở Tài chính tỉnh Nghệ An khẳng định Quy chế chi tiêu nội bộ của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX vẫn có giá trị pháp lý để thực hiện thanh toán chi tiêu nội bộ của Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên.

Cấu trúc các khoản của Quy chế chi tiêu nội bộ

Về chế độ tài chính, ngày 31-12-2011, UBND huyện Hưng Nguyên có Quyết định 1276/QĐ-UBND về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với trung tâm GDTX là loại hình đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên, thực hiện chế độ tự chủ theo Nghị định 43/2006 (quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập).

Ngoài ra, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 14 Nghị định 16/2015, thu nhập của một viên chức theo Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị gồm các khoản: (1) Tiền lương: Tiền lương theo lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công; (2) Tiền chuyên môn, chi quản lý: Mức chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý nhưng tối đa không vượt quá mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định (một số đơn vị còn gọi là tiền thu nhập tăng thêm - NV).

Như vậy, một người có chức danh quản lý của đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi thường xuyên thì sẽ nhận hai phần thu nhập: (1) Tiền lương, phụ cấp theo chức vụ theo quy định Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công; (2) Tiền quản lý: Được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị sự nghiệp công (tùy nguồn thu của đơn vị mà các đơn vị quy định nội dung và mức chi).

Có nghĩa là một người giữ chức danh quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công có thu - có thể có cả hai khoản thu nhập đối với chức danh quản lý đó: (1) Tiền lương, phụ cấp chức vụ và (2) Tiền quản lý - phụ thuộc quy chế chi tiêu của từng đơn vị.

Nếu tiền chuyên môn, tiền quản lý được quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị thì việc bị cáo Dung kê khai theo quy chế này là không sai quy định, vì phần tiền này là tiền thu nhập tăng thêm của đơn vị sự nghiệp công có thu.

Cần xem lại căn cứ kết tội cô giáo Dung

Thông qua nội dung bản án (xin xem BOX) cho thấy:

(1) Phần tiền quản lý - được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên quy đổi các hoạt động theo tiết giảng để tính (các đơn vị khác có thể là hệ số, số tiền cụ thể…). Vấn đề này không quan trọng, miễn sao có thể quy đổi ra tiền để thanh toán cho viên chức quản lý.

(2) Lập luận cơ bản của bản án - để xử lý hình sự đối với bị cáo Lê Thị Dung là đã kê khai một số nội dung thanh toán hai lần đối với một nghiệp vụ tài chính phát sinh (như trên đã nêu).

Về cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Dung: Như trên đã phân tích, một người có chức danh quản lý của đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi thường xuyên thì sẽ nhận hai phần thu nhập: (1) Tiền lương, phụ cấp theo chức vụ theo quy định Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công; (2) Tiền quản lý - được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị sự nghiệp công (tùy nguồn thu của đơn vị mà các đơn vị quy định nội dung và mức chi).

Do đó, nếu tiền chuyên môn, tiền quản lý được quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị thì việc bị cáo Dung kê khai theo quy chế này là không sai quy định, vì phần tiền này là tiền thu nhập tăng thêm của đơn vị sự nghiệp công có thu.

Nếu hiểu như các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Hưng Nguyên thì người quản lý các đơn vị sự nghiệp có thu (như các trường đại học…) đều có thể bị xử lý hình sự. Lấy ví dụ: Chức danh trưởng phòng Đào tạo vừa có phụ cấp chức vụ theo quy định nhà nước, vừa có tiền quản lý theo quy chế chi tiêu nội bộ. Có nghĩa là người thực hiện nhiệm vụ trưởng phòng Đào tạo được nhận hai khoản tiền - giống như trường hợp bà Lê Thị Dung tại Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên.

Từ các phân tích nêu trên, nên chăng cơ quan tiến hành tố tụng liên quan cần xem lại căn cứ để xác định bị cáo Dung có vụ lợi với số tiền gần 45 triệu đồng khi thực hiện chức năng quản lý của mình hay không.

Từ đó, cấp phúc thẩm cần hết sức kỹ lưỡng, xem xét toàn diện việc cấp sơ thẩm kết án hai bị cáo Lê Thị Dung và Nguyễn Thị Hương phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điểm b khoản 2 Điều 356 BLHS để có phán quyết đúng đắn, thấu tình đạt lý.

Bản án sơ thẩm: Bị cáo Dung hai lần phạm tội

Theo bản án sơ thẩm số 17/2023/HS-ST ngày 24-4-2023 của TAND huyện Hưng Nguyên thì các năm 2012, 2014, 2015 và 2016, với tư cách là chủ tài khoản, bị cáo Lê Thị Dung đã kê khai một số nội dung thanh toán hai lần đối với một nghiệp vụ tài chính phát sinh.

Cụ thể, năm học 2011-2012, bị cáo Dung có 21 tiết dạy (được quy đổi để thanh toán tiền thừa giờ) từ nội dung đi tập huấn trong ngày làm việc bình thường, đi kiểm tra, tập huấn đổi mới kiểm tra. Số tiền thanh toán là hơn 3,3 triệu đồng. Bản án cho rằng “với những nội dung tập huấn, kiểm tra nêu trên, bị cáo Lê Thị Dung đã được thanh toán tiền công tác phí tại Phiếu kế toán số 140 ngày 28-12-2011 có nội dung công tác phí với số tiền 510.000 đồng”.

Cơ quan chức năng khám xét phòng làm việc của cô giáo Lê Thị Dung. Ảnh: TL

Cơ quan chức năng khám xét phòng làm việc của cô giáo Lê Thị Dung. Ảnh: TL

Năm học 2013-2014, bị cáo Dung có bốn tiết dạy được quy đổi để thanh toán tiền thừa giờ cho nội dung bí thư chi bộ, tập huấn và học cao học với số tiền 303,052 đồng. Bản án cho rằng các nội dung nói trên bị cáo Dung đã được hưởng phụ cấp cấp ủy hằng tháng, đã được hỗ trợ và được thanh toán rồi.

Tương tự, năm học 2014-2015, bị cáo Dung đã có 171 tiết dạy được quy đổi để thanh toán tiền thừa giờ với số tiền thanh toán hơn 30 triệu đồng (trong khi các khoản này bà đã được hưởng, hỗ trợ); năm học 2015-2016, bị cáo Dung lại nhận hơn 13 triệu đồng…

HĐXX đồng ý với VKS về việc khoản rút một phần truy tố các bị cáo về hai hành vi vi phạm năm 2011-2012 và năm 2013-2014, từ đó cho rằng bị cáo có hai hành vi phạm tội với số tiền 44,7 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm