'Vũ khí tí hon' bảo vệ phụ nữ Ấn Độ khỏi nạn quấy rối

(PLO)- Không chỉ là dụng cụ làm đẹp trang phục, kim băng còn được phụ nữ ở Ấn Độ và nhiều nơi khác sử dụng như một loại "vũ khí" giúp bảo vệ bản thân khỏi những hành vi quấy rối nơi công cộng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo đài BBC, nhiều phụ nữ ở Ấn Độ từng là nạn nhân của quấy rối tình dục tại những nơi công cộng. Điều này xảy ra khi ai đó cố tình chạm vào cơ thể của họ.

Để đối phó với những kẻ quấy rối, phụ nữ tại nước này dùng mọi thứ họ có, từ ô, móng tay đến giày cao gót. Gần đây, nhiều phụ nữ còn dùng một loại “vũ khí tí hon”, gần như lúc nào cũng có sẵn bên người, đó là kim băng.

Kim băng được nhiều phụ nữ Ấn Độ sử dụng như dụng cụ tự vệ. Ảnh: GETTY IMAGES

Kim băng được nhiều phụ nữ Ấn Độ sử dụng như dụng cụ tự vệ. Ảnh: GETTY IMAGES

“Vũ khí tí hon”

Kể từ khi được phát minh vào năm 1849, kim băng đã được phụ nữ trên khắp thế giới sử dụng để giữ các mảnh áo lại với nhau, hoặc để ghim thứ gì đó lên quần áo. Nhưng giờ đây, nó còn được nhiều người sử dụng như một công cụ hiệu quả để chống lại những kẻ quấy rối nơi công cộng.

Bà Deepika Shergill là một trong những phụ nữ Ấn Độ từng sử dụng kim băng để bảo vệ mình. Trả lời BBC, bà cho biết bà vẫn nhớ như in những chi tiết trên chuyến xe buýt cách đây hàng chục năm trước - chuyến xe buýt đưa bà đến văn phòng làm việc và cũng là nơi bà bị một người đàn ông trung niên quấy rối.

Bà Shergill kể khi ấy, bà khoảng 20 tuổi và người đàn ông kia khoảng 40 tuổi. Người đàn ông đó thường mặc bộ đồ màu xám, mang dép hở mũi và có một chiếc túi da hình chữ nhật.

"Anh ta luôn đến đứng cạnh tôi, cố tình chạm vào tôi và ngã đè lên tôi mỗi khi tài xế đạp phanh”, bà Shergill kể.

Bà Shergill cho biết khi đó, bà "rất rụt rè và không muốn mọi người chú ý”. Vì vậy, bà đã phải chịu đựng tình trạng trên trong nhiều tháng.

Tuy nhiên, cho đến một ngày, bà Shergill quyết định không thể để tình trạng này kéo dài được nữa. Bà quyết định mang giày cao gót để đi làm và mang theo một chiếc kim băng.

"Ngay khi anh ta đến và đứng cạnh tôi, tôi đứng dậy khỏi chỗ ngồi và dùng gót chân đạp vào ngón chân anh ta. Sau đó, tôi dùng kim băng đâm vào tay anh ta và nhanh chóng rời đi”, bà kể.

Đó cũng là lần cuối cùng bà Shergill gặp người đàn ông đó trên chuyến xe buýt thường ngày của bà.

Nhiều phụ nữ Ấn Độ bị quấy rối khi sử dụng phương tiện công cộng. Ảnh: GETTY IMAGES

Nhiều phụ nữ Ấn Độ bị quấy rối khi sử dụng phương tiện công cộng. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo BBC, câu chuyện của bà Shergill khá sốc nhưng không phải là câu chuyện hiếm ở Ấn Độ. Nhiều phụ nữ ở quốc gia này đã dùng kim băng để giúp mình thoát khỏi bàn tay của những kẻ quấy rối trên các chuyến xe buýt đông người.

Nâng cao nhận thức

Các nhà hoạt động cho rằng chính vì nỗi sợ hãi và cảm thấy xấu hổ mà nhiều phụ nữ ở Ấn Độ đã không dám lên tiếng khi bị quấy rối.

Theo một khảo sát trực tuyến được thực hiện tại 140 thành phố của Ấn Độ vào năm 2021, 56% phụ nữ cho biết đã bị quấy rối tình dục trên phương tiện giao thông công cộng nhưng chỉ có 2% trong số họ đến báo cảnh sát. Đại đa số nạn nhân cho biết họ tìm cách tự đối phó những kẻ quấy rối hoặc chọn cách bỏ qua.

Hơn 52% phụ nữ trong cuộc khảo sát trên cho biết họ đã từ bỏ cơ hội được đi học và đi làm vì "cảm giác không an toàn" khi sử dụng các phương tiện công cộng.

Bà Kalpana Viswanath, người đồng sáng lập Safetipin - một tổ chức xã hội hoạt động nhằm tạo ra những không gian công cộng an toàn cho phụ nữ - cho biết quấy rối phụ nữ không chỉ là vấn đề của Ấn Độ mà còn là vấn đề toàn cầu.

Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters với 1.000 phụ nữ ở các thành phố London (Anh), New York (Mỹ), Mexico City (Mexico), Tokyo (Nhật) và Cairo (Ai Cập) cho thấy "mạng lưới giao thông là thỏi nam châm thu hút những kẻ quấy rối tình dục. Chúng thường lấy lý do chen lấn vào giờ cao điểm để che giấu hành vi quấy rối”.

Bà Viswanath cho biết phụ nữ ở khu vực Mỹ Latinh và châu Phi từng nói với bà rằng họ cũng mang theo kim băng để tự vệ.

Bà cũng thừa nhận trong vài năm qua, tình trạng quấy rối tình dục trên các phương tiện giao thông công cộng ở Ấn Độ phần nào đã được khắc phục.

Tàu điện ngầm ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ) dành riêng một khoang trên tàu cho hành khách nữ. Ảnh: GETTY IMAGES

Tàu điện ngầm ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ) dành riêng một khoang trên tàu cho hành khách nữ. Ảnh: GETTY IMAGES

Tại thủ đô New Delhi, xe buýt đã được trang bị nút báo động và camera quan sát. Nhiều tài xế nữ đã được thuê lái những chuyến xe buýt này. Nhà chức trách cũng tổ chức các buổi đào tạo để nâng cao nhận thức của tài xế, người soát vé và hướng dẫn họ cách phản ứng nhanh trong trường hợp quấy rối xảy ra trên xe. Cảnh sát cũng cung cấp các ứng dụng và đường dây nóng để hỗ trợ những nạn nhân bị quấy rối.

Dù vậy, bà Viswanath cho rằng giải pháp quan trọng nhất là giúp phụ nữ nâng cao nhận thức về quấy rối tình dục. Đồng thời, phụ nữ cũng cần trang bị những biện pháp tự vệ cho bản thân để có thể sử dụng những lúc cần thiết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm