Hàng loạt doanh nghiệp Việt 'sập bẫy' đối tác ngoại

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa cho biết thời gian qua đã có nhiều công ty thủy sản bị lừa đảo và có nguy cơ mất hàng trăm ngàn USD với một khách hàng nước ngoài. Đó là Công ty Echopack INC với người đại diện tên Jason Brown ở Canada.

Điều khoản lạ

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Gò Đàng, cho hay đã bán nhiều lô hàng thủy sản trị giá hơn 100.000 USD nhưng không nhận được tiền từ Công ty Echopack.

Cụ thể Gò Đàng giao dịch với đối tác trên theo phương thức mở L/C, tức tín dụng thư do ngân hàng phát hành. Nói nôm na L/C là thư cam kết của ngân hàng về việc trả tiền cho người xuất khẩu. Theo đó, Echopack mở L/C tại ngân hàng có tên General Equity ở New Zealand; phía Gò Đàng giao hàng và bộ chứng từ xong, ngân hàng trên sẽ chuyển tiền thanh toán.

“Nhưng chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian, làm rất nhiều cách mà ngân hàng này không chuyển tiền thanh toán. Còn phía Công ty Echopack cũng tương tự. Công ty này đã có dấu hiệu lừa đảo khi đăng ký một chữ ký khác với chữ ký trong hợp đồng mua bán” - ông Đạo buồn rầu nói.

Đại diện một số công ty thủy sản khác cũng thừa nhận họ đã bị Echopack lừa với phương thức tương tự. Theo VASEP, đến thời điểm này đã có khoảng 10 doanh nghiệp (DN) Việt là nạn nhân của Công ty Echopack.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, giải thích thêm Công ty Echopack ký hợp đồng mua thủy sản của các DN Việt Nam. Việc thanh toán thông qua Ngân hàng General Equity. Các bên thỏa thuận yêu cầu là chữ ký của Echopack tại General Equity phải trùng với chữ ký của Echopack trên hợp đồng thương mại.

Tuy nhiên, khi các công ty Việt Nam gửi bộ hồ sơ, yêu cầu General Equity thanh toán thì ngân hàng này chậm phản hồi đến 100 ngày. Sau đó họ còn cho rằng chữ ký trên hợp đồng và chữ ký của Echopack tại General Equity là không khớp nhau nên không chịu thanh toán cho bên bán thủy sản là các công ty Việt.

Nhiều DN Việt Nam đã tìm hiểu và phát hiện ra sự thật bên mua đã nộp cho ngân hàng hợp đồng có chữ ký khác với chữ ký trên hợp đồng giữa hai bên…

“Từ đó hiệp hội và các công ty xuất khẩu thủy sản cùng nhận định người mua là Echopack và Ngân hàng General Equity đã câu kết lấy hàng và không thanh toán tiền hàng. Echopack có ý định lừa đảo vì đã lấy hợp đồng có chữ ký khác với hợp đồng đã ký giữa hai bên để mở L/C và trong L/C đã gài điều khoản chữ ký. General Equity cố ý làm sai quy định thanh toán của L/C” - ông Trương Đình Hòe khẳng định.

Nhiều DN thủy sản Việt Nam ngậm trái đắng vì không kiểm tra kỹ thông tin đối tác. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Gò Đàng. Ảnh: QH

Nên kiện ra tòa

VASEP đã gửi cảnh báo cho các công ty thủy sản trên cả nước để cảnh giác với Công ty Echopack. Đồng thời lưu ý DN Việt khi mua bán với các đối tác nước ngoài cần phải nắm rõ khách hàng, xác nhận thông tin qua đại sứ quán, thương vụ Việt Nam tại thị trường đó.

Phân tích thêm về câu chuyện trên, ông Nguyễn Trọng Thùy, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Sóng Thần, cho rằng các DN nên cẩn trọng với các thỏa thuận lạ. Cụ thể trong trường hợp trên, việc đưa vào L/C điều kiện kiểm tra mẫu chữ ký của người mở L/C là trái với quy định của Điều 4 UCP 600 (bộ quy tắc được L/C dẫn chiếu áp dụng nên bất cứ ai liên quan đến giao dịch L/C này đều phải tuân thủ). Điều này cũng có nghĩa bên xuất khẩu phải thương lượng hủy bỏ điều kiện này trong L/C nếu muốn tránh rủi ro.

Bởi thực tế nhà xuất khẩu của ta không thể khẳng định và kết luận các chữ ký có khớp đúng hay không, vì không có mẫu chữ ký để so sánh, mà phụ thuộc hoàn toàn vào sự tuyên bố của ngân hàng mở L/C.

Ngay cả khi ngân hàng bên xuất khẩu có mẫu chữ ký để kiểm tra, rủi ro cũng có thể xảy ra nếu bên mua gian dối. Họ cố tình ký sai chữ ký mẫu, hay cho người khác ký...

Về hướng giải quyết vụ việc này, ông Thùy cho rằng việc đòi lại tiền là rất gian nan và có thể kẻ lừa đảo đã biến mất.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng DN Việt có một điểm lợi thế. Đó là khi họ gửi bộ hồ sơ yêu cầu thanh toán, phía General Equity đáng lẽ phải trả lời trong vòng năm ngày nhưng họ đã trả lời rất trễ đến 100 ngày. Theo quy tắc, ngân hàng không trả lời trong vòng năm ngày thì mất quyền khiếu nại về sự hợp lý của bộ hồ sơ. Do General Equity đã trả lời trễ nên dù hồ sơ thế nào, họ cũng phải thanh toán cho các công ty thủy sản Việt Nam” - ông Thùy phân tích.

Ông Thùy cũng khuyến cáo các DN nên kiện, vì không được tiền thì cũng được một bài học rõ ràng. “Nếu như vụ việc nào chúng ta cũng sợ mất công, mất sức đi kiện mà không được tiền thì mãi mãi chúng ta vẫn bị lừa”.

Một số lưu ý khi xuất khẩu

Theo VASEP, đối với khâu thanh toán, lưu ý tìm hiểu nguyên tắc, thông lệ quốc tế để nắm rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan.

Trong quá trình thực hiện giao dịch, DN có thể cân nhắc việc sử dụng các dịch vụ của ngân hàng (như xác nhận thư tín dụng, chiết khấu miễn truy đòi, bao thanh toán xuất khẩu…) để có thêm sự đảm bảo cho khả năng đòi tiền từ phía ngân hàng cung cấp dịch vụ, cũng như hỗ trợ DN tìm hiểu, đánh giá các thông tin về nhà nhập khẩu, đơn vị phát hành thư tín dụng.

Đề nghị Bộ Công an vào cuộc

Có thông tin Ngân hàng General Equity tại New Zealand đã đóng cửa từ năm 2014 nhưng vẫn mở được L/C. Hiệp hội đã gửi công văn cho Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương và đại sứ quán các nước có trụ sở của Công ty Echopack và Ngân hàng General Equity để điều tra thông tin lừa đảo, hỗ trợ DN Việt Nam.

Bên cạnh đó, các DN cũng đang có phương án giải quyết bằng pháp luật với công ty lừa đảo Echopack.

Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE,  Tổng Thư ký VASEP

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm