Như đã đưa tin, Công an tỉnh Hòa Bình đang tạm giữ ba nghi phạm trọng vụ án xả dầu thải vào nguồn nước Nhà máy sông Đà, gồm: Lý Đình Vũ, Nguyễn Chương Đại (cùng trú tại Thuận Thành, Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (trú tại Văn Quan, Lạng Sơn).
Chiều 21-10, PV PLO đã trực tiếp có mặt tại trụ sở Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) - nơi cung cấp số dầu thải bị đổ vào nguồn nước sạch Nhà máy sông Đà.
Ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà.
Ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT công ty, cung cấp một số thông tin đáng chú ý. Trong đó, ông Truyền khẳng định số dầu trên bị lén lút tuồn ra ngoài chứ không phải chủ trương của công ty. Người thực hiện hành vi là cán bộ phòng vật tư tên Trần Thành Trung.
Đồng thời, ông Truyền bác bỏ thông tin cho rằng số dầu thải được một nữ giám đốc tên là Trang thuê các đối tượng đổ thải. Dù vậy, ông Truyền xác nhận mình có một người con gái là Nguyễn Huyền Trang (31 tuổi), là nhân viên phòng kinh doanh chứ không giám đốc gì. Hiện bà Trang cũng được công an mời lên làm việc.
Đáng chú ý, ông Truyền chỉ đạo nhân viên đưa cho PV một biên bản kiểm tra (được lập vào ngày 19-10) của đoàn công tác gồm đại diện Cục Cảnh sát môi trường Bộ Công an, Công an tỉnh Hòa Bình, Công an tỉnh Phú Thọ… về vấn đề chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà.
Theo nội dung biên bản, tại thời điểm kiểm tra, khu vực lưu giữ dầu thải thuộc kho vật tư công ty đang lưu giữ 4 téc nhựa loại 1.000 lít và 12 vỏ phuy sắt, nhựa dính dầu thải. Tổng số lượng dầu thải đang lưu giữ tại khu vực trên là 400 lít. Ngoài ra, khu vực để dầu thải thuộc kho gần máy ép thủy lực của dây chuyền sản xuất số 1 và số 2 đang lưu giữ 17 phuy sắt dầu thải.
Qua làm việc xác định khoảng tháng 9-2019, Vũ liên lạc qua điện thoại với bà Nguyễn Huyền Trang (trợ lý giám đốc) đề xuất việc tiếp nhận, xử lý tái chế số dầu thải đang lưu giữ tại Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà và được bà Trang đồng ý.
Theo thỏa thuận miệng, bà Trang phải trả cho Vũ chi phí vận chuyển, thu gom và xử lý dầu thải là 1.000 đồng/lít.
Khu vực chứa dầu thải của Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà.
Đến ngày 7-10, Vũ gọi điện thoại cho bà Trang để lấy dầu nhưng bà Trang đi vắng. Bà Trang giao lại việc này cho Nguyễn Thành Trung (nhân viên phòng vật tư).
8 giờ sáng cùng ngày, Đại điều khiển xe tải cùng với Thám tới Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà để lấy dầu cho Vũ. Ông Trung gặp và trao đổi với hai đối tượng trên, đồng thời giao cho một nhân viên hỗ trợ việc hút dầu thải từ các téc dầu loại 1 m3 và loại 120 lít.
Khoảng 13 giờ, việc hút dầu hoàn tất. Xe đi qua trạm cân của công ty với lượng dầu thải là gần 9.000 kg.
Đoàn công tác đã kết luận Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà chuyển giao chất thải nguy hại (dầu thải) cho tổ chức, cá nhân không có chức năng xử lý chất thải nguy hại theo quy định. Cụ thể, công ty đã chuyển gần 9.000 kg dầu thải cho hai đối tượng Đại và Thám để mang đi xử lý. Tuy nhiên, công ty không ký hợp đồng, không thu thập hồ sơ về tư cách pháp nhân, chức năng xử lý chất thải nguy hại của các đối tượng trên.
Đại diện công ty thừa nhận các vi phạm nêu trên, cam kết sẽ thực hiện tốt pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện đúng, đầy đủ nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường chi tiết đã được phê duyệt. Công ty cũng cam kết sẽ cung cấp các chứng từ chất thải nguy hại, các báo cáo quản lý chất thải nguy hại trong thời gian từ năm 2014 đến nay theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.
Như vậy, giữa thông tin do trực tiếp ông Truyền cung cấp và nội dung biên bản kiểm tra có sự mâu thuẫn. Điển hình là vị trí công việc thực sự của bà Trang ở công ty, việc giao nhận dầu thải giữa công ty và các nghi phạm đã được sự đồng ý của bà Trang,…
Giải thích về điều này, ông Truyền chỉ nói đây là việc của cơ quan công an, họ sẽ làm rõ. Bà Trang là con gái của ông, vì vậy nếu ông thanh minh sẽ không khách quan.