Vụ công an phường nhận tiền, thả người: Vì sao không xử tội nhận hối lộ?

(PLO)- Theo chuyên gia, hành vi của các bị cáo thể hiện rõ nét của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Với tội đưa, nhận hối lộ, cơ quan tố tụng phải chứng minh nhiều yếu tố khác...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm qua (29-8), TAND TP.HCM đã tuyên 13 bị cáo là cựu công an tại phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM trong vụ thả người vi phạm liên quan đến ma túy phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bị cáo Phạm Thanh Tuấn (cựu trưởng Công an phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM) bị phạt bảy năm tù. Ảnh: SONG MAI
Bị cáo Phạm Thanh Tuấn (cựu trưởng Công an phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM) bị phạt bảy năm tù. Ảnh: SONG MAI

Trước đó, theo cáo trạng, trong quá trình thi hành công vụ, các cựu cán bộ công an đưa các đối tượng liên quan đến mua bán, tàng trữ ma túy về phương nhưng không xử lý theo quy định mà cho các đối tượng gọi điện thoại về cho gia đình mang tiền lên đưa cho các cán bộ công an để được tha về.

Từ đây, nhiều bạn đọc thắc mắc: Vì sao các bị cáo đã yêu cầu người nhà của các đối tượng mang tiền, vàng và USD đến để chung chi rồi cho về nhưng vụ án lại không xem xét tội nhận hối lộ?

Vấn đề này TAND TP.HCM cũng từng trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra (CQĐT) nhận định rằng không đủ căn cứ để xử lý vì việc giao nhận tiền chỉ có lời khai của đối tượng bị bắt vì liên quan đến ma túy và người nhà. Ngoài ra, không có tài liệu, chứng cứ vật chất khác để chứng minh.

Phân tích, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, trong vụ án này, CQĐT không có tài liệu, chứng cứ vật chất khác để chứng minh việc giao nhận tiền. Cơ quan tố tụng cũng không thể chỉ có lời khai của người đưa tiền để truy cứu trách nhiệm hình sự với các bị can về tội nhận hối lộ.

Còn đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ thì các cựu công an dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái công vụ là khá rõ ràng.

Theo LS Chánh, sự giống nhau giữa hai tội danh này là đều “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”. Tuy nhiên, điểm khác nhau cơ bản là: Đối với tội nhận hối lộ thì “trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ”, còn tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là "vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”

Theo LS Chánh, trong vụ án này cho thấy các bị can đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình được giao như một “phương tiện” để phạm tội và gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lực lượng công an…

Còn theo ThS Trần Thanh Thảo (Trường ĐH Luật TP.HCM), theo Điều 356 BLHS 2015 về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ thì đây là trường hợp vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ... Đây là tội phạm mang tính chất chung nhất cho mọi trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ mà không có những dấu hiệu đặc trưng riêng của các tội phạm tham nhũng khác như tội tham ô tài sản (Điều 353); tội nhận hối lộ (Điều 354 );... Do đó, nếu hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” không thuộc các trường hợp riêng biệt tại các Điều 353, 354, 358, 359 thì sẽ áp dụng tội danh được quy định tại Điều 356 BLHS.

ThS Thảo nhận định, căn cứ theo nội dung cáo trạng thì các bị cáo đã thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để yêu cầu những đối tượng liên quan đến hành vi mua bán, sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy gọi điện cho người thân mang tiền, vàng, đô la Mỹ đến trụ sở công an phường. Những đối tượng này đã đồng ý và nhờ đó, các bị cáo đã nhận được số tiền là 1.097.500.000 đồng, 100 USD và 2 chỉ vàng.

Về bản chất thì đây là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận tiền, tài sản để làm một việc vì lợi ích của người đưa hối lộ, là hành vi đặc trưng của tội nhận hối lộ. Tuy nhiên, phải chứng minh được các bị can đã đưa ra yêu cầu nhận tiền, tài sản để tha cho những đối tượng liên quan đến hành vi mua bán, sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy thì hành vi của các bị can mới có thể cấu thành tội nhận hối lộ theo Điều 354 nêu trên. Trong khi đó, CQĐT chỉ có lời khai của bên đưa tiền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm