Vụ DN kiện bộ trưởng Bộ Công thương: Tòa trả đơn kiện là đúng!

Vấn đề cần đặt ra là liệu cá nhân, tổ chức có quyền khởi kiện hành vi ban hành thông tư như trên?

Xin tóm tắt vụ việc để bạn đọc dễ hình dung: Năm 2009, cơ quan quản lý thị trường phát hiện một lô hàng của doanh nghiệp Tam Đảo không có giấy tờ, nguồn gốc. Sau đó, UBND quận 6 (TP.HCM) đã căn cứ vào Thông tư 12/2007/TTLT-BTC-BTM-BCA để ra quyết định xử phạt Tam Đảo gần 70 triệu đồng.

Phía Tam Đảo cho rằng Thông tư 12 là thông tư hướng dẫn cũ. Việc bộ trưởng Bộ Công thương vẫn chỉ đạo áp dụng là sai, vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó, Tam Đảo khởi kiện yêu cầu TAND TP.HCM buộc bộ trưởng Bộ Công thương phải hủy bỏ ngay Thông tư 12 và khắc phục hậu quả do các cơ quan, ban, ngành đã ra các quyết định xử phạt hành chính trái pháp luật liên quan đến thông tư. Tam Đảo còn yêu cầu bộ trưởng Bộ Công thương bồi thường 2,5 tỉ đồng thiệt hại thực tế của doanh nghiệp...

Thẩm phán Lê Thành Văn (Phó Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai) nhận xét trong trường hợp này, doanh nghiệp không thể kiện hành vi ban hành, chỉ đạo áp dụng thông tư liên tịch của bộ trưởng Bộ Công thương nên TAND TP.HCM trả lại đơn kiện là đúng.

Vụ DN kiện bộ trưởng Bộ Công thương: Tòa trả đơn kiện là đúng! ảnh 1

Ông Văn lý giải: Luật quy định chỉ những quyết định hành chính, hành vi hành chính nào gây thiệt hại trực tiếp cho cá nhân hay tổ chức mới là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

Ở đây, hành vi ban hành thông tư liên tịch của bộ trưởng Bộ Công thương không phải là hành vi hành chính được quy định trong Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Mặt khác, việc ban hành văn bản pháp quy này không liên quan đến một cá nhân hay doanh nghiệp nào cả mà để áp dụng chung, tức không gây thiệt hại trực tiếp cho doanh nghiệp.

Vì thế doanh nghiệp chỉ có thể khởi kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND quận 6. Trong quá trình xét xử, tòa sẽ phân tích những quy định tại thông tư là đúng hay sai. Tuy nhiên, giả sử thông tư có lạc hậu, không phù hợp thực tế…, tòa cũng không có quyền tuyên hủy mà chỉ có quyền kiến nghị cơ quan ban hành xem xét lại.

Đồng tình, kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao) bổ sung: Việc coi lại tính hợp pháp của căn cứ xử phạt hành chính là nhiệm vụ của tòa vì như vậy mới giải quyết được vụ án. Nếu thấy văn bản pháp luật đó sai, tòa cũng không có quyền phủ quyết nhưng có nhiệm vụ kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Cục Kiểm tra văn bản, bản thân các cơ quan ban hành văn bản xem xét, thu hồi hoặc chỉnh sửa.

Tương tự, các chuyên gia pháp lý mà chúng tôi trao đổi đều khẳng định rằng thông tư liên tịch là một văn bản pháp quy chứ không phải là một quyết định hành chính nên bản thân thông tư cũng không phải là đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính.

14 năm chưa có vụ kiện hành vi hành chính nào

Tại hội thảo góp ý về dự luật Tố tụng hành chính do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức hồi tháng 7-2010, Tòa Hành chính TAND Tối cao cho biết kể từ khi Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính ra đời đến nay đã 14 năm mà chưa hề có một vụ kiện hành vi hành chính nào.

Theo nhiều thẩm phán, thực tế có hàng loạt hành vi hành chính của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền là đối tượng thụ lý, giải quyết của tòa án nhưng bản thân họ vẫn chưa hiểu hết các khái niệm. Đó là việc chưa tách biệt được thế nào là hành vi hành chính của cơ quan nhà nước với hành vi hành chính của người đứng đầu cơ quan nhà nước và hành vi hành chính mang tính nội bộ...

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm