Khu bảo tồn biển Hòn Cau được cho là sẽ tác động không nhỏ khi vị trí nhận chìm khối lượng bùn, cát chỉ cách đó vài hải lý. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Theo đó, ngày 7-7, đoàn công tác của Bộ TN&MT do Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Bình Thuận và các sở, ban ngành, địa phương liên quan.
Sau khi nghe đại diện Bộ TN&MT triển khai công tác kiểm tra, giám sát hoạt động nhận chìm ở biển của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 theo giấy phép nhận chìm ở biển số 1517/GP-BTNMT của Bộ TN&MT, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ TN&MT xem xét, chỉ đạo thực hiện khẩn trương năm nội dung. Cụ thể:
1. Phải tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, số liệu môi trường nền tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau, bãi cạn Breda, các cơ sở sản xuất tôm giống, khu lấy nước nuôi tôm trước khi bắt đầu hoạt động nhận chìm để làm cơ sở so sánh, đối chứng với thông tin, số liệu môi trường tại các vị trí quan trắc, giám sát trước, trong và sau khi có hoạt động nhận chìm theo giấy phép.
2. Xây dựng và sớm ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động nhận chìm và ban hành quy chế phối hợp với địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát để tránh chồng chéo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời tổ chức thông tin công khai cho nhân dân và các tổ chức nuôi trồng thủy sản tại địa phương biết nhằm tăng cường sự giám sát cộng đồng việc thực hiện giấy phép.
3. Bình Thuận cũng đề nghị bổ sung thêm 10 điểm quan trắc tại các khu vực nuôi cá lồng bè, lấy nước nuôi tôm giống, làm muối, bãi hải đặc sản… như đã đề nghị tại buổi làm việc.
4. Phải tiếp tục thực hiện chế độ quan trắc, theo dõi chất lượng môi trường biển sau khi giấy phép hết hạn (31-10-2017) cho đến hết ngày 31-7-2018.
5. Phải chỉ đạo cơ quan chức năng thiết lập và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo (hằng ngày, hằng tuần) về các vấn đề phát sinh trong quá trình vận chuyển, nhận chìm cho Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Bình Thuận để theo dõi, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.