Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, bà Lê Thị Thu Hà, sinh năm 1971, nguyên đơn trong vụ kiện Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang FUTA Bus Lines (Công ty Phương Trang), đã qua đời từ ngày 20-5. Tuy nhiên, vụ kiện này vẫn được tiến hành bình thường, gia đình bà Hà đã ủy quyền cho người đại diện để theo đuổi vụ kiện.
Nguyên đơn có người đại diện, tòa đã thụ lý lại vụ án
Vụ kiện này từng được TAND quận 7, TP.HCM thụ lý và đưa ra xét xử. Sau đó, TAND quận 7 chuyển vụ án cho TAND quận 1 với lý do bị đơn cung cấp địa chỉ đang hoạt động tại quận 1. Tiếp đó, TAND quận 1 lại chuyển trả vụ án ngược lại cho Tòa quận 7.
Ngày 21-7, trả lời chúng tôi, thẩm phán của TAND quận 1 từng tiếp nhận vụ án này cho biết ngày 23-4-2019 Tòa quận 1 đã ra quyết định chuyển vụ án đến TAND quận 7. Lý do chuyển hồ sơ là vì căn cứ trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Phương Trang thì công ty này có địa chỉ tại quận 7. Vì vậy, theo điểm a khoản 1 Điều 39 BLTTDS, TAND quận 7 là nơi có thẩm quyền giải quyết vụ án này.
Cùng ngày, chúng tôi đã liên hệ với TAND quận 7 và được cho biết thẩm phán được giao giải quyết vụ án này nay đã chuyển công tác. Hiện TAND quận 7 tiếp nhận, thụ lý vụ án này và xác định lại quan hệ tranh chấp là tranh chấp về hợp đồng vận chuyển. Tòa đã có thông báo triệu tập người thừa kế quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn để tiếp tục giải quyết vụ án.
Về phía nguyên đơn, ông Hồ Xuân Quý (chồng bà Hà) cho biết gia đình ông đã ủy quyền cho ông Phan Xuân Sơn làm người đại diện để tham gia vụ kiện. Ông Sơn cũng xác nhận gia đình ông Quý đã thực hiện xong thủ tục ủy quyền bằng văn bản. Theo đó, ông Sơn sẽ thay mặt nguyên đơn liên hệ với các cá nhân, tổ chức, cơ quan chức năng để đàm phán, thỏa thuận, giải quyết… và tham gia quá trình tố tụng giải quyết vụ án.
Ông Hồ Xuân Quý, chồng nguyên đơn Lê Thị Thu Hà (đã mất). Ảnh: VM
Vay hàng trăm triệu để điều trị nhưng không qua khỏi
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Xuân Quý (chồng bà Hà) cho biết từ khi vợ ông bị tai nạn rồi mất vì bệnh tật, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Tổng chi phí chi cho việc điều trị của bà Hà lên đến 1,7 tỉ đồng.
Ông Quý cho biết sau khi về Khánh Hòa lo đám tang cho vợ xong, ông đã vào Cai Lậy, Tiền Giang trông coi vườn cho một gia đình ở đây để kiếm tiền trả dần các khoản vay trước đây để chữa trị cho vợ.
Trong hai ngày 20 và 21-7, chúng tôi đã liên hệ với Công ty Phương Trang để tìm hiểu về vụ án, nhất là việc thăm hỏi, hỗ trợ sau khi nguyên đơn - bà Lê Thị Thu Hà đã mất. Tuy nhiên, nhân viên của công ty thông báo lãnh đạo đã đi công tác nên chưa thể trả lời báo chí. Nhân viên này cho biết sẽ báo lại lãnh đạo công ty và sẽ liên hệ lại sau. |
“Sau khi tai nạn xảy ra, tháng 6-2019, Công an huyện Xuân Lộc, Đồng Nai (địa phương xảy ra vụ tai nạn khiến vợ tôi bị thương nặng) đã mời tôi và Công ty Phương Trang đến để thương thượng, giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, cả hai bên cũng không thỏa thuận được về việc này” - ông Quý kể.
Hỏi về trách nhiệm của Công ty Phương Trang, ông Quý khẳng định từ thời điểm xảy ra tai nạn đến nay, khi vợ ông mất, phía công ty chỉ hỗ trợ 8,5 triệu đồng chi phí điều trị. “Sau khi vợ tôi mất, công ty vẫn không liên hệ, trao đổi hay thương lượng gì để giải quyết vụ việc” - ông Quý cho hay.
Ông Phan Xuân Sơn, người đại diện phía nguyên đơn, cho biết chi phí điều trị của bà Hà rất lớn. Sau khi bà Hà mất, gia đình còn phát sinh nhiều chi phí như ma chay, mai táng, chôn cất… “Sắp tới, tôi sẽ liên hệ với Công ty Phương Trang để thỏa thuận về việc này. Trong trường hợp không thỏa thuận được, chúng tôi sẽ bổ sung yêu cầu khởi kiện để đòi bồi thường thêm các khoản chi phí phát sinh khi bà Hà mất” - ông Sơn cho biết.
“Hãng xe tồn tại là nhờ vào khách hàng” Theo đơn khởi kiện, ngày 31-3-2019, bà Lê Thị Thu Hà thuê xe khách của hãng Phương Trang đi từ Nha Trang vào Sài Gòn để khám bệnh. Trên đường đi, xe khách va chạm với ô tô đầu kéo dẫn đến tai nạn. Hậu quả là bà Hà phải cưa một phần chân, tỉ lệ thương tật 60% và phải nằm điều trị dài ngày tại BV Nguyễn Tri Phương. “Từ khi tôi bị tai nạn đến nay, gia đình chúng tôi đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn chồng chất. Số tiền bỏ ra chữa trị hồi phục sức khỏe là rất lớn. Chồng tôi phải thường xuyên túc trực trong thời gian tôi nằm viện nên toàn bộ thu nhập bị mất. Gia đình phải đi vay mượn khắp nơi để lo chữa trị” - bà Hà nêu trong đơn. Sau đó, gia đình bà Hà đã liên hệ yêu cầu Công ty Phương Trang bồi thường các khoản viện phí, thuốc men, lắp chân giả, đi lại, ăn ở của người chăm sóc. Tuy nhiên, công ty này không đáp ứng. Do đó, bà Hà đã khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường 789,8 triệu đồng. Tiếp đó, ngày 25-9-2019, bà Hà làm đơn khởi kiện bổ sung đòi bồi thường thêm chi phí phát sinh từ việc điều trị là 103,6 triệu đồng. Tổng cộng, bà yêu cầu Công ty Phương Trang phải bồi thường 903,3 triệu đồng. Ngày 13-11-2019, TAND quận 7, TP.HCM từng đưa vụ án ra xét xử. Sau khi xem xét, HĐXX đã quyết định tạm hoãn phiên tòa để làm rõ nhiều tình tiết, xem xét có yếu tố lỗi của nguyên đơn hay không (sau đó tòa này chuyển vụ án sang TAND quận 1 như đã nói trên). Tại phiên tòa này, đại diện bị đơn cho rằng số tiền nguyên đơn đưa ra là không hợp lý nên không chấp nhận. Bị đơn cho rằng khi xảy ra tai nạn, người gây tai nạn là tài xế xe container đã bồi thường cho nạn nhân 115 triệu đồng. Về trách nhiệm bồi thường, bị đơn cho rằng Công ty Phương Trang không có lỗi nên không đồng ý bồi thường. Khi đại diện nguyên đơn hỏi bị đơn giữa bà Hà và công ty có tồn tại một hợp đồng vận chuyển không thì đại diện bị đơn khẳng định là có. Bị đơn cũng trình bày trước HĐXX rằng bị đơn cũng đã hỗ trợ 8,5 triệu đồng. Về nghĩa vụ bồi thường, tài xế là người có lỗi và đã bồi thường, Công ty Phương Trang chỉ bồi thường khi có lỗi. Lúc ấy, HĐXX cũng nói rằng công ty tồn tại là nhờ vào khách hàng. Bà Hà là hành khách nên phía công ty phải có nghĩa vụ chứ không phải là hỗ trợ. |