Sáng 2-2, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) cùng 20 bị cáo trong vụ án thâu tóm đất vàng và công sản trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Là người thứ ba được xét hỏi, bị cáo Huỳnh Tấn Lộc (cựu TGĐ Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng) cho biết đã có đơn giải trình và xin cứu xét gửi HĐXX cũng như VKS. Chủ tọa cho hay sẽ xem xét đơn này nhưng yêu cầu bị cáo trình bày trực tiếp tại tòa.
Tiếp lời, ông Lộc nói về cơ bản nội dung cáo trạng là đúng nhưng có một số là chưa đúng. Cụ thể, khi UBND TP Đà Nẵng có chủ trương bán nhà đất công sản cho những người đang thuê, bản thân bị cáo làm doanh nghiệp, thấy cái gì có lợi thì làm.
Bị cáo Huỳnh Tấn Lộc tại tòa. Ảnh: TUYẾN PHAN
Theo lời bị cáo, Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng có nhu cầu mua nên làm đơn xin mua bốn dự án nhà đất công sản nhưng TP Đà Nẵng chỉ giải quyết cho hai dự án là số 37 Pasteur và số 57 Lê Duẩn.
Tại số 37 Pasteur, sau khi biết chủ trương của TP về việc bán nhà đất công sản, công ty đã làm công văn gửi lên UBND TP để xin mua.
Cũng giống các bị cáo khác, chủ tọa hỏi ông Lộc có quan hệ như thế nào với Phan Văn Anh Vũ? Bị cáo khai trước đây không quen biết.
Sau khi công ty được UBND TP giải quyết cho mua hai lô đất trên, bí thư Đà Nẵng và chủ tịch Đà Nẵng có gọi điện thoại cho bị cáo và nói nếu cái nào không dùng thì bán cho Vũ - giám đốc công ty của Bộ Công an.
Chủ tọa truy vấn bí thư và chủ tịch ở đây là ai? Bị cáo Lộc khai là cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh và cựu chủ tịch Trần Văn Minh.
Tiếp tục khai, ông Lộc cho biết sau đó Vũ điện cho mình và đặt vấn đề mua cả hai lô đất. Tuy nhiên, bị cáo nói rằng do trụ sở công ty đóng trên 57 Lê Duẩn nên chỉ có thể nhượng lại ở 37 Pasteur mà thôi.
“Tại sao công ty bị cáo lại đứng ra mua mà không để Vũ đứng ra?” - chủ tọa hỏi.
Đáp lời, bị cáo Lộc giải thích do công ty bị cáo làm đơn xin mua từ trước và TP đã đồng ý. Khi Vũ đặt vấn đề mua tại 37 Pasteur, bị cáo có trao đổi rằng chỉ bán được tài sản trên đất và nếu Vũ mua các tài sản trên đất này thì công ty sẽ giúp Vũ làm thủ tục nhận chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất.
Thực tế, Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng chỉ bán tài sản trên đất cho Vũ, sau đó Vũ nhờ ký một số công văn, giấy tờ để mua lô đất này cho hợp thức.
Chủ tọa nhắc lại lời khai của ông Lộc trước đó, khi cho rằng việc gì có lợi cho doanh nghiệp thì làm. Vậy khi đã mua được nhà đất tại 37 Pasteur rồi thì tại sao lại bán cho Vũ, nếu vậy công ty được quyền lợi gì?
Ông Lộc nói sau khi nhượng lại cho Vũ thì cái lợi mà công ty được là Vũ trả cho 1,05 tỉ đồng, trong đó 500 triệu đồng là tài sản trên đất, 550 triệu đồng còn lại là tiền di dời và bảo quản tài sản khi bàn giao cho Vũ. Công ty có lợi là lợi số tiền này. Đồng thời, bị cáo khẳng định cá nhân mình không được lợi gì.
HĐXX cũng hỏi ông Lộc về những điểm trong cáo trạng mà bị cáo cho là chưa đúng?
Cựu TGĐ Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng dẫn lại nội dung cáo trạng cáo buộc công ty này được hưởng lợi số tiền 837 triệu đồng sau khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Vũ.
Tuy nhiên, theo bị cáo, đây là lợi nhuận trước thuế của công ty chứ không phải tiền Vũ đưa thêm. Sau khi bán xong, công ty đã đóng thuế 182 triệu đồng, do vậy lợi nhuận sau thuế chỉ còn 654 triệu đồng. Số tiền này, công ty dùng để trả lương cho người lao động, chia cổ tức cho cổ đông.
Chủ tọa cũng đặt vấn đề nếu thời điểm đó Phan Văn Anh Vũ tự đứng tên xin mua nhà đất tại 37 Pasteur thì có đủ điều kiện? Bị cáo Lộc nói lúc đó nghĩ là được, nhưng sau này bị khởi tố thì mới biết là không được. Nguyên nhân là do hiểu biết pháp luật của bản thân còn hạn chế.
“Nếu lúc đó nghĩ là được thì tại sao công ty không rút đơn để cho Vũ tự mua?” - chủ tọa truy vấn. Bị cáo này vẫn lấy lý do vì hiểu biết pháp luật hạn chế, nghĩ rằng việc công ty chuyển nhượng lại cho Vũ là được.
Bị cáo thừa nhận cáo trạng quy kết mình giúp sức cho Vũ “nhôm” để mua được nhà đất tại 37 Pastuer, bản thân mình có tội nhưng không đến mức như cáo trạng truy tố, như vậy là quá nặng.