Trước đó PV Pháp Luật TP.HCMcó buổi làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Đức Truyền tại trụ sở Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà (tỉnh Phú Thọ). Tại đây, ông Truyền xác nhận số dầu thải mà các bị can đổ xuống nguồn nước sạch nhà máy sông Đà có nguồn gốc từ công ty của mình. Theo ông Truyền, dầu thải này xuất phát từ quá trình vận hành hệ thống các máy ép, máy nâng. Công ty không có chủ trương cung cấp dầu thải cho các bị can mà đây là do nhân viên phòng vật tư lén lút tuồn ra ngoài. Thực tế, dầu thải đều được công ty gom lại và thuê Công ty Môi trường xanh Minh Phúc (Hải Dương) xử lý.
Tuy nhiên, tại văn bản đính chính thông tin, Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà cho hay hiện tại không còn ký hợp đồng với Công ty Môi trường xanh Minh Phúc mà thay vào đó là Công ty CP Môi trường công nghệ cao Hòa Bình (Công ty Hòa Bình). Thời điểm ký hợp đồng là vào đầu năm 2019.
Giải thích về việc nhầm lẫn trên, ông Truyền cho rằng do các tài liệu liên quan đã bị cơ quan công an thu giữ, nhân viên đưa cho ông bản hợp đồng cũ nên ông đưa lại cho báo chí.
Khu vực chứa dầu thải của Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà. Ảnh: TUYẾN PHAN
PV đặt vấn đề trong thời gian chấm dứt hợp đồng với Công ty Môi trường xanh Minh Phúc (cuối năm 2017) đến khi ký hợp đồng mới với Công ty Hòa Bình (đầu năm 2019) thì chất thải của công ty thuê đơn vị nào xử lý. Ông Truyền nói do toàn bộ hồ sơ đã bị công an thu giữ nên không thể nhớ và cung cấp ngay được.
Trước đó, trong suốt buổi trao đổi với PV, ông Truyền luôn khẳng định dầu thải của công ty ông đều được gom lại để chờ Công ty Môi trường xanh Minh Phúc đến lấy xử lý. “Phải đủ khoảng 15 m3 thì họ mới đến thu một lần nhưng chưa đủ thì sự việc đã xảy ra” - ông Truyền thông tin.
Một diễn biến khác, tại biên bản kiểm tra của Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) do chính Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà cung cấp cho PV, vào năm 2012, công ty này có hai dây chuyền sản xuất được cấp phép sử dụng nhiên liệu chiết xuất từ săm, lốp cao su thải. Theo đó, quá trình vệ sinh, súc rửa các béc đốt dầu sẽ phát sinh khoảng 1 kg cặn dầu lẫn dung môi súc rửa mỗi ngày. Số dầu này được thu gom, đổ vào téc nhựa loại 1.000 lít lưu giữ tại khu vực để thùng dầu thải của công ty.
Nhiều chuyên gia hóa học cho rằng công nghệ nung lốp cao su phế thải ngoài thu được dầu FO-R làm nhiên liệu đốt thì còn có than carbon, khí gas, thép dây và một phần cặn lẫn với nước nhiễm dầu (còn gọi là dầu thải). Dầu thải này không thể cháy, cực bền về hóa học, mùi hôi đặc trưng, tiếp xúc qua bay hơi cũng có thể gây nôn mửa, dị ứng, rất độc hại nếu phát tán ra môi trường….
Trả lời vấn đề trên, ông Truyền thừa nhận trước đây công ty có sử dụng công nghệ đốt săm, lốp cao su để lấy dầu đốt. Tuy nhiên, khoảng 3-4 năm trở lại đây, sau khi hợp tác với “đối tác bên Mỹ” và sử dụng “công nghệ 4.0”, công ty đã không còn dùng công nghệ này nữa, thay vào đó là dầu diesel rồi đến khí gas công nghiệp.
Đáng chú ý, khi được hỏi bà Nguyễn Thị Huyền Trang (con gái ông Truyền) và ông Trần Thành Trung (nhân viên phòng vật tư) hiện nay vẫn tiếp tục làm việc với công an hay đã trở về công ty, ông Truyền nói không biết.