Vụ lập hơn 10.000 nhóm Telegram để lừa đảo: Tòa yêu cầu làm rõ đường đi của số tiền bị chiếm đoạt

(PLO)- Tòa yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ nguồn gốc và mục đích sử dụng số tiền mà các bị cáo đã chiếm đoạt ở vụ án lập hơn 10.000 nhóm Telegram để lừa đảo.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 9-7, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đưa ra xét xử vụ án Nguyễn Hữu Đạt (25 tuổi, quê Bình Định, ngụ TP.HCM) cùng đồng phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản bằng cách lập hơn 10.000 nhóm Telegram để lừa đảo. Các bị cáo còn bị xét xử về tội rửa tiền.

Phiên tòa này, HĐXX đã triệu tập nhiều bị hại ở Hà Nội, Nghệ An, Ninh Thuận… để làm rõ phương thức, thủ đoạn lừa đảo của nhóm các bị cáo.

Sau khi xem xét, HĐXX đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung nhiều vấn đề.

Tiền tỉ chiếm đoạt đã đi đâu?

Theo HĐXX, vấn đề quan trọng nhất của vụ án là hậu quả của vụ án chưa được khắc phục triệt để. Các bị cáo chiếm đoạt gần 35 tỉ đồng của gần 100 bị hại nhưng đến nay chỉ thu giữ được hơn 3 tỉ đồng tiền mặt.

Kết luận điều tra chưa làm rõ được các bị cáo đầu vụ đã sử dụng số tiền chiếm đoạt như thế nào. Ngoài ra, đây là vụ án có tổ chức nên các đồng phạm trong vụ án đều phải liên đới bồi thường trong trường hợp bản án tuyên về trách nhiệm dân sự. Do đó, HĐXX nhận thấy yêu cầu của bị hại tại phiên tòa là có căn cứ.

Trả hồ sơ điều tra lại về 'đường đi' của nguồn tiền chiếm đoạt vụ lập hơn 10.000 nhóm Telegram để lừa đảo
Nguyễn Hữu Đạt (đứng trả lời) là bị cáo cầm đầu, chủ mưu lập hơn 10.000 nhóm Telegram để lừa đảo nhiều nhà đầu tư trên cả nước. Ảnh: TRÙNG KHÁNH

Các vấn đề mà HĐXX yêu cầu điều tra bổ sung gồm:

Thứ nhất làm rõ về nguồn gốc và mục đích sử dụng số tiền đã chiếm đoạt. Thứ hai là xác minh các tài khoản ngân hàng của các bị cáo còn lại có liên quan; tài khoản nào còn tiền thì cần phong tỏa để thu hồi, bồi thường tối đa cho các bị hại.

Cũng theo HĐXX, các bị hại ở xa, đi lại khó khăn nên phiên tòa sau không cần có mặt. HĐXX sẽ căn cứ vào kết luận điều tra về số tiền các bị hại bị chiếm đoạt để xử lý.

Lap-hon-10.000-nhom-telegram-de-lua-dao-h2.JPG
Một bị hại quê Nghệ An đã khóc khi trình bày bị lừa khi tham gia đầu tư, từng nghĩ đến việc tự tử khi nợ nần. Ảnh: TRÙNG KHÁNH

Về việc sử dụng số tiền chiếm đoạt, các bị cáo đều khai đã tiêu xài cá nhân hết. Đạt khai dùng tiền trả tiền lương cho nhóm bị cáo được thuê để giúp sức hoạt động, mua sắm máy móc phương tiện, chơi tiền điện tử Luna nhưng sau đó bị mất trắng... Hiện tài khoản ngân hàng của bị cáo không còn tiền.

Đầu tư thua nên nghĩ cách lừa lại người khác

Theo cáo trạng, khoảng đầu năm 2021, Đạt tham gia đầu tư kinh doanh các sàn nhị phân trên mạng xã hội Telegram nhưng đều bị lừa. Sau đó, Đạt làm việc giới thiệu nhà đầu tư vào giao dịch trên các sàn nhị phân để được hưởng hoa hồng. Nhận thấy nhu cầu tham gia đầu tư nhằm hưởng lợi nhanh chóng của các nhà đầu tư nên Đạt nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của họ.

Đạt sử dụng ứng dụng Telegram, đưa ra các thông tin giả để huy động vốn của nhà đầu tư vào các sàn giao dịch nhị phân quốc tế do Đạt lập ra. Để điều hành đường dây hoạt động phạm tội này, Đạt chia làm 4 nhóm, thuê nhiều địa điểm tại TP.HCM để đặt máy móc hoạt động. Đạt cũng chỉ đạo 8 đồng phạm mở 8 tài khoản ngân hàng khác nhau để nhà đầu tư chuyển tiền rồi chiếm đoạt.

Từ đầu năm 2021 đến cuối tháng 6-2022, Đạt cùng các đồng phạm đã tạo ra các thông tin và tài liệu giả... để chiếm đoạt số tiền 98 tỉ đồng của khoảng 376 nhà đầu tư trên cả nước. Nhóm tội phạm mua số lượng lớn SIM điện thoại, tạo lập hơn 10.000 nhóm Telegram thường và VIP quảng bá, mời gọi đầu tư với lãi suất từ 4%-10%. Nhóm này lấy ảnh người trung niên, sang trọng trên mạng để làm ảnh đại diện nhằm tạo niềm tin cho các nhà đầu tư; sau đó tìm kiếm nhà đầu tư có tiềm năng, lấy thông tin họ và đưa vào các nhóm Telegram đã lập.

Sau đó, Đạt cùng đồng phạm ở các nhóm sử dụng các tài khoản ảo để tương tác với 1 nhà đầu tư thật (tài khoản VIP từ 1-5 nhà đầu tư thật).

Từ đó các đối tượng ở từng nhóm sử dụng một số phần mềm hỗ trợ để tương tác, chạy quảng cáo, nhắn tin về việc mời chào tham gia đầu tư, cách chơi ở các sàn cho nhà đầu tư thấy.

Lap-hon-10.000-nhom-telegram-de-lua-dao-h3.JPG
Nhiều đồng phạm của Đạt tham gia trong đường dây lừa đảo đều còn rất trẻ. Ảnh: TK

Ngoài ra, nhóm lừa đảo còn làm giả ảnh chụp màn hình các tin nhắn về việc người chơi đầu tư thắng trước đó, hóa đơn giả chuyển tiền cho nhà đầu thu lời, các tin nhắn ngân hàng chuyển tiền cho nickname Telegram ảo làm giả bằng photoshop. Chúng gởi các thông tin giả này cho nhà đầu tư khiến họ tin tưởng và chuyển tiền thật để đầu tư theo cách thức nhóm Đạt hướng dẫn.

Khi nhận được tiền, Đạt chỉ đạo các đồng phạm chuyển lại một ít cho nhà đầu tư tiền lợi nhuận như cam kết. Số còn lại Đạt yêu cầu rút tiền mặt về đưa cho Đạt.

Khi có nhà đầu tư bị thua hết tiền thì nhóm Đạt dùng các thủ đoạn để lý giải; còn Đạt nhắn tin riêng để an ủi, động viên nhà đầu tư để họ tin tưởng việc mất tiền do ngoài ý muốn.

Về hành vi rửa tiền, CQĐT xác định sau khi chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, Đạt dùng chi trả lương cho các đồng phạm, mua sắm công cụ phương tiện phạm tội, thuê địa điểm hoạt động, tiêu xài cá nhân, mua đất, mở quán ăn.

Nỗi đau mất tiền tỉ

Các bị hại đều khai không biết vì sao tài khoản của mình được đưa vào nhóm Telegram đầu tư. Ban đầu họ đều không quan tâm đến những tin nhắn qua lại về việc đầu tư, trả tiền trên đó.

Sau đó, sau khi các đối tượng nhắn tin với họ, hỏi han, chia sẻ và gọi để mời tham gia với những mức lãi suất khủng gấp gần 10 lần lãi suất nếu gửi ngân hàng thì họ quyết định đầu tư.

Trong khoảng 3 ngày đầu, họ được chuyển tiền trả đúng hẹn. Nhiều người tin tưởng, bị cuốn vào rồi vay mượn người thân, bạn bè để đầu tư bởi tâm lý lo ngại “xuống tiền nhanh nếu không sẽ không kịp”…

Các bị hại đều thừa nhận họ không hiểu biết sâu về việc đầu tư. Do tham tiền lãi nên dù không biết các đối tượng đầu tư là ai, họ vẫn tin tưởng chuyển tiền qua các tài khoản ngân hàng mà nhóm này đưa ra.

Thời gian sau, khi phát hiện bị lừa, nhiều bị hại ngần ngại không đi tố cáo vì nhóm đối tượng vẫn gọi, nhắn an ủi, chia sẻ, động viên họ sẽ lấy lại được tiền nên họ hy vọng và ráng chờ. Chỉ khi công an thông báo về vụ án, các bị hại mới vỡ lẽ đã bị lừa mất tiền.

Nhiều bị hại chia sẻ gia đình lục đục tan vỡ; có người đã tính đến việc tự vẫn khi thiếu nợ vì lo sợ mất danh dự. Tại phiên tòa, các bị hại yêu cầu làm rõ việc sử dụng nguồn tiền chiếm đoạt, yêu cầu thu hồi để trả cho bị hại…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm