Sáng 12-5, tại buổi giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ đã thông tin một số nội dung liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải.
Theo đó, phiên xử giám đốc thẩm vụ án có 70 cơ quan báo chí chính thống đưa tin và đều khách quan, trung thực. Tuy nhiên, TAND Tối cao quan sát, theo dõi thông tin trên mạng xã hội thì thấy xuất hiện nhiều thông tin bịa đặt về vụ án.
Quang cảnh phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Ảnh: BTN
Cụ thể, các thông tin này có những lời lẽ kêu gọi chống phá hệ thống tư pháp và các cơ quan tiến hành tố tụng từ trung ương tới địa phương. Có những nội dung mang tính bôi nhọ, quy kết trách nhiệm cả nền tư pháp và các trưởng ngành tố tụng từ năm 2008 đến nay, đặc biệt là với chánh án TAND Tối cao đương nhiệm.
Cũng theo đại diện TAND Tối cao, sau phiên giám đốc thẩm, nhiều thẩm phán TAND Tối cao trong HĐXX đã nhận được tin nhắn đe dọa, khủng bố, xúc phạm. “Chúng tôi đánh giá đây là hành vi vi phạm pháp luật, đã trao đổi với Bộ Công an để xem xét, xử lý” - ông Tuệ cho biết.
Trong nội dung trao đổi, đại diện TAND Tối cao đã cung cấp sơ lược nội dung vụ án từ 12 năm trước, mà thủ phạm duy nhất được các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp xác định là Hồ Duy Hải và tuyên án tử hình.
Tuy nhiên, quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã gây nhiều tranh cãi khi HĐXX giám đốc thẩm không chấp nhận kháng nghị vì cho rằng đó chỉ là “sai sót, vi phạm”, không làm thay đổi bản chất vụ án.
Chủ tịch nước khóa trước đã bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của tử tù. Nhưng rồi vì có đơn kêu oan của gia đình và luật sư của Hồ Duy Hải mà sau đó Văn phòng Chủ tịch nước truyền đạt ý kiến của người đứng đầu Nhà nước yêu cầu tạm dừng thi hành án để xem xét lại. Đến khóa này, Chủ tịch nước tiếp tục yêu cầu các cơ quan tố tụng trung ương xem xét, giải quyết dứt điểm vụ án.
Về phía Quốc hội, năm 2015 đã có một cuộc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án oan, sai, trong đó có vụ Hồ Duy Hải. Sau đó, Ủy ban Tư pháp Quốc hội và đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga nhiệm kỳ này có văn bản cho rằng quá trình điều tra, truy tố, xét xử có những vi phạm nghiêm trọng cần kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Viện trưởng VKSND Tối cao sau đó ra kháng nghị đề nghị TAND Tối cao giám đốc thẩm theo hướng hủy án để điều tra lại. Tuy nhiên, phiên giám đốc thẩm kéo dài ba ngày, từ ngày 6 đến 8-5 đã bác kháng nghị này.