Vụ cưa cây rừng: Phó chánh án Tòa Tối cao đã nhầm

Trong vụ năm người vào rừng Đắk Uy (huyện Đắk Hà, Kon Tum) cưa cây gỗ trắc chết khô mà Pháp Luật TP.HCM từng có nhiều bài viết phản ánh, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du đã giải trình việc kháng nghị giám đốc thẩm với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tại phiên họp toàn thể thứ 11 gần đây. Theo diễn giải của ông Du, lý do chủ yếu để TAND Tối cao kháng nghị theo hướng năm người này phạm tội trộm cắp tài sản như tuyên án của tòa sơ thẩm chứ không phải vô tội như án phúc thẩm đã tuyên, đó là: Rừng ấy của Nhà nước.

Tiếp tục căn cứ vào các quy định của BLHS, Thông tư liên tịch số 19/2007 của Bộ NN&PTNT - Bộ Tư pháp - Bộ Công an - VKSND Tối cao - TAND Tối cao và một số văn bản pháp quy quan trọng khác, chúng tôi cho rằng giải trình trên đã có sự nhầm lẫn về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng khiến năm người dân có thể bị oan sai.

Tội trộm cắp tài sản: Phải thỏa hai điều kiện

Về nguyên tắc, rừng là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Chi tiết hơn, theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004, chủ rừng gồm có các tổ chức của Nhà nước (đối với rừng tự nhiên như rừng đặc dụng, rừng phòng hộ…; rừng trồng) và các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân (chủ yếu là đối với rừng trồng).

Với việc nắm giữ gần hết rừng tự nhiên nên quyền của chủ rừng là các tổ chức của Nhà nước (như các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được Nhà nước giao rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để bảo vệ, phát triển rừng) có phần hẹp hơn so với quyền của các chủ rừng trồng là những tổ chức, cá nhân cụ thể.

Đơn cử, đối với rừng trồng, nếu chủ rừng là tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn gây trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ rừng thì họ được tự quyết định việc khai thác rừng trồng (trừ khi cây gỗ quý, hiếm thì việc khai thác phải theo quy định của Chính phủ). Trong khi đó, đối với rừng đặc dụng, nếu đó là vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên thì chủ rừng là các ban quản lý rừng đặc dụng phải có nhiệm vụ bảo vệ nghiêm ngặt. Việc khai thác gỗ chỉ được thực hiện trong khu bảo vệ cảnh quan và phân khu dịch vụ-hành chính của vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên và chỉ áp dụng cho những cây gỗ đã chết, gãy đổ.

Năm bị cáo trong vụ cưa cây trắc chết khô tại phiên tòa phúc thẩm lần hai hồi tháng 6-2018. Ảnh: N.NGA

Từ khác biệt này, Thông tư 19/2007 đã phân định riêng cách thức xử lý hình sự liên quan đến rừng của những tổ chức, cá nhân cụ thể. Theo đó, đối với “rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao cho tổ chức, tập thể, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp mà người được giao đã bỏ vốn đầu tư trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ”, nếu có việc khai thác trái phép cây rừng thì có hai cách xử lý. Gồm có: 1. Nếu người vi phạm là chủ rừng thì xử lý tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng theo Điều 175 BLHS; 2. Nếu người vi phạm không phải là chủ rừng thì xử lý theo các tội xâm phạm sở hữu.

Nói cho gọn là: Để xử tội trộm cắp tài sản thì phải xem xét đến hai yếu tố về loại rừng và chủ rừng.

Và như vậy, nếu là rừng đặc dụng ứng với chủ rừng là các ban quản lý rừng không bỏ vốn đầu tư trồng rừng (vì kinh phí hoạt động của các ban quản lý rừng đều từ tiền ngân sách) thì không có việc xử lý tội trộm cắp tài sản. Chỉ có thể là tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng theo Điều 175 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) mà thôi.

Không đến mức định tội thì không bị tội

Quay trở lại vụ án của năm người cưa cây rừng thì các bị cáo đã cưa một cây trắc chết khô trong rừng đặc dụng Đắk Uy lấy một lóng gỗ dài khoảng 2 m, đường kính khoảng 27 cm (thể tích 0,123 m3). khi họ chưa kịp mang lóng gỗ này ra ngoài cất giấu thì bị phát hiện.

Theo lập luận của Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du thì TAND tỉnh Kon Tum đã xử sai vì hai lẽ. Gồm có: 1. Rừng đặc dụng Đắk Uy thuộc Nhà nước quản lý và đang được Ban Quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy quản lý trực tiếp; 2. Người khai thác trái phép cây rừng ở rừng này không phải là chủ rừng.

Tuy nhiên, như chúng tôi đã phân tích ở trên, chính TAND Tối cao mới kháng nghị không đúng. Mặc dù nhận định của TAND tỉnh Kon Tum có vài chỗ chưa chặt chẽ nhưng khi đã xác định rừng bị xâm hại là rừng đặc dụng do Nhà nước giao cho ban quản lý rừng quản lý trực tiếp thì cần phải thấy rừng ấy không thuộc diện “dính” hai tội.

Cụ thể, vì không thuộc loại rừng ứng với chủ rừng phù hợp theo hướng dẫn của Thông tư 19/2007 nên hành vi vi phạm của các bị cáo không thể bị xử lý về tội trộm cắp tài sản. Thay vào đó, những người vi phạm có thể bị xem xét về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng theo Điều 175 BLHS nhưng vì định lượng chưa đủ (chưa đến 5 mtheo quy định) nên chưa cấu thành tội này.

Phân tích này trùng khớp với thực tế xét xử lâu nay của nhiều địa phương và trùng hợp với ý kiến của Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT) đã được Pháp Luật TP.HCM đăng tải ngày 21-8. Cục này cho rằng gỗ trắc thuộc danh mục các loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIA. Người có hành vi vi phạm khai thác rừng trái phép trong rừng đặc dụng mà tang vật là các loại gỗ nhóm này (không phân biệt gỗ đã chết khô hay còn tươi, sống) có thể bị xem xét xử lý tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng theo Điều 175 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Trường hợp không đủ căn cứ để xử lý hình sự thì xử lý hành chính với mức phạt tiền 2-8 triệu đồng nếu khai thác trái phép dưới 0,3 m3.

Tóm lại, với Thông tư 19/2007 thì cưa cây trái phép để lấy gỗ ở rừng đặc dụng phải bị chế tài hình sự khác với ở rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh theo những điều kiện quy định. Việc đánh đồng như kháng nghị của TAND Tối cao và như trình bày của Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du có thể làm vô hiệu hóa tội danh của Điều 175 BLHS 1999 (nay là Điều  232 BLHS 2015) và dễ gây ra những bất nhất, mất ổn định trong xét xử các tội phạm liên quan đến rừng. Vì không đúng nên kháng nghị đó không thể được chấp nhận và bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Kon Tum cần được giữ nguyên.

Khi nào khai thác trái phép, khi nào hủy hoại rừng?

Cùng có hành vi chặt cây rừng nhưng có trường hợp bị xử tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng và có trường hợp bị xử tội hủy hoại rừng. Đâu là cách phân biệt?

Không chỉ là một kiểu khai thác trái phép rừng thuộc dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng, chặt cây rừng còn là biểu hiện của hành vi phá rừng trái phép thuộc dấu hiệu của tội hủy hoại rừng. Theo Thông tư liên tịch 19/2007 của Bộ NN&PTNT - Bộ Tư pháp - Bộ Công an - VKSND Tối cao - TAND Tối cao, phá rừng trái phép là chặt phá rừng, ken cây và có hành vi khác trái pháp luật làm cho cây rừng bị chết với bất kỳ mục đích nào.

Thực tiễn xét xử của nhiều tỉnh có rừng cho thấy cách phân biệt hai tội này khá đơn giản. Với tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng thì chặt cây rừng trái phép là để lấy gỗ về sử dụng, mua bán… Còn với tội hủy hoại rừng thì chặt cây rừng chủ yếu là để triệt hạ, phá rừng nhằm lấy đất làm rẫy, làm nương…

TAND Tối cao từng không đặt nặng đối tượng vi phạm

Thông tư liên tịch 19/2007 của Bộ NN&PTNT - Bộ Tư pháp - Bộ Công an - VKSND Tối cao - TAND Tối cao cũng chỉ phân định thêm cách xét xử tội hủy hoại rừng đối với “rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh của các chủ rừng được giao rừng để sử dụng ổn định lâu dài và đã bỏ vốn đầu tư trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ” như đã phân định trong tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Theo đó, nếu người vi phạm là chủ rừng thì xử lý tội hủy hoại rừng; nếu người vi phạm không phải là chủ rừng thì xử lý theo các tội xâm phạm sở hữu.

Vì lý do này mà trong Công văn 157 ngày 14-10-2011 trả lời UBND tỉnh Kon Tum về việc xử lý hành vi chặt trộm gỗ trắc tại rừng đặc dụng ở tỉnh này, TAND Tối cao chỉ xem xét đến giá trị thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm để hướng dẫn xử lý tội hủy hoại rừng. Không như cách bắt lỗi án phúc thẩm xử vụ năm người vô tội của Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du, trong công văn này TAND Tối cao không hề bận tâm đối tượng vi phạm có phải là chủ rừng hay không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm