Ngày 17-1, phiên sơ thẩm xét xử vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến chín người tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ tư.
Các luật sư tiếp tục đặt hàng loạt câu hỏi đối với các bị cáo để làm rõ vấn đề ai là người phải chịu trách nhiệm về chất lượng nguồn nước chạy thận.
Ba bị cáo Trương Quý Dương, Trần Văn Thắng và Hoàng Đình Khiếu (từ trái qua) tại tòa. Ảnh: TP
Trách nhiệm nguồn nước thuộc về ai?
Bị cáo Trương Quý Dương (cựu Giám đốc BV) cho biết đơn nguyên thận nhân tạo về mặt tổ chức thì thuộc Khoa Hồi sức tích cực. Nhưng về mặt chuyên môn thì thực hiện theo quy chế Khoa Lọc máu. Theo đó, trách nhiệm đảm bảo nguồn nước chạy thận sẽ thuộc về trưởng khoa.
Tuy nhiên, tại đơn nguyên thận nhân tạo không có chức danh kỹ thuật viên, nhưng có đơn vị phụ trách vai trò của kỹ thuật viên, cụ thể đó là Phòng Vật tư và thiết bị y tế.
"Mỗi một bộ phận trong bệnh viện có rất nhiều trách nhiệm, có trách nhiệm trực tiếp và có trách nhiệm gián tiếp. Đảm bảo chất nước cho lọc máu thuộc trưởng khoa, trưởng khoa giao cho ai người đó sẽ chịu trách nhiệm", bị cáo Dương khẳng định.
Bị cáo Hoàng Đình Khiếu (cựu Phó Giám đốc BV, kiêm Trưởng Khoa Hồi sức tích cực tại thời điểm xảy ra sự cố) cũng cho rằng theo quy chế thì trưởng khoa lọc máu sẽ chịu trách nhiệm về nguồn nước, nhưng thực tế BV không có trưởng khoa lọc máu.
Ông Khiếu cho rằng do Khoa Hồi sức tích cực không có kĩ thuật viên nên khi máy móc xảy ra vấn đề thì trưởng khoa phải báo lại với Phòng Vật tư. “Chất lượng nước cũng giống như các loại thuốc, khoa không thể tự sản xuất mà phải lĩnh từ Phòng Vật tư hay Khoa dược về” – bị cáo Khiếu nói.
Cũng theo cựu Phó Giám đốc BV, ông không biết các nội dung có trong hợp đồng hay thời gian sửa chữa hệ thống là bao lâu. Nếu hợp đồng có nội dung xét nghiệm thì Phòng Vật tư phải phối hợp với khoa để chuyển bệnh nhân đi nơi khác. Như các lần sửa chữa trước đây, việc chạy thận cho bệnh nhân sẽ được tiến hành ngay mà không đợi kết quả xét nghiệm nước.
Đến lượt mình, bị cáo Trần Văn Sơn (cựu cán bộ Phòng Vật tư) lại khẳng định không được đào tạo về bảo đảm chất lượng nước. Sơn khai công việc của mình là sửa chữa tại đơn nguyên thận nhân tạo.
Bùi Mạnh Quốc khai sử dụng hóa chất HCL và HF để vệ sinh hệ thống RO vì không thấy có văn bản nào cấm. Ảnh: TP
Không thấy văn bản nào cấm?
LS Trần Hồng Phúc, bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, lật lại vấn đề nguyên nhân dẫn tới chín bệnh nhân tử vong là do lượng hóa chất (HF và HCL) tồn dư trong nước RO vượt quá nhiều lần cho phép.
Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) cho rằng nguyên nhân do bị cáo gây ra đến đâu thì mong HĐXX xem xét, bởi bản thân bị cáo đánh giá theo đồng hồ trên máy vẫn báo an toàn.
Quốc nói trong y tế bị cáo chưa bao giờ sử dụng HF và HCL. Nhưng hệ thống RO sử dụng cho lọc máu là trang thiết bị y tế, màng RO là màng công nghiệp, do vậy bị cáo đã dùng hai loại hóa chất này để vệ sinh.
Bùi Mạnh Quốc cũng thừa nhận từng sử dụng HF và HCL để sục rửa nhiều lần nhưng chưa có nơi nào cấm sử dụng. Nếu như có văn bản cụ thể quy định không được dùng các loại hóa chất trên trong vệ sinh thiết bị y tế, chắc chắn bị cáo sẽ không dùng.
“Quá trình đi làm từ trước đến nay không có văn bản nào cấm bị cáo dùng chất gì, chỉ yêu cầu có chất lượng nước tốt nhất” – Quốc khai trước tòa.
Bị cáo này còn cho biết với 12 năm kinh nghiệm làm việc, từng nhớ trên thế giới có dùng HCL và HF nhưng nồng độ nhẹ hơn, có thêm hóa chất kháng và giá rất đắt nên bị cáo đã nhập hóa chất rẻ hơn, sau đó thấy hiệu quả nên sử dụng nhiều lần.
Trước đó, Quốc khai rằng không chỉ tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, ngay trong tối hôm trước, bị cáo cũng sử dụng HCL và HF để sục rửa màng RO tại một BV khác và kết quả không hề sao.
Trả lời về lượng hóa chất sử dụng trong mỗi lần sục rửa, Quốc nói nhiều hay ít phụ thuộc vào lưu lượng nước trong đường ống RO. Lưu lượng càng thấp tức càng bị tắc thì sử dụng hóa chất càng nhiều. Ngày 28-5-2017, bị cáo không sục rửa màng RO mà chỉ vệ sinh vỏ màng bằng hóa chất. Việc sục rửa đã được thực hiện trước đó từ tháng 2-2017.