Vụ hàng loạt doanh nghiệp bị lừa:Liệu có đòi được tiền?

Ông Nguyễn Trọng Thùy, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Sóng Thần, phân tích về vụ việc này.

Ông Nguyễn Trọng Thùy, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Ông Nguyễn Trọng Thùy, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

. Phóng viên:Thưa ông, việc đưa điều khoản “khớp chữ ký” có thông dụng, bình thường hay bất thường trong thanh toán quốc tế?

+ Trọng tài viên Nguyễn Trọng Thùy: Gốc rễ vấn đề tại sao bên mua yêu cầu như thế mà bên bán cũng chấp nhận thì tôi không được rõ.

Tuy nhiên, việc đưa vào L/C điều kiện kiểm tra mẫu chữ ký của người mở L/C là trái với quy định của Điều 4 UCP 600 (bộ quy tắc được L/C dẫn chiếu áp dụng nên bất cứ ai liên quan đến giao dịch L/C này đều phải tuân thủ). Các doanh nghiệp (DN) nên cảnh giác với điều kiện bất bình thường đó. 

Nếu chấp nhận thỏa thuận trên thì phải yêu cầu gửi mẫu chữ ký đó cho ngân hàng thông báo L/C (là ngân hàng tại Việt Nam) bằng văn bản, để ngân hàng kiểm tra. Thực tế, DN và ngân hàng của ta không thể khẳng định và kết luận các chữ ký có khớp đúng hay không, vì không có mẫu chữ ký để so sánh, mà phụ thuộc hoàn toàn vào General Equity, là ngân hàng mở L/C.

Ngay cả khi có mẫu chữ ký để kiểm tra, rủi ro cũng có thể xảy ra nếu bên mua gian dối như cố tình ký sai chữ ký mẫu, hay cho người khác ký...

Tóm lại, điều kiện kiểm tra mẫu chữ ký cần phải hủy bỏ trong L/C nếu DN muốn tránh rủi ro.

. Ngân hàng tại Việt Nam có thể thông báo L/C mà không cần xem nội dung thỏa thuận và tính xác thực của nó?

+ UCP 600 quy định ngân hàng thông báo chịu trách nhiệm về tính chân thực bên ngoài (the apparent authenticity) của L/C. Nghĩa là tối thiểu họ cũng phải xác thực rằng L/C này là của ngân hàng A hay B nào đó (chứ không phải L/C giả mạo) nhưng không chịu trách nhiệm về nội dung. 

Do đó, xét về trách nhiệm ngân hàng thông báo (là các ngân hàng tại Việt Nam) không có lỗi khi không “quan tâm” đến thỏa thuận của các bên. 

Nhưng xét về sự tinh thông nghiệp vụ, uy tín và nhiệt tình hỗ trợ khách hàng thì các ngân hàng thông báo đã không thể hiện vai trò của mình trong mối quan hệ với DN. Trong thư thông báo, các ngân hàng đều dùng mẫu chung, có câu miễn trách nhiệm của họ về nội dung L/C.

Điều này thể hiện tính thụ động của ngân hàng trong nghiệp vụ thanh toán quốc tế, không thể hiện vai trò tư vấn cho DN xuất nhập khẩu. Ngược lại, nếu ngân hàng làm tốt điều này, có thể đã không xảy ra rủi ro như hiện nay.

. Trong thông báo cảnh báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt nam (VASEP) có thông tin rằng Ngân hàng General Equity đã đóng cửa từ năm 2014 nhưng vẫn mở được L/C và chuyển điện về Việt Nam. Liệu có chuyện một ngân hàng đóng cửa rồi mà mở được L/C và vẫn được các ngân hàng tại Việt Nam xác thực và thông báo xác thực?

+ Chuyện này hoàn toàn vô lý! Nếu ngân hàng này đã bị đóng cửa cách đây hai năm thì không thể có L/C do họ phát hành. Rồi cả một quá trình giao dịch qua lại về L/C giữa họ và ngân hàng tại Việt Nam.

Nếu điều này là có thật thì cần nghĩ đến sự lừa đảo và phải xét đến vai trò của ngân hàng thông báo L/C tại Việt nam.

Bởi để có giao dịch L/C, các ngân hàng trên thế giới phải thiết lập quan hệ đại lý, chuyển cho nhau các hồ sơ, công cụ kiểm tra, kiểm soát. Các ngân hàng mở L/C cho nhau bằng hệ thống SWIFT, hoặc dùng mã khóa kiểm tra (testkey).

Ngân hàng thông báo tại Việt Nam đã sử dụng công cụ kiểm tra tính chân thực của điện mở L/C qua SWIFT. Nếu nghi ngờ, họ phải kiểm tra lại hoặc thông báo cho nhà xuất khẩu biết để xử lý, tránh bị lừa, đúng quy định của UCP 600.

Nếu họ thông báo L/C xác thực cho DN thì họ phải chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra, trừ khi họ chứng minh được rằng họ đã làm hết trách nhiệm và cẩn thận một cách hợp lý nhưng không thể phát hiện và sự lừa đảo.

. Liệu DN thủy sản Việt Nam có phải sang Canada tìm Echopack INC để đòi nợ hay không, vì công ty này đã có dấu hiệu lừa đảo khi đăng ký một chữ ký khác với chữ ký trong hợp đồng mua bán.

+ Chúng ta có hai cửa đòi nợ: Theo hợp đồng thương mại và theo L/C.

Đòi tiền theo L/C là hiệu quả nhất vì ngân hàng phát hành mất quyền từ chối thanh toán chứng từ xuất trình không phù hợp với L/C, theo Điều 14 (b) và 16 (f), UCP 600. Tất nhiên là với điều kiện ngân hàng này vẫn đang hoạt động và L/C là của chính họ phát hành. Ngân hàng thương mại rất tôn trọng chữ tín, do vậy họ không để ta kiện rồi mới trả tiền. Trong vụ này, ngân hàng phát hành sai hoàn toàn, ta nắm chắc 100% phần thắng.

Để chuẩn bị kiện ngân hàng phát hành nếu họ không thanh toán, ta chuẩn bị đầy đủ tài liệu. Có thể ta gửi hồ sơ đến Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), Paris để có ý kiến của họ, qua con đường chính thức theo quy định: ICC DOCDEX RULES. Quyết định của tổ chuyên gia ICC là cơ sở và là tài liệu tham khảo để tòa ra phán quyết.

Đòi tiền theo hợp đồng thương mại thì rất gian nan và có thể kẻ lừa đảo đã biến mất!

. Thưa ông, DN thủy sản cũng như DN khác, có thể bắt tay vào giải quyết vụ việc này như thế nào?

+ Trước hết, cần xác minh thực trạng Ngân hàng General Equity như thế nào. Nếu đây là L/C giả mạo thì quay về tìm ngân hàng trong nước để yêu cầu họ giải thích vì tại sao họ thông báo với câu: "...đã được kiểm tra tính xác thực..." nhưng thực tế ngân hàng phát hành đã bị đóng cửa từ năm 2014? 

. Giả sử Ngân hàng General Equity đang trên đường khánh kiệt, không có tài sản gì để thanh toán thì việc DN Việt đi kiện cũng không lấy lại được gì?

+ Ngân hàng thương mại quốc tế rất trọng uy tín. Nếu họ là một ngân hàng đang hoạt động bình thường mà bị kiện, bị thua kiện, không chịu thanh toán thì họ sẽ bị thiệt hại về uy tín, bị nêu tên, xếp hạng tín nhiệm thấp và sẽ mất khách hàng.

Số tiền ta đòi tuy vài trăm ngàn USD nhưng vẫn là quá nhỏ đối với một ngân hàng bình thường. Trong giao dịch quốc tế, không ai yêu cầu ngân hàng đem tài sản thế chấp, mà chỉ cần ký quỹ nếu họ được đề nghị xác nhận L/C. Còn nếu ngân hàng này sắp phá sản thì ta là chủ nợ, được nhận bồi thường theo Luật Phá sản của nước sở tại. 

. Xin cám ơn ông.

Tóm tắt vụ việc

Như đã thông tin, hàng chục DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam bị chung một đối tác nước ngoài là Công ty Echopack (người đại diện là Jason Brown) lừa đảo lấy hàng rồi “quỵt” không chịu trả tiền, các DN tìm cách liên hệ thì đối tác đã lặn mất tăm. 

Theo cảnh báo của VASEP thì công ty trên ký hợp đồng mua thủy sản của DN Việt Nam. Việc thanh toán thông qua Ngân hàng General Equity ở New Zealand. Các bên thỏa thuận yêu cầu là chữ ký của Echopack tại General Equity phải trùng với chữ ký của Echopack trên hợp đồng thương mại.

Tuy nhiên, khi DN Việt Nam gửi bộ hồ sơ, yêu cầu General Equity thanh toán thì ngân hàng này chậm phản hồi đến 100 ngày. Sau đó cho rằng chữ ký trên hợp đồng và chữ ký của Echopack tại General Equity là không khớp nhau nên đã không chịu thanh toán cho bên bán thủy sản.

Các DN Việt Nam tìm hiểu và phát hiện bên mua đã nộp cho ngân hàng hợp đồng có chữ ký khác với chữ ký trên hợp đồng giữa hai bên.

VASEP và các DN nhận định người mua là Echopack và Ngân hàng General Equity đã câu kết lấy hàng và không thanh toán tiền hàng. Echopack có ý định lừa đảo vì đã lấy hợp đồng có chữ ký khác với hợp đồng đã ký giữa hai bên để mở L/C và trong L/C đã gài điều khoản chữ ký. General Equity cố ý làm sai quy định thanh toán của L/C. Có thông tin rằng Ngân hàng General Equity tại New Zealand đã đóng cửa từ năm 2014 nhưng vẫn mở được L/C và chuyển điện về Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm