Chiều 20-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vụ bảo vệ dân phố và công an phường 17, quận Bình Thạnh bị tố cưỡng đoạt tiền của sinh viên CHĐ, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, thông tin: “Tôi đã chỉ đạo làm nhanh, khẩn trương, đúng quy định pháp luật và phải làm thật nghiêm vụ này”.
Đang tích cực làm rõ
Thanh tra Công an TP.HCM, đơn vị được Trung tướng Lê Đông Phong chỉ đạo trực tiếp xử lý vụ việc ban đầu, cũng cho hay đang khẩn trương thực hiện chỉ đạo của giám đốc, làm việc với những người liên quan và từ chối cung cấp thêm thông tin.
PV cũng đã liên lạc với lãnh đạo Công an quận Bình Thạnh để nắm thông tin có tạm đình chỉ hay có động thái gì với những người liên quan nhưng không nhận được câu trả lời.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, sinh viên CHĐ trình bày là tối 17-12, anh bị một nhóm sáu người mặc thường phục chặn xe. Một người xuất trình thẻ công an và đưa anh Đ. về phường để kiểm tra hành chính (sau này xác định là Thiếu úy Phạm Thái Vinh). Sau khi giữ giấy tờ, kiểm tra cốp xe của anh Đ. thấy có con dao khoảng
4 cm (anh Đ. giải thích đang là sinh viên trường nghiệp vụ du lịch, làm đầu bếp nên mua con dao để rạch các thùng hàng) thì công an quy là “sắm dao để đi cướp”. Sau khi đánh, dùng chính con dao của anh Đ. chọc vào cánh tay, dọa nạt thì Thiếu úy Vinh và bảo vệ dân phố Nguyễn Hoàng Minh buộc anh Đ. viết giấy bán xe với giá 15 triệu đồng. Sau đó hai người này đã giữ xe mà không có bất kỳ biên bản, giấy tờ gì và hẹn Đ. ngay hôm sau mang 10 triệu đồng đến chuộc với gợi ý là “cầm điện thoại, nhẫn vàng để lấy tiền...”.
Ngày 18-12, khi Minh chạy xe của Vinh đến chỗ hẹn lấy tiền thì bị tổ công tác Thanh tra Công an TP.HCM mời về làm việc.
Vụ việc gây bức xúc trong dư luận những ngày qua, nhiều bạn đọc yêu cầu công an xác minh, xử lý nghiêm.
Bảo vệ dân phố bị thanh tra công an đưa về trụ sở làm việc. Ảnh: Tân - Trà
Có dấu hiệu tội cưỡng đoạt tài sản
Theo luật sư Nguyễn Quốc Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM), Bộ luật Hình sự quy định: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực là hành vi thể hiện thái độ, cử chỉ, lời nói tạo cho người bị đe dọa cảm giác lo sợ và tin rằng người phạm tội sẽ dùng bạo lực nên người bị đe dọa phải giao tài sản.
Còn hành vi dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác được hiểu là dùng các thủ đoạn gây áp lực về tinh thần của người bị hại, đe dọa sẽ làm một việc gây thiệt hại về tài sản, danh dự, uy tín người bị uy hiếp, buộc họ phải giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt.
Các thủ đoạn thường sử dụng là lợi dụng những lỗi lầm, khuyết điểm của người bị hại để đe dọa...
Theo thông tin báo chí đăng tải, sau khi đưa sinh viên Đ. về phường thì có người đánh vào mặt anh Đ., dùng con dao chọc vào cánh tay, dọa nạt bỏ tù về hành vi tàng trữ hung khí… rồi yêu cầu viết giấy mua bán xe.
Đây là một chuỗi hành vi nhằm đe dọa, uy hiếp tinh thần của sinh viên Đ. để chiếm đoạt tài sản nên có dấu hiệu phạm tội cưỡng đoạt tài sản như đã phân tích ở trên.
Đồng tình, luật sư Phạm Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói thêm sau khi anh Đ. không có tiền nộp, hai người này yêu cầu anh Đ. viết giấy mua bán xe. Khi anh Đ. chỉ xoay xở được 8,5 triệu đồng và liên hệ với Vinh xin giảm giá thì người này còn mặc cả là phải đưa đủ 9 triệu đồng mới giao xe. Hành vi này nhằm uy hiếp tinh thần khiến anh Đ. sợ hãi, lo lắng và phải giao tiền để chuộc xe nên dấu hiệu phạm tội cưỡng đoạt tài sản đã rõ.
Cạnh đó, đặc trưng của tội cưỡng đoạt tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức. Tức tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi chứ không phụ thuộc vào kết quả có chiếm đoạt được tài sản hay không. Vì vậy, dù sau đó thiếu úy công an và bảo vệ dân phố chưa chiếm đoạt được tiền (chưa giao tiền) nhưng tội phạm đã hoàn thành.
Cơ quan chức năng cần sớm điều tra, xử lý để trấn an dư luận. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
“Công gì thì công, làm bậy phải xử” Gặp lại chúng tôi, anh CHĐ kể: “Khi tôi ngồi trong quán cà phê cùng anh chị PV báo Pháp Luật TP.HCM kể lại câu chuyện thì anh chị nói sẽ báo lên Công an TP.HCM để xử lý vụ việc. Ban đầu tôi cũng lo nhưng chỉ lát sau các anh thanh tra công an tới. Sau đó có anh ra ngoài gọi điện thoại rồi vào nói lại: “Giám đốc nói rồi (Trung tướng Lê Đông Phong - PV), công gì thì công, làm bậy phải xử”. Các anh động viên tôi và giúp đỡ tôi rất nhiệt tình. Tối đó, làm việc xong, tôi về nhà thì một anh Thanh tra Công an TP.HCM gọi tới bảo “đã tìm thấy xe em rồi, đừng lo”. Sau đó tôi chạy lên, thấy xe mừng quá trời. Xong hết công việc thì muộn lắm rồi, tôi đứng đợi, anh thanh tra công an và mọi người đợi tới khi bạn tôi đón mới chịu ra xe về. Qua báo Pháp Luật TP.HCM, tôi muốn gửi lời cảm ơn tới giám đốc Công an TP.HCM và các anh thanh tra công an. Số tiền hơn 8 triệu do “cắm” sạch đồ để đi chuộc xe, tôi đã mang về chuộc lại hết số đồ trên. Gần 2 triệu mượn thêm bạn tôi cũng đã trả lại. Lần nữa, tôi rất cảm ơn giám đốc và các anh thanh tra Công an TP.HCM”. |