Dư luận về giá trị AVG chỉ chừng 2.000 tỉ nhưng MobiFone mua tới 8.000 tỉ đồng đã được đặt ra trong cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ tối 2-8. Giải đáp vấn đề này, ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ TT&TT - cơ quan có trách nhiệm trong việc MobiFone mua 95% cổ phần của hãng truyền hình AVG, cho rằng không nên bình luận từ các con số dư luận đồn đoán.
Xử lý nghiêm sai phạm
“Giá trị thương vụ bao nhiêu có các cơ quan thẩm định giá được Bộ Tài chính cấp phép định giá cụ thể. Việc mua-bán như vậy còn liên quan đến đàm phán giữa các đối tác với nhau” - ông Tuấn cho biết.
Thực tế từ khi công bố mua 95% cổ phần AVG đến nay, MobiFone chưa hề hé lộ cách tính giá cũng như giá trị thương vụ. Giải thích thêm về thông tin chỉ đạo thanh tra, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: “Đây là chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng”.
Theo ông Dũng, vụ mua bán này “là hoạt động đầu tư lớn, rất cần sự thận trọng”. Từ chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng đã giao Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có văn bản yêu cầu Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện thương vụ MobiFone - AVG.
“Tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng là trong quá trình thanh tra toàn diện, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm. Tinh thần không có vùng cấm. Bất cứ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu lợi bất chính cần được xử lý nghiêm trước pháp luật và công khai trước nhân dân” - ông Dũng cho biết.
Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng tại cuộc họp báo tối 2-8. Ảnh: ĐẶNG TRUNG
Tin tặc vẫn lác đác tấn công
Sau sự kiện hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (VNA) bị tin tặc tấn công, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết cho đến ngày 2-8 vẫn còn lác đác một số vụ tấn công vào máy chủ một số cơ quan, tổ chức trong nước ở Nam Định, Thanh Hóa…
Riêng với sự việc xảy ra chiều 29-7, khi tin tặc tấn công sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, ông Tuấn cho biết: Trước đó hai tiếng, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính - VNCERT thuộc Bộ TT&TT đã có cảnh báo nguy cơ với VNA. Khi cuộc tấn công xảy ra, Bộ đã cử cán bộ hỗ trợ VNA xử lý sự cố, đưa các hệ thống thông tin tại các cảng hàng không trở lại hoạt động bình thường từ chiều 1-8.
“Trong không gian mạng phát triển thế này, chúng ta không thể chắc chắn những cuộc tấn công như vậy còn diễn ra hay không. Tuy nhiên, phải khẳng định những nguy cơ tiềm ẩn sẽ ngày càng cao và không thể có an toàn tuyệt đối. Vì vậy cùng với phát triển ứng dụng công nghệ thông tin thì cũng phải đầu tư cho công tác phòng ngừa, bảo vệ an ninh mạng” - Bộ trưởng Tuấn nói.
Ông Tuấn khuyến nghị cộng đồng mạng, hoạt động công nghệ thông tin trong nước bình tĩnh, kiềm chế. “Chúng ta cần tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, tránh hành động khiêu khích các nhóm hacker nước ngoài. Cần tăng cường năng lực hơn nữa, đề phòng với các cuộc tấn công có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.
Từ vụ tấn công mạng, báo chí đặt lại câu hỏi về rủi ro khi hạ tầng viễn thông Việt Nam chủ yếu sử dụng thiết bị của các hãng Huawei, ZTE… của Trung Quốc, vốn bị nhiều nước cảnh báo là có vấn đề về bảo mật. Về việc này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng không thể có thiết bị nào là tin tưởng hoàn toàn.
Ông xác nhận thực trạng các nhà mạng lớn sử dụng thiết bị Trung Quốc và gần đây đã phát hiện những thiết bị đầu cuối như máy tính Lenovo có lỗ hổng bảo mật, mất an toàn thông tin. Việc này có nhiều nguyên nhân, như do hoàn cảnh để lại, do chính sách, chiến lược ban đầu của doanh nghiệp chưa đồng bộ, rồi hàng rào pháp lý thiếu chặt chẽ.
Nhưng cũng phải đánh giá khách quan là các hãng công nghệ Trung Quốc phát triển mạnh, vươn lên vị trí cao trong xếp hạng toàn cầu. Trong thương mại quốc tế, về luật pháp Việt Nam chưa thể cấm hay có phân biệt đối xử. Tuy nhiên, trong chức năng quản lý nhà nước, Bộ TT&TT sẽ rà soát, đánh giá để có chính sách kiểm soát tốt hơn.
“Với những hệ thống thông tin quan trọng, sẽ có yêu cầu cụ thể về bảo đảm an toàn thông tin trong đấu thầu, mua sắm thiết bị. Với các doanh nghiệp viễn thông trong nước cũng nên có trách nhiệm, biết đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu, góp phần cùng Nhà nước giữ vững an toàn, an ninh thông tin” - Bộ trưởng Tuấn trao đổi.
Thanh tra mỏ Núi Pháo ngay trong tháng 8 Giải thích về chỉ đạo của Thủ tướng việc thanh tra môi trường với Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo, người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Từ tháng 11-2015, Bộ TN&MT đã lên kế hoạch thanh tra năm 2016, trong đó có mỏ kim loại quý vonfram Núi Pháo. Ngoài ra, trong tháng 6, người dân xã Hà Thượng (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) đã tập trung phản đối tình trạng ô nhiễm do khai thác mỏ gây ra. Đến tháng 7, tỉnh Thái Nguyên có văn bản báo cáo Chính phủ về vấn đề này và Bộ TN&MT thống nhất với tỉnh sẽ đẩy nhanh thanh tra tài nguyên môi trường với Công ty Núi Pháo. Núi Pháo là mỏ vonfram thuộc loại lớn trên thế giới. Quyền khai thác ban đầu thuộc về Quỹ đầu tư Dragon Capital, đến năm 2010 được chuyển giao cho Tập đoàn Masan với giá trị thương vụ được đồn đoán tới 200-300 triệu USD. |