Buổi tọa đàm do Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường (CHANGE) trực thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 17-2.
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi (khoa Môi trường, Trường ĐH KHTN, ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh Việt Nam có 16 khu bảo tồn biển, trong đó có Hòn Cau. Đây là những khu bảo tồn đại diện trên biển cho các vùng miền. Và nếu bảo vệ tốt sẽ phát sinh hiệu ứng tràn, cân bằng sinh thái cho các vùng miền.
Bày tỏ sự không đồng tình về việc thu hẹp diện tích Hòn Cau để nhường cho nhiệt điện, ông Hồi cho hay chỉ cách đây vài ngày Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng có bài phát biểu tại Washington (Mỹ) đã nói rõ tầm quan trọng của đại dương đối với loài người và Việt Nam là một quốc gia biển. “Biển rất quan trọng và theo điều tra, quy hoạch của Chính phủ thì cần phải mở rộng các khu bảo tồn biển ở Việt Nam, trong đó có Hòn Cau. Việc mở rộng ở đây có ý nghĩa rất lớn bởi tính liên kết về động lực học, sinh thái học rất rõ và đây cũng chính là chủ trương của Nhà nước”.
TS Hồi cũng cho rằng muốn thu hẹp Hòn Cau thì phải chứng minh rằng khu này, vùng biển này không thể bảo tồn và Hòn Cau không phải là vị trí lõi của khu bảo tồn.
Nói về đề xuất xin nhận chìm hơn 1,5 triệu m3 vật liệu sau nạo vét xuống vùng biển Vĩnh Tân, ông Hồi đặt vấn đề: “Tôi không cần biết chất thải này có ô nhiễm hay không nhưng toàn bộ tổng lượng thải theo vòng đời của nhà máy sẽ tiếp tục đổ ra và sẽ phủ toàn bộ hệ thống san hô và các giá trị sinh thái”. Theo TS Hồi, việc nhận chìm mà cứ chứng minh là không ô nhiễm là không ổn. Vấn đề quan trọng phải đặt ra là chỗ nhận chìm có những giá trị quan trọng không; giá trị đó của ngày hôm nay hay có ý nghĩa lâu dài cho đất nước. “Và tôi khẳng định ở đây có những giá trị rất lớn” - TS Chu Hồi nói và đề nghị “phải thay đổi, rà soát lại các dự án ở Vĩnh Tân từ bài học Formosa”.
PGS-TS Võ Sĩ Tuấn, Viện Hải dương học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), thông tin: “Những hệ sinh thái rạn san hô như ở Hòn Cau là nơi dự trữ sinh học đa dạng, mang lại các giá trị kinh tế rất lớn”. Theo TS Tuấn, Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) đã tính toán cứ mỗi km2 rạn san hô mang lại 600.000 USD lợi tức chỉ từ du lịch mỗi năm. Thế nhưng nếu đánh mất thì chi phí khôi phục rất cao, như Maldives tiêu tốn 10 triệu USD/km bờ biển để thay thế rạn san hô bị phá hủy.
Việt Nam đứng thứ ba thế giới về nhiệt điện than Theo quy hoạch chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò chủ đạo trong ngành năng lượng cả nước. Cụ thể, sản lượng nhiệt điện than chiếm 49,3% vào năm 2020, 55% vào năm 2025. Vào năm 2030, Việt Nam sẽ có tổng cộng 64 nhà máy nhiệt điện than, công suất tổng cộng 55.300 MW, cho sản lượng 304 tỉ kWh, chiếm 53,2% tổng sản lượng điện, tiêu thụ 129 triệu tấn than. Theo CHANGE, trung bình 3,5 phút, một nhà máy nhiệt điện than 500 MW sẽ hút lên một lượng nước đủ để chứa trong một bể bơi tiêu chuẩn Olympic (2.500 m3) để làm mát hệ thống. Sau đó nước được trả lại sông, hồ, biển với nhiệt độ cao hơn nước đầu vào từ 8 đến 13 độ C khiến môi trường sống của các sinh vật biển như cá, tôm, tảo, san hô… bị ảnh hưởng nặng nề. “Việt Nam là nước đứng thứ ba trên thế giới trong việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than trong khi toàn cầu đang chuyển hướng sang năng lượng tái tạo trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu” - CHANGE thông tin. |