Chiều 25-7, TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế xét xử sơ thẩm vụ án kê khống mộ giả để trục lợi.
71 bị cáo bị VKSND tỉnh này truy tố về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.
Phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 71 bị cáo. |
Theo đó, quá trình điều tra xác định, doanh nghiệp tư nhân Hiền Đức Ngọ do ông Nguyễn Quyền (59 tuổi, ở phường An Tây, TP Huế) làm giám đốc, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ mai táng. Hai con trai của ông Quyền là Nguyễn Văn Hiền (37 tuổi) và Nguyễn Quốc Hùng (26 tuổi) cùng tham gia trong hoạt động của doanh nghiệp.
Khi dự án giải phóng mặt bằng được thực hiện, Hùng đã thông qua Nhiêu Khánh Phước Hưng (44 tuổi, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế) xin được bản photo về thông tin các hộ dân, số điện thoại để Hùng, ông Quyền, Hiền liên hệ nhận hợp đồng cất bốc mộ.
Khi tiến hành hợp đồng cất bốc mồ mả, Hùng, Quyền, Hiền đều được người dân nói rõ trong số mộ cất bốc có bao nhiêu mộ thật, mộ giả để đặt mua om, tiểu với số lượng tương ứng.
Đối với các ngôi mộ giả thì Quyền, Hùng, Hiện nhận cất bốc từ người dân với giá từ 800.000 đồng đến 950.000 đồng một mộ (giá nhà nước bồi thường khi di dời một mộ là 1,75 triệu đồng).
Để việc cất bốc, cải táng tiến hành thuận lợi, không bị phát hiện và loại bỏ; các bị cáo đã chủ động liên hệ với một số cán bộ, chuyên viên được giao nhiệm vụ kiểm kê, giám sát về việc cất bốc, di dời mộ tại thực địa (thành lập theo chỉ đạo của UBND TP Huế) thống nhất đưa tiền cho nhóm cán bộ này để ký "Biên bản xác nhận di dời mộ" đối với các ngôi mộ giả.
Thời điểm cất bốc, di dời những ngôi mộ giả này; khi không có sự kiểm tra, giám sát của tổ công tác, các bị cáo đã chỉ đạo những nhân công được thuê đào mộ cứ bốc đất bỏ vào, sau đó phủ giấy đỏ, bỏ bên cạnh mộ vừa đào và báo cho tổ công tác đến, ký biên bản.
Đối với các đơn xin xác nhận nơi có mộ cải táng, các bị cáo Quyền, Hiền sau khi cất bốc mộ giả xong đều đưa đơn xác nhận của các hộ gia đình cho Hùng đi xin xác nhận có chôn cất tại các địa bàn như: phường Hương An, phường Hương Hồ, Hương Thọ.
Để việc xác nhận được thực hiện trót lọt, Hùng đã đưa tiền bồi dưỡng cho các bí thư, chủ tịch UBND một số phường, xã này để được ký xác nhận là có mồ mả ở trong diện di dời đến chôn cất tại phường.
Kết quả điều tra xác định bị cáo Nguyễn Văn Hiền, trong thời gian từ tháng 5-2020 đến tháng 8-2020, đã đồng phạm với một số người dân lập hồ sơ kê khai, thanh toán tổng cộng 280 mộ giả, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 498 triệu đồng.
Về thu lợi bất chính, Hiền nhận tiền từ người dân theo thỏa thuận của hợp đồng là 232 triệu đồng. Cụ thể, chi theo thỏa thuận 50.000 đồng/1 mộ giả cho các thành viên tổ công tác.
Với thỏa thuận này, Hiền đã chi cho năm người với số tiền là 49,5 triệu đồng, thu lợi 182,9 triệu đồng. Hiền đã nộp lại 100 triệu đồng, còn phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính là hơn 82,9 triệu đồng.
Bị cáo Nguyễn Quyền, trong thời gian từ tháng 6-2020 đến tháng 8-2020, đã đồng phạm với một số người dân lập hồ sơ kê khai, thanh toán tổng cộng 101 mộ giả, chiếm đoạt của nhà nước hơn 176,7 triệu đồng.
Về thu lợi bất chính, Quyền đã nộp lại 50 triệu đồng, còn phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính là 27,3 triệu đồng.
Bị cáo Nguyễn Quốc Hùng, trong thời gian từ tháng 2-2020 đến tháng 12-2020, đã đồng phạm với một số người dân lập hồ sơ kê khai, thanh toán tổng cộng 468 mộ giả, chiếm đoạt của nhà nước 860,8 triệu đồng.
Ngoài hành vi móc nối cùng người dân làm giả hồ sơ đền bù chiếm đoạt tiền của nhà nước như nêu trên, Hùng còn trực tiếp cầm đơn đến xin xác nhận có chôn cất mồ mả tại các UBND phường Hương Thọ, Hương Hồ, Hương An giúp Hiền hoàn chỉnh hồ sơ thanh toán 280 mộ giả, chiếm đoạt hơn 496,8 triệu đồng.
Hùng cũng giúp Quyền làm hồ sơ thanh toán 101 mộ giả, chiếm đoạt 176,7 triệu đồng. Do vậy, Hùng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là 1,5 tỉ đồng.
Về thu lợi bất chính, Hùng nhận 336,8 triệu đồng, đã nộp lại 100 triệu đồng, còn phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính là 236,8 triệu đồng.