Gần hai tuần, diễn biến xung quanh vụ Mỹ bắn hạ khí cầu Trung Quốc (TQ) ngày càng nóng. Một ngày sau khi cảnh báo, TQ đã đi bước trừng phạt Mỹ, trong khi Mỹ tiếp tục ra nghị quyết lên án TQ.
Trung Quốc trừng phạt Lockheed, Raytheon của Mỹ
Ngày 16-2, Ủy ban Các vấn đề đối ngoại Quốc hội TQ phản đối và lên án mạnh việc Hạ viện Mỹ ra nghị quyết về “sự cố khí cầu của TQ”, gọi đó là “sự cường điệu có chủ đích và thao túng chính trị, cố tình phóng đại mối đe dọa từ TQ”, tờ Global Times đưa tin. Theo ủy ban này, một số chính trị gia trong Quốc hội Mỹ lợi dụng vụ việc để thổi bùng căng thẳng song phương, cho thấy rõ động cơ chống TQ. Ủy ban này kêu gọi Quốc hội Mỹ ngay lập tức chấm dứt hành vi bôi nhọ TQ, kiềm chế các hành động có thể làm leo thang tình hình.
|
Thượng nghị sĩ Jon Tester và thượng nghị sĩ Susan Collins, tác giả nghị quyết lên án Trung Quốc vì đã “vi phạm trắng trợn” chủ quyền của Mỹ khi cho khí cầu xâm nhập không phận Mỹ. Ảnh: NEW YORK TIMES |
Ngày 9-2, Hạ viện Mỹ ra nghị quyết lên án “việc TQ sử dụng khí cầu do thám” là “sự vi phạm trắng trợn” chủ quyền của Mỹ và nỗ lực “lừa dối cộng đồng quốc tế thông qua những tuyên bố sai sự thật về các chiến dịch thu thập thông tin tình báo của nước này”, theo CNN.
Cũng trong ngày 16-2, TQ đưa tên hai nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ là Lockheed Martin Corp và Raytheon Missiles & Defense (công ty con của Raytheon Technologies Corp) vào danh sách các thực thể không đáng tin cậy, làm suy yếu chủ quyền, an ninh của TQ và áp đặt trừng phạt, theo Global Times.
Hai tập đoàn này bị cấm các hoạt động thương mại liên quan đến TQ (cấm xuất nhập khẩu và đầu tư mới vào TQ, cấm các giám đốc điều hành cấp cao nhập cảnh vào TQ) và đóng khoản tiền phạt khổng lồ vì bán vũ khí cho Đài Loan (gấp đôi số tiền thu được từ việc bán vũ khí cho Đài Loan kể từ tháng 9-2020, nộp trong vòng 15 ngày hoặc bị phạt cao hơn). Trừng phạt có hiệu lực ngay lập tức. Tháng 2-2022, chính phủ Mỹ phê duyệt thương vụ bán thiết bị và dịch vụ quân sự trị giá 100 triệu USD cho Đài Loan, các nhà thầu chính là Lockheed Martin và Raytheon, theo Reuters.
Thông báo trừng phạt của Bộ Thương mại TQ không đề cập đến vụ Mỹ bắn hạ khí cầu TQ, thay vào đó viện dẫn “chủ quyền quốc gia”. Trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao TQ đã cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp chống lại các thực thể của Mỹ liên quan đến vụ việc. Mỹ trước đó đã trừng phạt sáu thực thể của TQ mà Mỹ cho là có liên quan đến các chương trình hàng không vũ trụ của Bắc Kinh.
Nhật và Đài Loan cho biết sẽ bắn hạ khí cầu nếu phát hiện xâm nhập không phận mình. Theo National Review, những phản ứng này đáng chú ý trong bối cảnh Mỹ vừa bắn hạ khí cầu TQ. Có thể động thái của Washington đã kích thích phản ứng từ các bên đồng minh của Mỹ.
Ông Biden sẽ nói chuyện với ông Tập
Ngày 16-2, Thượng viện Mỹ ra hai nghị quyết lên án TQ liên quan đến vụ khí cầu, theo tờ New York Times. Nghị quyết đầu tiên lên án TQ xâm nhập trái phép không phận Mỹ, kêu gọi tổng thống “minh bạch với người dân và Quốc hội Mỹ” về sự cố khí cầu và các nỗ lực gián điệp khác từ TQ.
Nghị quyết thứ hai lên án TQ “vi phạm trắng trợn” chủ quyền của Mỹ, yêu cầu chính quyền mô tả kế hoạch làm việc với các quốc gia khác có liên quan trong vụ khí cầu, đánh giá giá trị thông tin tình báo mà khí cầu thu được khi bay qua một số bang của Mỹ trước khi bị bắn hạ.
Cùng ngày 16-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông sẽ trao đổi với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình để “đi đến tận cùng của vấn đề này”, tuy nhiên khẳng định sẽ “không xin lỗi” chuyện Mỹ bắn hạ khí cầu TQ, theo hãng tin Reuters. Không nói cụ thể thời điểm nhưng ông Biden cho biết Mỹ tiếp tục can dự ngoại giao với TQ về vấn đề này, rằng Mỹ “không tìm kiếm một cuộc chiến tranh lạnh mới”, cũng tin tưởng “cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Mỹ và với tôi là điều cuối cùng mà ông Tập nghĩ đến”.
Về ba vật thể bay không xác định mà Mỹ bắn rơi sau khi bắn hạ khí cầu TQ - ở Alaska, ở Canada, ở hồ Huron (Bắc Mỹ, giáp Canada), trước mắt ông Biden cho biết Mỹ chưa xác định chính xác ba vật thể này là gì nhưng không có bằng chứng chúng liên quan đến chương trình khí cầu do thám của TQ hoặc là phương tiện giám sát từ bất kỳ quốc gia nào khác. Ông Biden cũng nhấn mạnh rằng không có bằng chứng nào cho thấy có “sự gia tăng đột ngột về số lượng vật thể bay trên bầu trời”.
Tổng thống Biden cho biết ông đã chỉ đạo cấp dưới đưa ra “các quy tắc rõ ràng hơn về cách đối phó với những vật thể bay không xác định trong tương lai, phân biệt giữa những vật thể có khả năng gây rủi ro và những vật thể không gây rủi ro”. Ông Biden cho biết ông sẽ chỉ đạo cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan thúc đầy “nỗ lực toàn chính phủ” về cách giải quyết các cuộc chạm trán trong tương lai với các vật thể bay tương tự.•
“Quan hệ Mỹ - Trung hiện tại rất tệ ở mọi khía cạnh”
Hiện các đường dây liên lạc với các đối tác TQ vẫn mở, bất chấp sự từ chối của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng TQ Ngụy Phượng Hòa sau khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đề nghị tiếp xúc vào tuần trước, sau khi Mỹ bắn hạ khí cầu TQ.
Tuy nhiên, có thể nói vụ khí cầu TQ đi vào không phận Mỹ và bị Mỹ bắn hạ đã khiến quan hệ Mỹ - Trung từ không đầm ấm lâu nay trở nên tồi tệ hơn, trang tin The Hill nhận định. Sự việc đã làm đảo lộn những nỗ lực của ông Biden và ông Tập nhằm quản lý căng thẳng không leo thang thành đối đầu và xung đột.
“Cho dù bạn gọi nó là cạnh tranh hay gì đi nữa thì mối quan hệ Mỹ - Trung hiện tại rất tệ ở mọi khía cạnh có thể, bao gồm cả quân đội” - ông Tim Bergreen, cựu Giám đốc Văn phòng Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ.
Căng thẳng giữa Mỹ và TQ có thể sẽ tăng cao hơn khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy thật sự đến thăm Đài Loan tới đây, như ông đã nói.