Nhận gần 1 triệu m3 bùn, cát vào biển: Tác hại mãi mãi!

LTS: Mới đây, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc ký giấy cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ gần 1 triệu m3 bùn, cát nạo vét ra biển Tuy Phong (Bình Thuận) dù trước đó có nhiều phản đối vì những lo ngại cho môi trường biển.

Theo các nhà khoa học, dù có đưa ra nhiều giải pháp hạn chế sự tác động của việc đổ khối lượng bùn, cát trên đối với vùng biển Khu bảo tồn Hòn Cau nhưng sẽ rất khó ngăn chặn sự ảnh hưởng của nó đến hệ sinh thái nơi đây.

Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu ý kiến của TS Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, về sự tác hại  khó lường này.

---------------------

Lâu nay trên nhiều diễn đàn chính thức, các nhà khoa học chúng tôi đã phản đối việc cho đổ thải, nhấn chìm xuống vùng biển Vĩnh Tân bởi khu vực này ngay cạnh Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Đây cũng là vùng biển có vai trò cực kỳ quan trọng bởi là vùng nước trồi, là ngư trường rất lớn của Việt Nam, có giá trị to lớn, lâu dài về môi trường, nhất là đa dạng sinh học. Thế nhưng bây giờ Bộ TN&MT lại cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ xuống vùng biển này cả triệu mét khối bùn, cát nạo vét.

Phải chịu trách nhiệm về quyết định này

Điều đáng nói là mặc dù các nhà khoa học, báo chí, dư luận xã hội lo ngại việc chôn cả triệu mét khối chất thải đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau, hủy diệt đa dạng sinh học cả vùng biển này, thế nhưng giấy phép kia vẫn được đưa ra. Điều đó cho thấy sự tiếp thu phản biện từ xã hội là chưa thật thấu đáo.

Việc Bộ TN&MT cho đổ thải xuống vùng biển quan trọng như tôi nói trên đây cho thấy họ hạ thấp giá trị, vai trò của Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Các nhà khoa học chúng tôi thật sự không hiểu họ căn cứ vào cái gì để cho nhấn chìm cả một núi chất thải xuống vùng biển quan trọng bậc nhất Việt Nam. Có lẽ các ông ấy thấy nhiệt điện là quan trọng nhất! Và họ cứ thế mà làm thôi!

Dù có dùng biện pháp gì thì cũng rất khó ngăn chặn tác động của khối bùn, cát khổng lồ trên đến  môi sinh của Khu bảo tồn biển Hòn Cau, một hệ sinh thái biển cực kỳ quan trọng. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Chúng tôi, với tư cách các nhà khoa học về biển, sẽ yêu cầu họ giải thích vì sao cho làm như vậy. Nếu họ không đưa ra được các lý do, căn cứ, các giải pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học của vùng biển này nói chung, bảo vệ Khu bảo tồn biển Hòn Cau nói riêng thì họ phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Cũng xin nói thêm rằng thế giới đã nghiêm cấm thả bất kỳ một chất thải chưa qua xử lý nào xuống biển. Trước đây chỉ nói không nên, bây giờ đã khẳng định là tuyệt đối không được. Việc này đã quy định rõ trong luật pháp quốc tế.

Ở Việt Nam, luật pháp chưa quy định chặt chẽ việc này, ngay cả Luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, dù đây là vùng biển của Việt Nam nhưng chúng ta cũng phải tuân thủ các quy định của thế giới về môi trường chứ! Ở góc độ môi trường, không có vùng biển nào của riêng ai, mà phải theo luật lệ của thế giới.

Sẽ không có giải pháp nào ngăn chặn tác động     

Về mặt khoa học, việc đổ cả triệu mét khối chất thải xuống biển sẽ ảnh hưởng ngay đến cả một vùng biển rộng lớn. Đặc biệt là trong chất thải nạo vét bùn trầm tích, sét đó có nhiều chất rất độc hại. Khi môi trường bị vẩn đục, xáo trộn, trước mắt nó sẽ giết chết hầu hết những sinh vật rất nhỏ bé, chẳng hạn những loại cá ấu thể, nhiều sinh vật bằng mắt thường không thể thấy nhưng có vai trò rất quan trọng trong môi trường đa dạng sinh học.

Những nguồn sống lâu dài của biển sẽ bị hủy diệt hết, đa dạng sinh học bị mất. Những đống chất thải này cứ nằm đó chứ không tự mất đi, khi nào có sóng gió hay những dòng hải lưu sẽ cuốn nó trôi đến các vùng biển khác. Nó như túi khí độc ném xuống biển vậy, khi có điều kiện thì nó bung ra, phát tán khắp nơi. Do đó tôi khẳng định việc nhấn chìm khối lượng bùn, cát nạo vét trên xuống biển sẽ tác hại mãi mãi chứ không chỉ vài chục năm. Giữa khu vực nhấn chìm với vùng biển lân cận, nhất là với Khu bảo tồn biển Hòn Cau sẽ không có giải pháp nào ngăn chặn được sự tác động, ảnh hưởng, xâm hại của nó.

Tôi không biết là về mặt kinh tế, phát triển, khoa học, nhân văn, môi trường… họ đã tính toán, thận trọng hết chưa khi đưa ra quyết định này.

Biển rất quan trọng, năng lượng cũng quan trọng nhưng giữa sự sống lâu dài và lợi ích trước mắt phải biết chọn cái nào! Theo tôi, khi xảy ra sự cố môi trường, những người ký quyết định cho phép đổ thải xuống biển phải cùng chịu trách nhiệm chứ không chỉ doanh nghiệp đổ thải là Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1.

Tại nhiều hội nghị, các nhà quản lý hay hùng hồn cam kết là phát triển kinh tế không bằng mọi giá. Nhưng qua việc cho đổ thải trên, tôi thấy họ đã bằng mọi giá để đạt được mục tiêu của mình.

Phải thực nghiệm giải pháp màn chắn bùn trước khi cấp phép

Ngày 29-6, chúng tôi đã liên lạc với ông Phan Ngọc Cẩm Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, để làm rõ hơn vị trí đổ thải và những chuẩn bị cho hoạt động nạo vét, đổ thải. Tuy nhiên, ông Thành cho biết đang trên đường đi công tác và hẹn sẽ trả lời sớm nhất.

Nhằm hạn chế tác hại của việc nhấn chìm khối lượng bùn, cát khổng lồ này, Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 đưa ra giải pháp sử dụng màn chắn bùn. Các màn này sẽ được quây trong khu vực thi công và neo giữ cố định bằng các túi đựng đá tảng nhằm không cho bùn thải tràn ra bên ngoài khu vực được cấp phép.

Được biết Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 đã chuẩn bị hơn 3.000 m màn chắn bùn, trong đó phần lớn để sử dụng tại vị trí nhấn chìm vật chất sau nạo vét và phần còn lại khoảng 500 m sử dụng tại khu vực nạo vét.

Một cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận cho biết ở đại dương chỉ cần dòng chảy thay đổi đã tác động lớn đến thủy sinh, rạn san hô, cỏ biển nên việc dùng màn chắn bùn chưa chắc là giải pháp tốt nhất. “Lẽ ra trước khi cho đổ lượng bùn, cát khổng lồ xuống biển cần phải thực nghiệm dùng màn chắn bùn một cách nghiêm túc, khoa học để đánh giá tác động đến môi trường biển nhưng không hiểu sao Bộ TN&MT lại cấp phép vội vã và đưa vào nạo vét, đổ thải quá nhanh như vậy” - vị cán bộ này cho biết.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng việc đổ chất thải phải bảo đảm các quy trình liên quan không ô nhiễm môi trường biển, cũng như bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại đây. “Nếu có sai sót phải dừng ngay. Không đánh đổi môi trường để đổi lấy lợi ích kinh tế” - ông Tám nói.

P.NAM - Đ.TRUNG

________________________________

Việc đổ cả triệu mét khối chất thải xuống biển phải điều tra, nghiên cứu kỹ càng và căn cứ khoa học nào để cấp giấy phép bởi giải pháp khắc phục đối với cả triệu mét khối bùn, cát thải dưới đại dương là rất khó.

TS TẠ QUANG NGỌC,  nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm